Sửa Luật Hình sự để hạn chế án mạng rùng rợn

(PLO) - Dẫn chứng những vụ án rùng rợn diễn ra trong thời gian gần đây nguyên nhân do ma túy, ĐBQH đề nghị Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) cần phải quy định nghiêm khắc về tội danh liên quan đến ma túy. Có như vậy, mới đẩy lùi được tình trạng đáng sợ này.
ĐB Nguyễn Thị Thủy góp ý vào dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi
ĐB Nguyễn Thị Thủy góp ý vào dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi

“Cắt lìa bàn chân chị ruột khi đang trông bệnh nhân trong bệnh viện; Con trai giết bố mẹ; Thảm án tại Quảng Ninh giết bốn bà cháu... Tất cả những đối tượng gây ra các vụ án rùng rợn này đều sử dụng ma túy, gây án trong thời điểm phê ma túy.” – Một nữ đại biểu đã phát biểu trong Hội trường Quốc hội. Theo ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), đây là một thực trạng đáng báo động. 

Minh chứng thêm cho nỗi sợ hãi về vấn nạn tội phạm ma túy, bà cho biết:  Theo thống kê của Bộ Công an, trong thời gian vừa qua, số tội phạm về ma túy tăng nhanh, xu hướng trẻ hóa. “Thêm một người nghiên là thêm một gia đình bất hạnh, thêm một mối lo xã hội.”

Từ những nhận định, phân tích của mình, ĐB cho rằng  phải tăng cường các quy định về tội phạm liên quan đến ma túy. Và một trong những biện pháp tăng cường đó, theo  bà, là không nên quy định việc phải giám định hàm lượng tinh chất ma túy khi xem xét tội danh.

"Hiện nay, dự thảo Luật trình Quốc hội thảo luận áp dụng 2 cách tính: sau khi thu giữ được một vật nghi là bánh ma tuý, chỉ giám định xác định bánh đó có phải là bánh ma tuý hay không và nếu đúng thì lấy toàn bộ nhân ra cân, ra lạng để xử lý; và không chỉ giám định bánh đó có phải là bánh ma tuý hay không mà còn phải giám định xác định có bao nhiêu hàm lượng ma tuý tinh chất chứa trong bánh ma tuý này và rút hàm lượng ma tuý tinh chất này nhân ra cân ra lạng để xử lý." đại biểu phân tích.

Bà Thủy cho rằng với cách quy định đối với khoản 4 các Điều từ 248 đến 252 bắt buộc phải giám định để xác định hàm lượng ma tuý tinh chất là không phù hợp và chứa đựng rất nhiều mâu thuẫn.

“Nhất là với những vụ không thu được ma túy. Nếu quy định như dự thảo, thì những vụ án không thu được, thì sẽ tính theo khối lượng mà đối tượng  khai nhận, còn thu được thì là rút tinh chất” – đó là một sự bất cập, ĐB  phân tích.

“Hơn nữa, vấn đề đánh án ma túy là phải đánh vào ý thức. Khi phạm tội, các đối tượng không quan tâm đến hàm lượng. Ví dụ khi vận chuyển thuê, họ chỉ cần biết có bao nhiêu bánh, bao nhiêu ‘tép” và nhận tiền thù lao từ số lượng đó,  chứ không tính đến chuyện ma túy tinh chất là bao nhiêu' -bà nêu thực tế.

Đồng quan điểm này, ĐB Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) cũng cho rằng nhiều vụ án ma túy  không thu được tang vật, hoặc thu được không nhiểu, nếu phải căn cứ vào hàm lượng tinh chất ma túy thì có xét xử được không?

Đặc biệt,  cơ sở vật chất không đáp ứng được trong mọi trường hợp, trong khi yêu cầu đấu tranh phá án  là phải khẩn trương.

“Nếu yêu cầu giám định, không đủ thời gian để thực hiện đúng quy trình tố tụng” – ĐB lo ngại.

Đọc thêm