Tân bộ trưởng và những thách thức phía trước

(PLO) - Hôm nay, 26/10, Quốc hội sẽ quyết định ai sẽ là người đứng đầu ngành Giao thông vận tải, một vị trí đang có rất nhiều thách thức, khó khăn cần phải vượt qua.
Ông Nguyễn Văn Thể - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng.
Ông Nguyễn Văn Thể - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng.

Quốc hội sẽ phê chuẩn đề cử của Thủ tướng về hai thành viên Chính phủ mới. Trong đó, nhân sự được đề cử vào vị trí Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải là ông Nguyễn Văn Thể - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng.

Ngành giao thông vận tải đang có rất nhiều khó khăn, đặt ra những thách thức cho người sẽ nhận trọng trách là trưởng ngành. 

Thách thức lớn nhất đối với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải là hàng loạt bài toán khó về hạ tầng.

Bởi nền kinh tế xã hội đang trên đà phát triển, muốn phát triển kinh tế thì giao thông phải đi trước một bước. Trong khi đó, hệ thống hạ tầng giao thông chúng ta từ đường bộ, thuỷ, hàng không, đường sắt đều đang có nhiều hạn chế, là điểm nghẽn lớn, cần phải xem xét lại quy hoạch tổng thể về giao thông Việt Nam. 

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng phải có trách nhiệm lớn trong việc hạn chế tỷ lệ thương vong do tai nạn giao thông hàng năm, giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn, mở rộng cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để chống quá tải...

Đặc biệt, bài toán trước mắt là Bộ trưởng phải giải quyết được ‘khủng hoảng”, phải tìm được chính sách ngăn chặn hiện tượng tiêu cực, lợi ích nhóm của dự án BOT, BT và tiếp tục thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Người dân cũng chờ đợi tân Bộ trưởng có thể ra các quyết sách để giảm chi phí vận tải đang rất cao ở Việt Nam. 

Ông Bùi Danh Liên - Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nói: "Tôi mong Bộ trưởng sẽ cải cách hành chính, giảm bớt thủ tục văn bản, chỉ giữ một số điều kiện cần thiết của ngành vận tải để giải phóng cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp không phải chạy theo các quyết định của Bộ".

Chuyên gia giao thông Thân Văn Thanh cho rằng, ngành đang cần nguồn vốn lớn để thực hiện các dự án trọng điểm như đường cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành... Đơn cử theo kế hoạch, đến năm 2020 Việt Nam phải xây được 2.000 km cao tốc Bắc Nam, nhưng hiện mới chỉ khoảng 700 km, do đó tân Bộ trưởng cần xây dựng các cơ chế thu hút vốn đầu tư ngay trong nhiệm kỳ này.

Bộ trưởng mới cũng cần quan tâm chống xuống cấp và tụt hậu của ngành đường sắt. "Tôi kỳ vọng Bộ trưởng mới sẽ có sức bật mạnh hơn về tuổi trẻ, trí tuệ, không chỉ làm một hay nửa nhiệm kỳ mà sẽ gắn bó lâu dài với ngành giao thông", ông Thân Văn Thanh nói.

Đọc thêm