Tầm quan trọng không thể thay thế của quan hệ Trung - Việt

(PLO) -Tại cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang ngày 13/11, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định việc ông chọn Việt Nam là nước đầu tiên đi thăm sau Đại hội XIX đã thể hiện tầm quan trọng không thể thay thế của quan hệ Trung - Việt.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình
Ảnh: VTC.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình Ảnh: VTC.

Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, sáng 13/11, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếp sau đó, tại Khu Di tích Nhà sàn Bác Hồ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đi dạo dọc đường xoài, trao đổi về tình cảm thân tình, gần gũi giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông, cũng như những tình cảm gắn bó giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Trung Quốc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã mời Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự tiệc trà thân mật.

Cùng ngày, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Tại cuộc hội đàm, Chủ tịch nước đánh giá cao việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên đi thăm ngay sau Đại hội XIX. Chủ tịch nước nhấn mạnh, Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng gần gũi, có nhiều điểm tương đồng về con đường phát triển, chế độ chính trị, đặc điểm văn hóa, xã hội; sự phát triển, ổn định và thành tựu của mỗi nước có ý nghĩa quan trọng đối với cả hai nước.

Theo Chủ tịch nước, việc củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt - Trung không ngừng phát triển lành mạnh, ổn định, ngày càng tốt đẹp là phù hợp với lợi ích cơ bản, lâu dài của hai nước và nhân dân hai nước, có lợi cho hoà bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới. 

Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam coi trọng việc kế thừa và phát huy quan hệ hữu nghị truyền thống do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng các bậc lãnh đạo tiền bối hai nước đích thân xây dựng và dày công vun đắp; việc phát triển quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc là chủ trương nhất quán, lâu dài và là sự lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Chủ tịch nước đề nghị không ngừng củng cố, tăng cường tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nước thông qua việc duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành thống nhất nhận thức, thực hiện hiệu quả các thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao. 

Về vấn đề Biển Đông, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị hai bên tuân thủ các thỏa thuận và nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc” và lộ trình mà hai bên đã thỏa thuận, tích cực thúc đẩy đàm phán trên biển có tiến triển thực chất. Trong khi chưa giải quyết được bất đồng, hai bên cần kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp, gìn giữ hòa bình, ổn định trên biển.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, là thành viên ASEAN và có lợi ích trong việc duy trì hòa bình, ổn định tại Biển Đông, Việt Nam hoan nghênh những phát triển tích cực giữa ASEAN và Trung Quốc trong việc đàm phán và thông qua khung Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC). Thời gian tới, đề nghị Trung Quốc cùng ASEAN tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC); tiến hành đàm phán thực chất để xây dựng COC hiệu lực và hiệu quả.

Đáp lại, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định việc chọn Việt Nam là nước đầu tiên đi thăm sau Đại hội XIX đã thể hiện tầm quan trọng không thể thay thế của quan hệ Trung - Việt; thể hiện tình cảm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam; thể hiện sự kiên định phương châm láng giềng hữu nghị với Việt Nam. Ông cũng bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Việt phát triển lên tầm cao mới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình nhấn mạnh chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam lần này đã thành công tốt đẹp. Ông khẳng định sẽ phổ biến, quán triệt về kết quả chuyến thăm trong toàn Đảng Cộng sản Trung Quốc, làm sâu sắc hơn nữa nhận thức trong Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc về quan hệ Trung - Việt. Sau cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tổ chức trọng thể tiệc chiêu đãi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc. 

Nhân chuyến thăm, 2 bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc. Theo Tuyên bố chung, 2 bên nhất trí cho rằng Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có truyền thống hữu nghị lâu đời, đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, chế độ chính trị tương đồng, con đường phát triển gần gũi, có tiền đồ tương quan, chia sẻ vận mệnh chung, sự phát triển bền vững của mỗi nước và quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp giữa hai nước có ý nghĩa quan trọng đối với cả hai nước. Trong điều kiện lịch sử mới, việc kiên trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và con đường phát triển xã hội chủ nghĩa mang nét đặc sắc của mỗi nước là lựa chọn đúng đắn, phù hợp với lợi ích căn bản của nhân dân hai nước. Hai bên sẽ tham khảo kinh nghiệm lẫn nhau, cùng phát triển, tiếp thêm sức sống mới cho sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa ở mỗi nước, không ngừng nỗ lực vì sự nghiệp hoà bình và tiến bộ của nhân loại.

Trong Tuyên bố chung, hai bên khẳng định sẽ luôn nhìn nhận và phát triển quan hệ Việt - Trung từ tầm cao chiến lược và tầm nhìn lâu dài, kiên định thực hiện chính sách hữu nghị đối với nhau. Hai bên sẵn sàng cùng nhau nỗ lực, nắm vững phương hướng lớn phát triển quan hệ Việt - Trung, tăng cường trao đổi chiến lược, gia tăng tin cậy chính trị, làm sâu sắc hợp tác cùng có lợi, xử lý thỏa đáng bất đồng, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định, mang lợi ích thiết thực cho hai nước và nhân dân hai nước, góp phần tích cực thúc đẩy hòa bình, ổn định và phồn vinh của khu vực.

Hai bên khẳng định tăng cường hợp tác về quốc phòng, an ninh và thực thi pháp luật, thực hiện tốt Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng đến năm 2025, sử dụng hiệu quả đường dây nóng giữa hai Bộ Quốc phòng, tổ chức tốt Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới, Đối thoại chiến lược quốc phòng. Tổ chức tốt các hoạt động mang tính cơ chế như tuần tra liên hợp ở Vịnh Bắc Bộ giữa hải quân, cảnh sát biển hai nước và tàu thuyền thăm lẫn nhau, tăng cường hợp tác đào tạo cán bộ, chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực công tác đảng, công tác chính trị, y học, gìn giữ  hòa bình của Liên Hợp quốc giữa hai quân đội. Phát huy tốt vai trò của các cơ chế như Hội nghị hợp tác phòng chống tội phạm, đối thoại an ninh chiến lược; tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực như chống khủng bố, ma túy, tiền giả, lừa đảo qua mạng, quản lý xuất nhập cảnh, quản lý biên giới, an ninh mạng; triển khai giao lưu kinh nghiệm trong các lĩnh vực như bảo vệ an ninh trong nước, phối hợp truy bắt tội phạm bỏ trốn. Thúc đẩy Hiệp định dẫn độ Việt Nam - Trung Quốc sớm có hiệu lực.

Tuyên bố chung cho biết, hai bên đi sâu trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí tiếp tục tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước và “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”; sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam - Trung Quốc, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được.

Hai bên nhất trí làm tốt công việc tiếp theo sau khi khảo sát chung tại vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, thúc đẩy vững chắc đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này; tiếp tục thúc đẩy công việc của Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển; triển khai hiệu quả các dự án hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm đã thỏa thuận. Hai bên đánh giá cao hoạt động thả giống thủy sinh và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong Vịnh Bắc Bộ. Hai bên nhất trí tiếp tục thực hiện toàn diện, hiệu quả DOC, trên cơ sở hiệp thương thống nhất, sớm đạt được COC; kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Phía Việt Nam khẳng định kiên trì chính sách một nước Trung Quốc; ủng hộ quan hệ hai bờ phát triển hòa bình và sự nghiệp lớn thống nhất Trung Quốc; kiên quyết phản đối hành động chia rẽ “Đài Loan độc lập” dưới mọi hình thức. Việt Nam không phát triển bất kỳ quan hệ chính thức nào với Đài Loan. Phía Trung Quốc bày tỏ hoan nghênh lập trường trên của phía Việt Nam.

Trong thời gian chuyến thăm, hai bên đã ký nhiều văn kiện hợp tác, trong đó có Thỏa thuận về hợp tác biên phòng giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Bản ghi nhớ về thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường”, Biên bản ghi nhớ về việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực điện lực và năng lượng tái tạo, Bản ghi nhớ về danh mục dự án hợp tác năng lực sản xuất năm 2017, Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực quản lý pháp quy an toàn hạt nhân, Bản ghi nhớ về việc đẩy nhanh tiến độ đàm phán thỏa thuận khung về xây dựng các khu hợp tác kinh tế qua biên giới, Bản ghi nhớ về việc xác định danh mục các dự án hợp tác trọng điểm của Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 2017- 2021...

Hai bên nhất trí cho rằng, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thành công tốt đẹp, góp phần quan trọng trong việc củng cố tình hữu nghị truyền thống, làm sâu sắc hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới, mang ý nghĩa dấu mốc quan trọng. 

Đọc thêm