Tại sao Tân Thủ tướng quyết liệt phòng chống tham nhũng?

(PLO) - Quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí là 1 trong 6 trọng tâm ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành mà tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu với báo giới ngay sau khi ông vừa tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội và quốc dân, đồng bào.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Tham nhũng đã từ lâu trở thành “quốc nạn”, “giặc nội xâm” với tất cả mức độ nguy hiểm đến phát triển kinh tế, đời sống người dân, hiệu quả quản lý,... nó tồn tại và phát triển ở các quy mô lớn, vừa và nhỏ, từ vĩ mô như tham nhũng chính sách đến bé tí tẹo như sách nhiễu người dân làm thủ tục hành chính.

Tham nhũng ở nước ta phát triển như rễ loài cây dại ăn sâu vào từng ngóc ngách, hút hết chất màu mỡ đất đai, không để các cây cối khác có ích mọc lên được, nó không hề “ổn định” như có báo cáo chính thức về tình trạng này.

Nhiều người ví tham nhũng như một căn bệnh di căn trên cơ thể, rất khó chữa trị nếu không có một cuộc phẫu thuật triệt để và “thay máu” toàn diện. Có thể nhận định rằng, chỉ sau chủ quyền quốc gia, cái mà lòng dân mong muốn nhất hiện tại là diệt trừ được tệ nạn tham nhũng hoành hành.

Tham nhũng gây nhiều hệ lụy, trong đó làm giảm đáng kể hiệu lực quản lý của các cơ quan công quyền nhưng gây tổn hại cho nền kinh tế quốc gia thì sự lãng phí có sức tàn phá mạnh mẽ hơn.

Hiện tại, liên tục có những công trình nghìn tỷ thành đống sắt gỉ ngổn ngang bị phanh phui trên báo chí, những “khu đất vàng” bị bỏ hoang, những dây chuyền công nghệ lạc bỏ hàng triệu đô la nhập về sắp trở thành phế liệu.

Cũng như tham nhũng, lãng phí tràn lan ở tất cả các lĩnh vực, quy mô, từ mua sắm văn phòng phẩm thường xuyên đến xây dựng trung tâm hành chính khổng lồ.

Một minh chứng vừa mới xảy ra ở một cơ quan quản lý tiền của Nhà nước mà chỉ sai “vặt vãnh” hàng chục tỷ, ví dụ, chi trang phục của một năm vượt mức quy định hơn 1 tỷ đồng, mua tiền thoại và trả tiền cước không đúng đối tượng hơn 1 tỷ đồng, mua cặp công vụ hơn 3 tỷ đồng, chi lễ tân, đối ngoại vượt tỷ lệ quy định hơn 10 tỷ đồng,...

Tham nhũng thì dẫu sao cũng phải kín đáo, nhìn trước ngó sau vì sợ phải đứng trước vành móng ngựa có phen nhưng lãng phí thì có quá nhiều “dư địa” để tự tung, tự tác mà khi bị phát hiện thì “xử lý hành chính”, “rút kinh nghiệm sâu sắc” là cùng. Vì thế, ai cũng cho mình quyền được lãng phí, từ xài điện “chùa” của cơ quan đến dùng tiền ngân sách du hý nước ngoài.

Thủ tướng đã dùng từ “quyết liệt”. Hy vọng sự quyết liệt rất được dân ủng hộ này sẽ thành hiện thực, mang lại niềm tin và công bằng xã hội cho đất nước chúng ta!

Đọc thêm