Syria: Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

(PLO) - Chỉ 2 tuần sau chiến dịch không kích của Nga nhằm vào Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng tại Syria theo đề nghị từ chính quyền của Tổng thống Basha al Assad, lực lượng đối lập tại quốc gia Trung Đông này đã công khai nhận vũ khí từ Mỹ - một động thái được cho là tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Nga đã có những cuộc không kích đầu tiên tại Syria
Nga đã có những cuộc không kích đầu tiên tại Syria
Ngày 12/10/2015, quân đội Mỹ thông báo liên quân do Mỹ dẫn đầu đã thả vũ khí cho lực lượng nổi dậy đang chiến đấu chống lại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại miền Bắc Syria. 
Cấp vũ khí cho đối lập - dao hai lưỡi
Người phát ngôn liên quân chống IS tại Iraq và Syria, Đại tá quân đội Mỹ Steve Warren cho biết, liên quân đã cung cấp đạn dược bằng cách thả dù cho một nhóm nổi dậy có tên là Liên minh Arab Syria (SAC). 
Theo ông Steve Warren, SAC đang chiến đấu chống IS nhiều tháng qua tại Raqqa và Mỹ cùng liên quân có thể tiến hành không kích các mục tiêu của IS theo chỉ điểm của các tay súng SAC trên mặt đất. Người phát ngôn này cho biết thêm, SAC đang đối mặt với nguy cơ bị tấn công trong các cuộc không kích mà Nga đang tiến hành chống IS trên lãnh thổ Syria. 
Đại tá Patrick Ryder, Người phát ngôn Bộ Chỉ huy Trung tâm của quân đội Mỹ cũng thông báo, ngày 11/10 liên quân đã thả dù tiếp ứng cho lực lượng mặt đất địa phương đang chiến đấu chống lại IS. Một quan chức quân sự Mỹ giấu tên tiết lộ, đợt thả dù này bao gồm 50 tấn đạn dược và lựu đạn cầm tay. 
Quyết định cung cấp vũ khí của Mỹ cho SAC diễn ra trong bối cảnh phiến quân IS vừa đánh bật SAC khỏi các mục tiêu quan trọng bên ngoài thành phố Aleppo, áp sát khu công nghiệp do quân đội Chính phủ Syria đang bảo vệ. Quyết định này được tiến hành sau khi Lầu Năm Góc thông báo có thể dừng chương trình đào tạo lực lượng phiến quân mà Mỹ cho là ôn hòa ở Syria. 
Thay vào đó, Mỹ sẽ tập trung nỗ lực trang bị cho thủ lĩnh các nhóm nổi dậy được lựa chọn kỹ càng trong số các nhóm đang tích cực chiến đấu chống IS. Chương trình đào tạo trị giá 500 triệu USD nhằm huấn luyện và trang bị cho lực lượng đối lập một đội quân vài nghìn người để chống lại IS. 
Các cố vấn quân sự Mỹ đã chật vật tuyển mộ những chiến binh Syria - những người chỉ chiến đấu chống lại IS chứ không phải Chính phủ của Tổng thống Syria Basha Al-Assad. Sau đó, những chiến binh này được đưa tới các trại huấn luyện ở Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan. Tại các quốc gia này, những chiến binh Syria tiếp tục được sàng lọc nhằm loại bỏ gián điệp có thể được cài cắm của IS và các tổ chức khủng bố khác. 
Quá trình này diễn ra rất lâu, nhiều chiến binh phải chờ đợi một thời gian dài trước khi bước vào khóa huấn luyện. Sau hơn 6 tháng, Mỹ mới chỉ huấn luyện được chưa đầy 200 chiến binh. Thế nhưng sau quá trình tuyển mộ, huấn luyện đầy khó khăn, những đơn vị nổi dậy đầu tiên do Mỹ huấn luyện đã hứng chịu thất bại liên tiếp khi đối đầu với các tổ chức phiến quân đối địch. Thậm chí, có nhóm quân nổi dậy còn cung cấp đạn dược và thiết bị quân sự do Mỹ cung cấp cho mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda. 
Dường như thất bại trong chương trình quân sự hóa lực lượng đối lập tại Syria của Mỹ là nguyên nhân chính khiến chiến dịch chống IS của Washington rơi vào bế tắc. Trong hơn một năm qua, liên quân do Mỹ dẫn đầu đã tiến hành hơn 7.000 cuộc không kích bằng máy bay chiến đấu và máy bay không người lái nhằm vào các mục tiêu của IS ở Iraq và Syria. Tuy nhiên, chiến dịch không kích này đã không ngăn chặn được sự mở rộng của IS ở cả Iraq lẫn Syria. 
Trong bối cảnh Nga vừa “đi trước” một bước - hỗ trợ quân sự trực tiếp quân đội Chính phủ Syria mở các cuộc phản công chiếm lại lãnh thổ bị mất vào tay phiến quân - Lầu Năm Góc đã buộc phải chọn phương án khác. Theo đó, Mỹ sẽ chỉ cung cấp vũ khí cho SAC. Quân đội Mỹ cũng sẽ mở các cuộc không kích vào mục tiêu do SAC xác định.
Đối lập ôn hòa - “ảo tưởng”?
Trong khi đó, theo “Sputnikn”, nhà chính trị học Nga Vladimir Lepekhin mới đây nhận định phương Tây đang mở rộng chiến dịch tuyên truyền cáo buộc Nga không kích nhằm vào quân nổi dậy chống Tổng thống Syria Bashar Assad chứ không phải các cứ điểm của bọn khủng bố IS, đồng thời chủ trương để thắng lợi trong cuộc chiến chống IS phục vụ lợi ích của phe “đối lập ôn hòa”.
Theo ông, phương Tây mô tả cái gọi là “Quân đội Syria Tự do” (FSA) - nhóm vũ trang - như một lực lượng đối lập ôn hòa đấu tranh chống Chính phủ Syria. Ông Lepekhin cho rằng, phe đối lập ôn hòa chỉ là “ảo tưởng” và nêu rõ: “Trước hết, đã từ lâu FSA không phải là một lực lượng thế tục. Ban đầu, trong đội ngũ FSA đã có đại diện các phong trào thế tục, ví dụ như sĩ quan đào ngũ từ quân đội Chính phủ Syria, thanh niên bất mãn và thậm chí cả đại diện của tầng lớp cách tân ở Syria. 
Trong 4 năm qua, FSA đã mất đi yếu tố thế tục. Hầu như tất cả các thành viên ôn hòa đã rời đất nước và trở thành người tị nạn. Tôi tin chắc rằng, hiện nay đại đa số phần tử vũ trang mà phương Tây coi là chiến binh của FSA đều chia sẻ quan điểm của IS”. 
Theo ông, các nhà tài trợ cung cấp cho FSA vũ khí Mỹ và đào tạo chiến binh tại những trung tâm huấn luyện của Mỹ. Cơ chế này hướng tới việc tạo ra một liên minh bao gồm các lực lượng chống Assad, kể cả những người Hồi giáo cực đoan. Để kiểm soát hành động của các nhóm đối lập khác nhau (ngoại trừ nhóm IS bị cấm), các nhà tài trợ nước ngoài trong năm 2013 đã thành lập “Mặt trận Hồi giáo” trên cơ sở Mặt trận Hồi giáo Syria, Quân đội Syria tự do, Quân đội Hồi giáo… 
Tuy nhiên, họ vẫn không thể thiết lập sự kiểm soát với tổ chức này. Và tới cuối năm 2013, IS đã chiếm giữ trụ sở Hội đồng Quân sự Tối cao của FSA trên biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ - điều này cho thấy trên thực tế, việc thành lập IS đã chấm dứt sự tồn tại của FSA vốn là một cơ chế yếu đuối.
Một câu hỏi đặt ra là: “Các chính trị gia Mỹ và phương Tây hy vọng gì khi tạo ra huyền thoại về sự hiện diện của lực lượng đối lập ôn hòa FSA, và hơn nữa có ý định cung cấp vũ khí cho họ?”. Theo nhà chính trị học Lepekhin, thứ nhất, FSA chỉ là một huyền thoại nhằm che giấu các cuộc tiếp xúc giữa cơ quan tình báo phương Tây và các nhóm Hồi giáo cực đoan. 
Washington và các đồng minh của họ cần đến huyền thoại “đối lập ôn hòa” để người dân phương Tây tin vào cuộc đấu tranh của liên quân chống IS. Thứ hai là để loại bỏ ông Assad bằng bàn tay của những người Hồi giáo cực đoan mà họ mô tả như đối lập ôn hòa. Đó là lý do tại sao tình báo Mỹ không có ý định cung cấp cho Nga dữ liệu tình báo mới về các cứ điểm của IS và các nhóm khác, bao gồm cả FSA. 
Trên thực tế, hiện nay ở Syria không có phe đối lập ôn hòa, chỉ còn mấy trăm người thường xuyên tham gia những hội nghị quốc tế khác nhau ở Geneva, Moskva và Ankara, tự giới thiệu như lãnh đạo của Syria “dân chủ” và hoạt động vì lợi ích của các nhà tài trợ.
Lực lượng đối lập tại Syria đã công khai nhận vũ khí từ Mỹ
Lực lượng đối lập tại Syria đã công khai nhận vũ khí từ Mỹ
Nguy cơ tiềm ẩn
Đánh giá về thay đổi mới của Mỹ trên chiến trường Syria, các nhà phân tích cho rằng, Washington rất khó thành công trong việc tập hợp các nhóm nổi dậy có chung mục đích làm suy yếu IS. Quan trọng hơn, khi Washington viện trợ vũ khí cho lực lượng nổi dậy đối lập, thế giới sẽ quay lại thời Chiến tranh Lạnh với tiền lệ là việc Mỹ cấp vũ khí cho chiến binh thánh chiến Afghanistan để chống lại quân đội Xô Viết vào cuối thế kỷ trước đã từng đẩy cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây đi xa hơn. 
Không những vậy, lịch sử lặp lại tại Syria còn tiềm ẩn một nguy cơ, đó là bất cứ vũ khí nào do Mỹ cung cấp cho lực lượng đối lập tại Syria sau này đều có thể được dùng để chống lại lợi ích của Mỹ, có thể sẽ đẩy Mỹ vào tình thế mạo hiểm khi số vũ khí viện trợ cho quân nổi dậy lọt vào tay IS hoặc các lực lượng nổi dậy khác.
Trong bối cảnh lực lượng Chính phủ Syria đang giành lại quyền kiểm soát và chủ động trên chiến trường nhờ những cuộc không kích hiệu quả của không lực Nga, các nhà phân tích cho rằng, Mỹ nên chọn giải pháp đối thoại với Nga hơn là mạo hiểm cung cấp vũ khí cho phe đối lập tại Syria vì như vậy chỉ khiến Syria lao vào một vòng xoáy nguy hiểm mới. 
Giải pháp khả thi nhất trong thời gian tới là tìm kiếm bước đột phá ngoại giao, mở đường cho một chiến dịch thống nhất chống IS ở Syria. Để làm được điều đó, Mỹ hẳn không thể từ chối Nga như một đối tác để giải quyết khủng hoảng.
Mỹ, Nga có thể ký thỏa thuận an toàn bay ở Syria
Một quan chức quân sự giấu tên của Mỹ ngày 14/10 cho biết nước này và Nga có thể sẽ sớm ký thỏa thuận thiết lập qui định an toàn bay trên không phận Syria trong bối cảnh hai siêu cường này đang triển khai các chiến dịch không kích riêng rẽ nhằm vào nhóm IS. “Chúng tôi đang tiến rất gần tới việc hoàn tất một thỏa thuận ghi nhớ nhằm xây dựng các qui định tăng cường an toàn bay. Thỏa thuận này có thể được ký kết và đưa vào thực thi trong những ngày tới”. 
Phát biểu trên được đưa ra ngay sau khi Mỹ và Nga tổ chức cuộc thảo luận thứ ba qua cầu truyền hình nhằm thống nhất về những qui định để phi công không sơ ý bay vào đường bay của nhau. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Đại tá Jeff Davis cho biết đàm phán đã đạt được tiến triển và hai bên đang tập trung thảo luận vấn đề thực thi các qui định an toàn bay cụ thể.
Trong khi đó ngày 14/10, Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia và Chính sách đối ngoại của Quốc hội Iran, ông Alaedin Boroujerdi khẳng định sự phối hợp bốn bên giữa Iran - Iraq - Nga - Syria là một bước quan trọng trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố. Ông Boroujerdi đưa ra nhận định trên tại cuộc gặp Ngoại trưởng Syria Walid al-Moallem nhân chuyến thăm Damascus. Hai bên đều cho rằng liên minh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu đã không đạt kết quả đáng kể sau một năm không kích, chính vì vậy liên minh mới và đội ngũ mới đã bắt đầu làm việc nghiêm túc.

Đọc thêm