Sẽ thực hiện nhiều chính sách để giải quyết chế độ cho cán bộ dôi dư

(PLVN) -Theo Bộ Nội vụ, khó khăn lớn nhất hiện nay của các địa phương trong việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã là việc bố trí và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đã có 45 địa phương xây dựng phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC

Hôm nay (4/2), theo thông tin từ Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ), thời gian qua các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chủ động thực hiện việc rà soát số liệu để xác định số lượng các ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021. 

Tính đến ngày 31/01/2020, trên cả nước đã có 45 tỉnh, thành phố xây dựng phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021. 

Đến nay, đã có 43 tỉnh, thành phố gửi hồ sơ đề án đến Bộ Nội vụ và Bộ này đã tham mưu cho Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) hồ sơ đề án của 40 tỉnh, thành phố. Còn 3 địa phương (gồm: TP Hà Nội, Cần Thơ và tỉnh Khánh Hòa đang lấy ý kiến Thành viên Chính phủ, dự kiến sẽ kịp trình UBTVQH tại phiên họp tháng 02/2020).

UBTVQH đã thông qua và ban hành Nghị quyết về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của 38 tỉnh, thành phố (trong đó, tỉnh Cao Bằng có 2 phương án nhập huyện Trà Lĩnh với Trùng Khánh; Phục Hòa với Quảng Uyên phải giải trình rõ các yếu tố đặc thù để báo cáo UBTVQH). 

Dự kiến tại phiên họp tháng 2/2020, UBTVQH sẽ xem xét hồ sơ đề án của 5 tỉnh, thành phố còn lại (gồm: Lào Cai, Thái Bình, Hà Nội, Cần Thơ, Khánh Hòa) và giải trình của tỉnh Cao Bằng khi nhập 4 huyện thành 2 huyện. 

Về số lượng các ĐVHC cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021, Vụ Chính quyền địa phương cho biết: theo quy định của Nghị quyết số 653 của UBTVQH thì có 19 ĐVHC cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp. Tuy nhiên, các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ tiến hành sắp xếp đối với 9 ĐVHC cấp huyện thuộc diện này; còn 10 ĐVHC cấp huyện thì đề nghị chưa tiến hành sắp xếp đợt này. 

Kết quả, có 18 ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp (bao gồm 9 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 1 đơn vị thuộc diện khuyến khích sắp xếp và 8 đơn vị liền kề có liên quan đến sắp xếp). Dự kiến, số lượng ĐVHC cấp huyện giảm là 6 đơn vị. 

Trong đó, tỉnh Cao Bằng giảm 3 huyện; tỉnh Quảng Ngãi giảm 1 huyện; tỉnh Quảng Ninh giảm 1 huyện; tỉnh Hòa Bình giảm 1 huyện; các tỉnh Yên Bái, Điện Biên có điều chỉnh địa giới để sắp xếp các ĐVHC cấp huyện nhưng không giảm được số lượng ĐVHC cấp huyện. 

Nghị quyết số 653 cũng quy định có 631 ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp. Nhưng các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ tiến hành sắp xếp đối với 531 ĐVHC cấp xã; còn 100 ĐVHC cấp xã thì đề nghị chưa sắp xếp đợt này. 

Kết quả có tổng số 1.024 đơn vị ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp (bao gồm: 531 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 110 đơn vị thuộc diện khuyến khích sắp xếp và 383 đơn vị liền kề có liên quan đến sắp xếp). Dự kiến, số lượng ĐVHC cấp xã giảm là 545 đơn vị. 

Nhìn chung, các địa phương đã tập trung vào việc sáp nhập nguyên trạng các ĐVHC cấp huyện, cấp xã để vừa đạt mục tiêu là giảm số lượng ĐVHC, vừa tăng quy mô diện tích tự nhiên và dân số của ĐVHC mới hình thành sau sắp xếp.

Sẽ kịp thời giải quyết vướng mắc

Bên cạnh những kết quả trên, việc sáp nhập các ĐVHC cấp huyện, cấp xã cũng còn tồn tại không ít hạn chế và vướng mắc. Trong đó, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư. Dự kiến con số này không hề nhỏ, có thể lên tới gần chục nghìn cán bộ, công chức.

Mặc dù, Nghị quyết số 653 của UBTVQH và Nghị quyết số 32/NQ-CP của Chính phủ đã quy định việc sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ, chính sách dôi dư thực hiện theo quy định hiện hành. Nhưng theo phản ánh của nhiều địa phương thì sẽ tồn đọng một số lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức dôi dư khi thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã do chưa sắp xếp, bố trí, giải quyết ngay được. Nhất là trong điều kiện Chính phủ mới ban hành Nghị định số 34/2019/CP-NĐ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. 

Đồng thời, Đề án 500 trí thức trẻ về công tác ở 500 xã khó khăn và đặc biệt khó khăn đang được thực hiện ở các vị trí công chức cấp xã. Đến tháng 7/2020 thì Đề án này kết thúc, nhiều địa phương chưa biết giải quyết ra sao.

Giải quyết những bất cập trên, giải pháp được Bộ Nội vụ đưa ra là thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội theo Nghị định số 26/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

 Cùng với đó là thực hiện chế độ nghỉ việc, chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 113/2018/NĐ-CP và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Ngoài ra, sẽ tuyển dụng, tiếp nhận thành công chức cấp huyện đối với cán bộ, công chức cấp xã đủ điều kiện; bố trí, sắp xếp các cán bộ, công chức cấp xã sang các ĐVHC cấp xã khác còn thiếu chỉ tiêu biên chế… 

Bộ Nội vụ cho biết, trong quá trình thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã và giải quyết chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư, nếu có những khó khăn, vướng mắc, Bộ Nội vụ sẽ kịp thời phối hợp với các cơ quan có liên quan cùng các địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đọc thêm