Sửa đổi Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu: Nam và nữ cùng về hưu - tại sao không?

(PLVN) - Đó là câu hỏi mà nhiều chuyên gia pháp lý, chuyên gia về giới đã đặt ra khi tiếp cận dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung với quy định vẫn tiếp tục duy trì sự chênh lệch độ tuổi nghỉ hưu nam – nữ như hiện nay, tuy rằng khoảng cách đã có sự rút ngắn (nam giới nghỉ hưu ở tuổi 60 – hiện hành và 62 – dự kiến; nữ giới nghỉ ở tuổi 55 – hiện hành và 60 dự kiến).
Tuổi nghỉ hưu cần được xem xét đảm bảo quyền như nhau cho mọi người, không phân biệt giới tính (ảnh minh họa).
Tuổi nghỉ hưu cần được xem xét đảm bảo quyền như nhau cho mọi người, không phân biệt giới tính (ảnh minh họa).

Công ty thiết bị linh kiện điện thoại SEI có trụ sở ở Khu công nghiệp Thăng Long có thâm niên hoạt động hai chục năm nay trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện thoại, bảng vi mạch điện tử. Bà Phạm Hải Hà - Chủ tịch Công đoàn cho biết, công ty hiện có 6 nghìn lao động cả nam và nữ.

Với mặt hàng sản xuất chính là linh kiện điện thoại, bảng vi mạch điện tử nên công việc đòi hỏi người lao động trong công ty phải đáp ứng được yếu tố sức khỏe như: mắt tinh, tay nhanh, hoạt động chính xác, có khả năng đứng trong suốt thời gian lao động. 

Thực tế tại công ty cho thấy yêu cầu này đối với cả lao động nam và nữ khi đã bước vào giai đoạn trung tuổi đều là khá khó khăn bởi lý do sức khỏe như mắt lão thị, xương khớp nhức mỏi…

Nghỉ hưu là quyền của mọi người, không phân biệt giới tính

Câu chuyện của công nhân công ty nói trên cũng là câu chuyện của rất nhiều người lao động nam và nữ tại các lĩnh vực sản xuất, nhất là những lĩnh vực lao động nặng nhọc như khai thác than, khoáng sản, xây dựng…

Từ trước đến nay, trong nhìn nhận xã hội nói chung và trong quan điểm xã hội nói riêng, đều có một nhận định rằng lao động nam có sức khỏe và khả năng cống hiến nhiều hơn nên cần được kéo dài tuổi lao động, còn lao động nữ thì sức khỏe yếu và gánh thêm thiên chức làm vợ, làm mẹ. Và do đó, chính sách nghỉ hưu sớm được cho là sự ưu ái cũng như là sự bù đắp cho những gánh nặng của phụ nữ với vai trò là người lao động, người chăm sóc gia đình và xã hội.

 Song, nói như bà Hà Thị Thanh Vân – Học viện Phụ nữ thì không có một chứng minh khoa học nào cho thấy lao động nam khỏe hơn lao động nữ và vì thế mà họ có nhu cầu được kéo dài tuổi nghỉ hưu hơn phụ nữ.

“Mỗi cá nhân quyết định tham gia lao động ở những độ tuổi khác nhau, làm công việc có tính chất và mức độ khác nhau, điều kiện sức khỏe thể chất và tinh thần khác nhau, thiên chức và vai trò làm cha, làm mẹ khác nhau nên theo tôi Nhà nước cần đảm bảo cho cả nam và nữ có tuổi nghỉ hưu hợp lý, chứ không thể duy trì cách làm luật theo hướng quy đồng một mẫu số chung cho tất cả phụ nữ giống nhau, tất cả mọi nam giới giống nhau như hiện nay được.

Tuổi nghỉ hưu phải được xem xét đảm bảo quyền như nhau cho mọi người, không phân biệt giới tính, làm ở lĩnh vực, ngành nghề nào sẽ nghỉ hưu ở độ tuổi phù hợp với lĩnh vực, ngành nghề đó” – bà Vân phân tích.

Ở góc độ bảo hiểm xã hội (BHXH), theo tính toán thì hiện nay tuổi thọ trung bình của phụ nữ cao hơn nam giới tới 6 tuổi trong khi phụ nữ lại nghỉ hưu sớm hơn nam giới 5 tuổi. Các quy định về tuổi nghỉ hưu sớm của phụ nữ so với nam giới theo luật hiện hành có thể dẫn đến nhiều hình thức phân biệt đối xử về phát triển nghề nghiệp, cơ hội thăng tiến và khả năng tích lũy lương hưu sau này.

Hơn nữa, 5 năm nghỉ hưu sớm hơn của phụ nữ so với nam giới trong khi tuổi thọ trung bình của phụ nữ cao hơn nam giới, sẽ tạo thêm gánh nặng cho quỹ lương hưu, quy định này không còn phù hợp trong bối cảnh điều kiện kinh tế, xã hội đã có nhiều thay đổi.

Tiến tới cân bằng tuổi nghỉ hưu của nam và nữ

Còn nhớ, đầu năm 2018, xã hội đã từng sục sôi lên trước thông tin có 14.157 lao động nữ có dưới 25 năm đóng BHXH không được hưởng 75% lương hưu và 7.606 lao động nữ không được hưởng 2,5 tháng lương trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu.

Căn nguyên của thông tin này theo phân tích của bà Hà Thị Thanh Vân là từ trước đến nay việc quy định tuổi nghỉ hưu không bằng nhau giữa nam và nữ đã làm cho một bộ phận phụ nữ tham gia thị trường lao động muộn không có cơ hội đóng đủ BHXH theo quy định để được hưởng lương hưu hàng tháng.

Chính vì thế cách tính tỷ lệ lương hưu 45% cho 15 năm đóng BHXH đầu tiên và sau đó cứ mỗi năm tính thêm 3% đối với nữ và 2% với nam trước thời điểm 1/1/2018 không phải là “ưu tiên” nữ mà là quy định hợp lý khi cơ hội đóng BHXH của họ không bằng nhau. 

“Tuy nhiên, Luật BHXH khi sửa đổi vẫn dựa trên quy định nghỉ hưu của phụ nữ sớm hơn nam giới 5 năm nhưng tính chung 1 tỷ lệ từ năm thứ 16 trở đi giống nam giới là 2% nên thiệt thòi luôn nghiêng về phụ nữ và dẫn đến con số làm xã hội sục sôi như nói trên. Dù rằng sau đó để giải quyết vấn đề, Chính phủ đã có một nghị định điều chỉnh nhưng mang tính tình thế, không thể hiện được bản chất của vấn đề cần một giải pháp công tâm để đảm bảo quyền và cơ hội bình đẳng về lương hưu cho người lao động”, theo bà Vân.

TS. Dương Thị Thanh Mai – Trưởng nhóm đánh giá tác động giới của Bộ luật Lao động nêu quan điểm rằng khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần lưu ý nguy cơ xuất hiện bất bình đẳng giới giữa nam và nữ, nữ và nữ, nam và nam. “Theo tôi, xét tuổi nghỉ hưu nên xét trong từng nhóm lao động và trong mỗi nhóm lao động thì nên xét tương quan giữa nam và nữ để đảm bảo bình đẳng giới”, theo bà Mai.

Từ góc độ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), ông Nuno Cunha, chuyên gia cao cấp về an sinh xã hội của ILO cho rằng: “Nhiều người nói sẽ là công bằng nếu cho phép phụ nữ nghỉ hưu sớm, vì bên cạnh làm việc họ còn thực hiện chức năng chăm sóc gia đình làm họ bận rộn hơn. Một số ý kiến cũng cho rằng, phụ nữ cần nghỉ hưu sớm vì sức khỏe của họ không bằng nam giới.

Tuy nhiên, thực tế phụ nữ có tuổi thọ cao hơn nam giới. Bên cạnh đó, nếu nghỉ hưu sớm, phụ nữ sẽ có lương hưu thấp hơn nam giới do thời gian đóng góp ít hơn, trong khi phụ nữ lại sống lâu hơn. Do vậy, cách công bằng nhất là cần phải tiến tới cân bằng tuổi nghỉ hưu của nam và nữ”.  

Mới đây câu hỏi “Có nên bình đẳng tuổi hưu giữa lao động nam và nữ?” một lần nữa được đặt ra tại hội thảo “Một số vấn đề về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động trong Bộ luật Lao động sửa đổi” do Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội đã tổ chức ngày 9/10. 

TS. Nguyễn Xuân Thu – Phó Giám đốc Học viện Tư pháp cho rằng, Việt Nam là một trong rất ít quốc gia có quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ khác nhau, mà lại là sự khác biệt khá lớn (5 tuổi). Pháp luật Việt Nam cần tiến tới bình đẳng tuổi hưu giữa lao động nam và nữ, vì phụ nữ có khả năng làm việc tương đương nam giới. Nếu lao động nữ nghỉ hưu sớm quá sẽ ảnh hưởng đến thu nhập, giảm cơ hội việc làm và thăng tiến của họ.

Cơ sở để TS. Nguyễn Xuân Thu nêu ra quan điểm này là kết quả điều tra về mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2006 của Tổng cục Thống kê cho thấy, phụ nữ trong độ tuổi 50-59 không hề yếu hơn nam giới cùng tuổi, thậm chí trung bình mỗi năm phụ nữ ít báo ốm và ít phải nằm viện hơn nam giới cùng tuổi.

“Quy định này đã trở nên lạc hậu so với xu hướng phát triển chung. Việc tăng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ tiệm cận bằng tuổi nghỉ hưu của nam sẽ thực hiện tốt hơn nguyên tắc bình đẳng giới trong lĩnh vực an sinh xã hội nói chung và chế độ bảo hiểm hưu trí nói riêng”, TS. Nguyễn Xuân Thu nhấn mạnh.

Đọc thêm