Sẽ không còn chuyện làm sai rồi "xin lỗi cho xong"?

(PLO) - Thủ tục hành chính trong lĩnh vực bồi thường nhà nước hiện rất rườm rà, do đó phải cải cách mạnh mẽ trình tự thủ tục là vấn đề tuyệt đại đa số ý kiến đồng tình tại cuộc họp lần thứ 2 Tổ biên tập dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sửa đổi diễn ra hôm qua, 1/4.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bức xúc vì xin lỗi chiếu lệ

Một trong những hạn chế của Luật hiện hành theo đại diện Tổ biên tập là quy định về trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường chưa chặt chẽ, đầy đủ, thủ tục hành chính rất rườm rà, thời hạn giải quyết không phù hợp, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người bị thiệt hại cũng như cơ quan có trách nhiệm bồi thường.

Đặc biệt, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, trách nhiệm của cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong việc thực hiện xin lỗi, cải chính công khai. Vì vậy, việc tổ chức xin lỗi, cải chính công khai và đăng báo của cơ quan có trách nhiệm bồi thường đối với người bị thiệt hại thực hiện chưa thống nhất, còn thực hiện qua loa, chiếu lệ gây bức xúc cho người bị thiệt hại và xã hội.

Luật TNBTCNN quy định việc lập dự toán, quản lý và cấp phát kinh phí tách biệt giữa cơ quan có trách nhiệm bồi thường với cơ quan tài chính có thẩm quyền thực hiện việc xem xét, cấp phát kinh phí chi trả tiền bồi thường là chưa phù hợp. Trình tự, thủ tục thẩm định, chi trả tiền bồi thường rất phức tạp, phải qua nhiều cấp có thẩm quyền xem xét nên đã làm chậm việc chi trả tiền bồi thường, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người bị thiệt hại.

Vì những bất cập này, các ý kiến đều đồng tình phải cải cách mạnh mẽ trình tự thủ tục giải quyết bồi thường. Theo Tờ trình Dự án Luật Sửa đổi được đưa ra lấy ý kiến, sẽ quy định các trường hợp Nhà nước chủ động giải quyết bồi thường theo thủ tục rút gọn (người bị thiệt hại không cần: yêu cầu bồi thường, xác minh thiệt hại, thương lượng mà cơ quan nhà nước sẽ chủ động giải quyết); trong hoạt động thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường thì chứng minh thiệt hại không là yêu cầu bắt buộc.

Đồng thời, trường hợp người bị thiệt hại gặp khó khăn trong việc có được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường thì có thể đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ; quá trình xác minh thiệt hại được quy định cụ thể, rõ ràng hơn và khả thi hơn so với hiện hành; quy trình chi trả tiền bồi thường được cải cách triệt để, đáp ứng yêu cầu nhanh chóng bồi thường cho người bị thiệt hại; thủ tục giải quyết bồi thường tại tòa án được viện dẫn, quy định áp dụng thủ tục tố tụng dân sự rút gọn theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Phải đăng báo công khai trong 3 số liên tiếp

Đặc biệt, Dự luật quy định cụ thể về tổ chức khôi phục danh dự cho tổ chức, cá nhân bị thiệt hại (bao gồm xin lỗi, cải chính công khai và đăng báo). Cụ thể, trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày cử công chức giải quyết bồi thường, cơ quan bồi thường nhà nước phải bố trí địa điểm thực hiện việc xin lỗi, cải chính công khai và thông báo cho những người được quy định tại điều luật về địa điểm, thời gian tổ chức xin lỗi, cải chính công khai.

Không chỉ có vậy, cần yêu cầu tổ chức quản lý người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại cử người đại diện có thẩm quyền tham gia buổi xin lỗi, cải chính công khai, chuẩn bị bài xin lỗi người bị thiệt hại và đăng báo xin lỗi; mời người bị thiệt hại và thân nhân của họ, đại diện chính quyền địa phương, các cơ quan đoàn thể, một số đại diện khu dân cư nơi cư trú của người bị thiệt hại và phương tiện thông tin đại chúng tham dự.

Trình tự thực hiện việc xin lỗi, cải chính công khai cũng được quy định phải thực hiện bắt buộc qua các bước, đáng chú ý trong sơ thảo luật lần 1 thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan bồi thường nhà nước, tổ chức quản lý người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại phải đăng báo xin lỗi, cải chính công khai trên một tờ báo trung ương và một tờ báo địa phương trong ba số liên tiếp.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định trình tự, thủ tục xin lỗi là cần thiết, khắc phục tình trạng qua loa, đại khái như hiện nay, tuy nhiên, cần xem xét để có những quy định mang tính khả thi.

Đọc thêm