Tại sao “chắp tay đầu hàng”?

(PLO) - Chúng ta đang sống với nhiều giá trị ảo. Điều đó thật nguy hiểm. Chúng ta hãy nhìn vào vụ việc cá chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân ở Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Ảnh từ internet.
Ảnh từ internet.

Ngày 24/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã thị sát hai xã Kỳ Hà, Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh) - nơi xảy ra tình trạng cá, tôm chết hàng loạt thời gian qua. Là khu vực đông dân, trong đó có nhiều người nước ngoài sinh sống và làm việc, việc cá biển chết nhiều gây tâm lý bất an. Tất nhiên, không chỉ nhân dân vùng Hà Tĩnh, Quảng Bình bất an.

Trước việc cá chết đã 3 tuần nhưng chưa tìm ra nguyên nhân, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng cần hợp tác quốc tế vì “nhiều tổ chức quốc tế có đầy đủ thiết bị, có thể học hỏi kinh nghiệm từ họ”.

Điều vô lý, “muôn năm cũ” ở Việt Nam lại được lật lại. Việt Nam có khoảng 9.000 giáo sư và 24.300 tiến sĩ, nhiều nhất Đông Nam Á, nhưng tại sao khi cần giải đáp một vấn đề của thực tiễn đặt ra thì đội ngũ này “chắp tay đầu hàng”?.

Giáo dục là một bộ phận của xã hội. Trong xã hội chúng ta giá trị thật đang mất đi nhanh, thay vào đó là giá trị ảo lại được cư xử như giá trị thật. Điều này thực sự đáng lo. Nếu xã hội chỉ nằm trên giá trị ảo thì đất nước trống rỗng, không khác mấy thị trường chứng khoán.

Trở lại với câu chuyện “cá chết hàng loạt”, mọi nghi vấn đang đổ dồn cho đường ống xả công nghiệp của Formosa. Tất nhiên, “chính danh” thì một quan chức đã khẳng định, quy trình xả thải của Formosa đã được Bộ TN&MT cấp phép theo đúng quy định pháp luật Việt Nam. Thậm chí ông nói như “bênh” rằng “hệ thống của Công ty Formosa công khai chứ không phải giấu giếm, đường ống nằm dưới mực nước biển 17m, đường kính hơn 1m. Tôi khẳng định Formosa được phép xả thải”.

Có gì là không cần phải “xả”?.

Quy trình, quy phạm là công cụ của quản lý, quản trị nhưng sao ở Việt Nam hiện nay người ra rất “dị ứng” nếu ai đó khẳng định “đúng quy trình”? Bổ nhiệm Dương Chí Dũng, biết bao nhiêu trường hợp bổ nhiệm họ hàng, con, cháu… làm lãnh đạo đều “đúng quy trình”. Ai dám bảo “vụ án bát phở” ở huyện Bình Chánh, TP HCM là không đúng “quy trình”. Đáng tiếc là quy trình của chúng ta thiếu “hàm lượng” khoa học và nhất là thiếu công khai, minh bạch, nhiều khi vi phạm ngay cả pháp luật.

Gần đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Giáo dục vì sự phát triển của con người, đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ người thầy và từ cán bộ quản lý giáo dục các cấp”. Đúng vậy, người thầy, nhà quản lý tạo ra các sản phẩm giáo dục nên phải bắt đầu từ họ. Để xã hội có kỷ cương, giải đáp được những vấn đề của cuộc sống phải bắt đầu từ các nhà quản lý.

Nếu họ “hổng” về trí tuệ, lương tâm thì vô cùng gay!

Đọc thêm