Sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ: Đẩy mạnh phân cấp trong quản lý tổ chức bộ máy

(PLVN) - Trong quá trình soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ, Bộ Nội vụ đã gửi dự thảo Luật này để lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương. Đến nay, Bộ Nội vụ đã tiếp nhận rất nhiều ý kiến, trên cơ sở đó cũng đã tiếp thu và giải trình cụ thể.
Hội nghị lấy ý kiến về các nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Tổ chức Chính phủ tại Nghệ An hồi tháng 1/2019.
Hội nghị lấy ý kiến về các nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Tổ chức Chính phủ tại Nghệ An hồi tháng 1/2019.

Quy định số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa

Quy định về tiêu chí thành lập, số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của một tổ chức thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, ngành, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cân nhắc khoản 4 Điều 1, quy định về biên chế tối thiểu đối với Vụ, Cục và một số đơn vị liên quan khác vì có thể dẫn đến trường hợp Cục, Vụ, đơn vị đó phải duy trì số biên chế tối thiểu theo yêu cầu khi thành lập, khi đó hoạt động có thể ảnh hưởng đến việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Còn tỉnh Nam Định đề nghị nên bỏ quy định liên quan đến tiêu chí thành lập, số lượng biên chế tối thiểu, số lượng cấp phó tối đa của một số tổ chức thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, ngành, chính quyền địa phương thuộc thẩm quyền của Chính phủ, vì những tiêu chí này đã được quy định tại khoản 3 Điều 23 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015.

Trước những ý kiến này, Bộ Nội vụ cho hay, việc quy định tiêu chí thành lập, số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của một số tổ chức thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, ngành, chính quyền địa phương là nội dung quan trọng để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Kế hoạch số 07-KH/TW. Vì vậy, để thực hiện thống nhất trong cả hệ thống hành chính từ Trung ương đến địa phương, việc xác định rõ thẩm quyền của Chính phủ đối với các vấn đề nêu trên trong dự thảo Luật là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý cao nhất trong việc hướng dẫn, tổ chức triển khai, thực hiện.

Bổ sung nhiệm vụ của Thủ tướng 

Theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, dự thảo Luật giao Thủ tướng Chính phủ quyết định tổng biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương; phân cấp những nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ về quản lý công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập mà không sửa đổi quy định tại khoản 4 Điều 23 của Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 là chưa phù hợp với Hiến pháp, chưa đảm bảo tính thống nhất trong văn bản.

Giải thích vấn đề trên, Bộ Nội cho rằng, việc đề xuất thẩm quyền này từ Chính phủ sang Thủ tướng Chính phủ là phù hợp với tình hình thực tế quản lý biên chế công chức trong cả hệ thống tổ chức bộ máy hành chính nhà nước hiện nay, bảo đảm tính chủ động, kịp thời trong chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời phù hợp với chủ trương của Đảng về đẩy mạnh phân cấp trong lĩnh vực quản lý tổ chức bộ máy, biên chế. Mặt khác, quy định này cũng cụ thể hóa thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ “thống nhất quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương tới địa phương (quy định tại điểm b khoản 2 Điều 28), tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện.

Do vậy, không chồng chéo với thẩm quyền của Chính phủ trong việc thực hiện quản lý về cán bộ, công chức, viên chức và công vụ trong các cơ quan nhà nước.

Đối với quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định thực hiện thí điểm những mô hình mới về tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, Sở Nội vụ Hà Nội, HĐND tỉnh Hà Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… đều đề nghị bỏ bổ sung khoản 10a và Điều 28, vì những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ mà chưa có quy định của pháp luật hoặc quy định không phù hợp thì cần có chủ trương hoặc ý kiến của Chính phủ trước khi Thủ tướng Chính phủ quyết định. 

Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cho hay, việc quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm những mô hình mới về tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện trong phạm vi quyền hạn của Chính phủ khi chưa có quy định của pháp luật hoặc quy định không còn phù hợp nhưng chậm được sửa đổi sẽ tạo điều kiện trao quyền chủ động cho Chính phủ.

Khi đó Thủ tướng Chính phủ có thể triển khai các mô hình tổ chức mới, tiên tiến, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, đổi mới tổ chức bộ máy, đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế. Đối với những nội dung nào cần phải có ý kiến hoặc chủ trương của Chính phủ trước khi Thủ tướng Chính phủ quyết định sẽ được thực hiện theo Quy chế làm việc của Chính phủ.

Đọc thêm