Sôi động 365 ngày và sự đồng thuận toàn dân

(PLO) - Lần đầu tiên trong vòng nhiều năm, Việt Nam được dự báo sẽ hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội giao. Bên cạnh đó, nước ta cũng đã tổ chức thành công nhiều hoạt động đối ngoại mà nổi bật là Năm APEC; cùng với đó, cuộc chiến chống tham nhũng được đẩy mạnh, tạo được sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân… 
Chỉ trong năm 2017, Quốc hội đã cho ý kiến và thông qua 18 luật đã tạo động lực lớn cho phát triển kinh tế.
Chỉ trong năm 2017, Quốc hội đã cho ý kiến và thông qua 18 luật đã tạo động lực lớn cho phát triển kinh tế.

Chính phủ đạt và vượt 13 chỉ tiêu Quốc hội giao

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2017 có thể là năm đầu tiên sau nhiều năm chúng ta hoàn thành tất cả 13 chỉ tiêu mà Quốc hội giao, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt, 8 chỉ tiêu đạt. Đến tháng 12 vừa qua, Ngân hàng thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2017 lên 6,7%, tăng mạnh so với dự báo trước đó.

 Những tiến bộ đạt được sẽ là cơ sở vững chắc để Việt Nam tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược trong những năm tới.

APEC 2017 -  mang đậm dấu ấn Việt Nam

11 năm sau lần đầu đăng cai Năm APEC, năm 2017 Việt Nam lại vinh dự được trở thành nước chủ nhà của Năm APEC thứ 2. Đón các nhà lãnh đạo và các đại diện của các nền kinh tế thành viên APEC cùng các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế trong bối cảnh thế và lực đã khác trước rất nhiều, Việt Nam đã tổ chức vô cùng thành công Năm APEC 2017, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Ngay sau các hoạt động của Năm APEC 2017, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước ngay sau Đại hội lần thứ XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Tổng thống Donald Trump cũng trở thành Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam trong năm đầu nhậm chức. Đây cũng là dịp để Việt Nam quảng bá hình ảnh đất nước nhằm thu hút đầu tư, thương mại và du lịch.

Tổ chức thành công APEC, Việt Nam khẳng định là đối tác tin cậy, trách nhiệm trong cộng đồng khu vực và quốc tế.
Tổ chức thành công APEC, Việt Nam khẳng định là đối tác tin cậy, trách nhiệm trong cộng đồng khu vực và quốc tế.

Thông qua 18 Luật quan trọng-Động lực lớn để phát triển đất nước

Tại các kỳ thứ 3 và thứ 4 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã cho ý kiến và thông qua 18 Luật và nhiều Nghị quyết nhằm tiếp tục thể chế hóa các quy định của Hiến pháp 2013, hoàn thiện các quy định pháp luật về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tái cơ cấu nền kinh tế, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng các đòi hỏi của tình hình mới. 

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI- Sáng tạo và hành động

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 – 2022 biểu thị quyết tâm của toàn Đoàn sẵn sàng đi đầu trong mọi khó khăn, thực hiện thành công mục tiêu xây dựng lớp thanh niên thời kỳ mới có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu lòng yêu nước; có đạo đức, lối sống văn hóa, trách nhiệm, tuân thủ pháp luật, yêu chuộng hòa bình; có tri thức, sức khỏe, hoài bão và khát vọng vươn lên. Xây dựng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực sự vững mạnh, tập hợp đoàn kết đông đảo thanh niên, xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng Cộng sản Việt Nam…

Không có “vùng cấm” trong phòng, chống tham nhũng

Năm vừa qua, hàng loạt cán bộ, lãnh đạo cấp cao bị xử lý, kỷ luật đã chứng minh quyết tâm của Đảng, Chính phủ trong công cuộc phòng chống tham nhũng không có vùng cấm. 

Sự kiện gần đây là ngày 8/12/2017, ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIV; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương – đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng…. Trước đó là việc xử lý Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trịnh Xuân Thanh và một số cán bộ là đại biểu Quốc hội khóa XIV… đã làm nức lòng, củng cố niềm tin của nhân dân vào công cuộc phòng chống tham nhũng.

Với “cú hích” mang tính lịch sử, đầu tàu kinh tế TP HCM được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Với “cú hích” mang tính lịch sử, đầu tàu kinh tế TP HCM được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Thông qua cơ chế đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh

Với 93,69% Đại biểu tán thành, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về 4 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, TP. Hồ Chí Minh được tự quyết định nhiều vấn đề quan trọng, như quản lý đất đai, đầu tư, tài chính - ngân sách và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP quản lý... 

Sự kiện này được đánh giá là cú hích kịp thời nhằm tạo đà cho TP Hồ Chí Minh “rộng cửa” phát triển và đóng góp nhiều hơn cho đất nước.

Tiêu chuẩn cán bộ cấp cao: Tuyệt đối không tham vọng quyền lực

Trong năm 2017,  Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 90-QĐ/TW của Bộ Chính trị, quy định tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đây là lần đầu, Bộ Chính trị ban hành quy định cụ thể về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước.

Theo quy định, những cán bộ này phải “tuyệt đối không tham vọng quyền lực, có nhiệt huyết và trách nhiệm cao với công việc, là trung tâm đoàn kết, gương mẫu về mọi mặt, không tham nhũng, cơ hội, vụ lợi, và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hoá trong nội bộ”.

Bôi nhọ lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ bị khai trừ Đảng

Cũng trong năm qua, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm với hình thức cao nhất là khai trừ được áp dụng cho các vi phạm mang tính cố ý xuyên tạc, phủ nhận, phản bác, hoặc đưa thông tin sai lệch về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; bôi nhọ lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước; những đảng viên lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng…

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI là ngày hội lớn của tuổi trẻ.
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI là ngày hội lớn của tuổi trẻ.

Kết thúc hoạt động của Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ

Ngày 25/10/2017, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. 

Cụ thể, đối với hệ thống tổ chức của Đảng, nghị quyết nêu rõ kết thúc hoạt động của các Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Bên cạnh đó là thí điểm việc kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu hoặc hợp nhất một số cơ quan của Đảng và Nhà nước, cơ quan của Đảng và Mặt trận Tổ quốc có chức năng, nhiệm vụ tương đồng ở cấp tỉnh, cấp huyện những nơi có đủ điều kiện.

Thông qua Nghị quyết về cải cách bộ máy hành chính Nhà nước

Cuối kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã chính thức thông qua Nghị quyết về cải cách bộ máy hành chính nhà nước. Theo đó, Nghị quyết nêu rõ việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới phải được tiến hành toàn diện, đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị; có lộ trình cụ thể, gắn với cải cách thủ tục hành chính, tinh giản biên chế, cải cách tiền lương, trong đó tập trung vào việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, bảo đảm đồng bộ, đầy đủ, kịp thời, hiệu quả... 

Đọc thêm