Tại sao văn hóa luật pháp trong xã hội kém?

(PLO) - Chiều 20/2, một vụ tai nạn tàu hỏa xảy ra ở thôn Phước Hưng, xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) khiến 3 người tử vong, 4 người bị thương. Cú va chạm mạnh khiến 6 toa tàu SE2 bị trật bánh khỏi đường ray (có 3 toa lật nghiêng). Hệ thống đường sắt Bắc - Nam bị tê liệt hoàn toàn. Công tác cứu hộ tàu SE2 bị lật bánh và sửa chữa đường sắt phải rất vất vả, tốn kém sau hai ngày mới hoàn thành. 
Ảnh từ internet.
Ảnh từ internet.

Đây là những vụ tai nạn giao thông đường sắt kinh hoàng vừa mới xảy ra. Nguyên nhân vụ tai nạn giao thông đường sắt ở Thừa Thiên - Huế và các vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng xảy ra gần đây và do người dân coi thường chính tính mạng của mình, kiến thức phổ thông về an toàn giao thông là vô cùng kém.

1h ngày 26/2, người dân nghe tiếng kêu cứu phát ra từ căn nhà của ông Hồ Hồng Diệp (39 tuổi, quê Vĩnh Long) ngụ tại đường 30-4, khu phố 2, phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương... Khi chạy tới, họ phát hiện lửa lớn đang bao trùm căn nhà ông này. Người dân liền gọi cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cố gắng dập lửa nhưng bất thành. Lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương có mặt, nhanh chóng phá cửa xông vào. Sau khi dập lửa đám cháy lớn, cơ quan chức năng Bình Dương phát hiện vợ chồng và 2 người con trong một gia đình đã tử vong.

Đây là vụ cháy mới nhất gây thiệt hại đau lòng về nhân mạng xảy ra gần đây. Theo Bản tin trưa 12h ngày 26/2 trên VTV, đại diện của lực lượng cảnh sát PCCC và Cứu hộ nhận định nhiều nguyên nhân và không né tránh để chỉ ra rằng: kiến thức phổ thông về an toàn phòng cháy của người dân là vô cùng hạn chế.

Pháp luật chính là phương tiện hàng đầu để Nhà nước quản lý xã hội và cũng là phương tiện cho mỗi người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Chính vì thế, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, chương trình, kế hoạch cụ thể, thiết thực để triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân như: Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư (khoá IX); Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2008 - 2012; Đề án 212...

Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 tạo điều kiện để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần thiết thực vào việc ngăn chặn và hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.

Tại sao văn hóa luật pháp trong xã hội lại kém? Đây là câu hỏi vô cùng lớn.

Trong các lĩnh vực cần tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền cho quần chúng nhân dân hiểu rõ vai trò của pháp luật trong cuộc sống để họ hiểu và tôn trọng pháp luật và chấp hành đúng pháp luật, ít nhất là trong việc chấp hành các quy định về an toàn giao thông, cháy nổ, môi trường, an toàn thực phẩm… vốn đang nhức nhối hiện nay.

Đọc thêm