Tạ Bích Loan sẽ “Alô, đây là A69”

(PLO) - Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của Bộ đội Thông tin liên lạc anh hùng và 44 năm “sự kiện Lèn Hà”, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ thực hiện chương trình truyền hình trực tiếp từ Quảng Bình mang tên “Alô, đây là A69”. 
Nhà báo Tạ Bích Loan
Nhà báo Tạ Bích Loan

Chương trình được truyền hình trực tiếp vào 20h10 ngày 3/7 trên kênh VTV1 do Ban Thanh thiếu niên thực hiện, nhà báo Tạ Bích Loan chịu trách nhiệm sản xuất và dẫn chương trình .

Nằm ở Bắc Trung bộ, nơi có nhiều con đường giao thông chiến lược đi qua, nên trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cùng với đặc khu Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Bình gánh vác một sứ mệnh lịch sử quan trọng.

Nơi đây ở vào vị thế là tuyến đầu của miền Bắc Xã hội chủ nghĩa và hậu phương trực tiếp của Cách mạng miền Nam, là “tuyến nóng”, hướng trọng điểm, xung yếu nhất. Quảng Bình cũng là điểm khởi đầu tuyến chi viện chiến lược 559 – Đường Hồ Chí Minh, là căn cứ tập kết của các lực lượng binh chủng thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn và lực lượng hùng hậu từ hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường.

Cũng chính vì lẽ đó, nơi đây trở thành tâm điểm và thí điểm của mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù. Mảnh đất này oằn mình gánh chịu sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh, “một hạt thóc củ khoai cũng cõng bao bom đạn”. Nhưng chính Quảng Bình cũng là nơi khắc sâu biết bao chiến công anh dũng của quân và dân ta. 

Hình ảnh tái hiện cuộc sống chiến đấu của Trạm A69
Hình ảnh tái hiện cuộc sống chiến đấu của Trạm A69 

Sau thất bại của “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam, đế quốc Mỹ đồng thời tiến hành “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc với mục đích đưa Việt Nam trở lại “thời kỳ đồ đá”.

Về phía Việt Nam, để đảm bảo thông tin liên lạc giữa hậu phương và tiền tuyến cũng như đảm bảo thành công cho các chiến dịch, nên kể từ đó, bên cạnh con đường Trường Sơn huyền thoại, đã bắt đầu hình thành một con đường Trường Sơn khác: “Đường Trường Sơn âm thanh”.

Năm 1966, Trung đoàn 134 được thành lập có nhiệm vụ đảm bảo thông tin phục vụ cuộc chỉ huy chống chiến tranh leo thang đánh phá của giặc Mỹ ở miền Bắc, đồng thời giữ vững thông tin liên lạc với chiến trường miền Nam.

Trung đoàn đóng quân phân tán trải khắp các tỉnh miền Bắc từ Móng Cái Quảng Bình, Vĩnh Linh với hàng chục trạm cơ vụ. Những người lính thông tin hữu tuyến thời đó kiên cường bám trụ ngày đêm chiến đấu trên đôi dây với đủ thứ kẻ thù, bom đạn, biệt kích, thám báo, gió bão, lũ lụt, và cả những thiếu thốn đủ đường.

Hình ảnh tái hiện cuộc sống chiến đấu của Trạm A69
Hình ảnh tái hiện cuộc sống chiến đấu của Trạm A69 

Trạm cơ vụ A69 đóng tại hang Lèn Hà nằm trong một khu rừng già ở huyện Tuyên Hóa, một xã biên giới giáp với nước bạn Lào, là một trạm thông tin quan trọng trên tuyến dây trần trục giao thông Bắc – Nam.

Trạm A69 là trạm thông tin có vị trí cực kỳ quan trọng, có nhiệm vụ bảo đảm thông tin từ Hà Nội đến Đường 9 – Nam Lào, là nơi dự trữ vũ khí trang bị, lương thực thực phẩm, quân trang quân dụng phục vụ cho chiến trường miền Nam..., và thường xuyên là trọng điểm bị địch tập trung đánh phá ác liệt.

Bằng sự nỗ lực phi thường, 33 cán bộ, chiến sĩ của trạm cơ vụ A69 đã cải tạo hang đá Lèn Hà thành nơi đặt máy móc điện đàm, xây dựng khu nhà nghỉ ngơi của cán bộ, chiến sĩ và cả hội trường của trạm. 

Bất chấp mưa bom bão đạn của kẻ địch cũng như khí hậu khắc nghiệt của núi rừng Trường Sơn, những cán bộ chiến sĩ của Trạm cơ vụ A69 kiên cường dũng cảm, kiên trì bám máy, bám đường dây, bảo đảm thông tin liên lạc được thông suốt từ hậu phương ra tiền tuyến, nhất là từ Sở chỉ huy chiến dịch đến các đơn vị tác chiến góp phần quan trọng vào nhiều chiến dịch thắng lợi của cả quân và dân ta.

Mỗi khi thông báo “Alo, đây là A69” được cất lên có nghĩa là hậu phương và tiền tuyến đã được kết nối để cùng hòa mình vào cuộc kháng chiến vĩ đại của toàn dân tộc.

Hình ảnh tái hiện cuộc sống chiến đấu của Trạm A69
Hình ảnh tái hiện cuộc sống chiến đấu của Trạm A69

13h ngày 2/7/1972, trong khi các cán bộ chiến sĩ của Trạm A69 đang làm nhiệm vụ, 2 máy bay B57 của Mỹ ập tới ném bom khu vực hang Lèn Hà. Chỉ trong vòng 5 phút, trạm máy trên hang đá bị hư hỏng nặng nề, 1500m đường dây bị đứt nát không làm việc được và 13 chiến sĩ anh dũng hy sinh trong đó có 10 nữ chiến sĩ. Và 9 trong số đó tuổi đời còn chưa tới 20. Hai đồng chí mới 16 tuổi. 

Gạt nước mắt, nén đau thương, những người còn lại quyết tâm khôi phục liên lạc. Chỉ trong vòng 1h đồng hồ, đường dây đã được khắc phục, thông tin đã được thông suốt.

44 năm trôi qua, những chiến công, thành tích và sự hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Trạm cơ vụ A69 mãi in đậm trong trái tim mỗi người Việt Nam. Hang Lèn Hà đã thấm đẫm máu, mồ hôi và nước mắt của cán bộ, chiến sĩ Trạm cơ vụ A69, thuộc đại đội 9, Trung đoàn 134.

Trạm cơ vụ A69 nằm ở Lèn Hà, thôn Thanh Lạng, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình (tên trên bản đồ là Lù Lù, tên gọi khác là Bản Hà; Bắc Hà hoặc Động Cây Cam). Lèn Hà cao khoảng 150m, có đỉnh cao nhất là 320m. Trạm được đặt trong Hèm đá hay còn gọi là Hang đá, trên lưng chừng núi (ở độ cao 601m so với mặt nước biển), dưới chân núi là khu nhà nghỉ của cán bộ, chiến sĩ và hội trường. Trước mặt khu nhà của Trạm, ở bên kia bờ suối, cách khoảng 200m là bản của đồng bào dân tộc.  

Hang Lèn Hà vừa có địa hình, vừa có địa thế thuận tiện cho hoạt động của trạm, vừa có thể cất giấu dự trữ thiết bị máy móc và đường dây của Trung đoàn 134, Binh chủng thông tin liên lạc. Nơi đây còn là kho dự trữ chiến lược của Binh chủng, thường xuyên dự trữ 700km đường dây bọc dã chiến, sẵn sàng thay thế đường dây trần trục tuyến Bắc – Nam khi bị hủy diệt.

Đọc thêm