Tăng cường dân chủ sẽ bớt chuyện khiếu nại...

 “Đẩy mạnh phát triển kinh tế, ổn định xã hội là nhiệm vụ vô cùng quan trọng mà chúng tôi đặt ra trong nhiệm kỳ 2011 – 2015” – ông Nguyễn Hạnh Phúc - người vừa đảm nhận cương vị Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình-  chia sẻ về một trong những giải pháp hạn chế khiếu nại, tố cáo.

“Đẩy mạnh phát triển kinh tế, ổn định xã hội là nhiệm vụ vô cùng quan trọng mà chúng tôi đặt ra trong nhiệm kỳ 2011 – 2015” – ông Nguyễn Hạnh Phúc - người vừa đảm nhận cương vị Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình-  chia sẻ về một trong những giải pháp hạn chế khiếu nại, tố cáo.

“Xã hội ổn định thì kinh tế mới phát triển”

 * Ở cương vị mới, ông có đặt ra cho mình một chương trình hành động nào nhằm đẩy mạnh sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương không?

- Khi đảm nhận cương vị Bí thư Tỉnh ủy, tôi vẫn xác định phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng mà mình phải tập trung thực hiện. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XVIII cũng xác định nhiệm vụ hàng đầu của giai đoạn 2011 – 2015 là “phát triển kinh tế nhanh, bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Bên cạnh đó, chúng tôi tập trung xây dựng nông thôn mới với mục tiêu: “sản xuất phát triển; cuộc sống sung túc; diện mạo sạch sẽ; thôn, xã văn minh và quản lý dân chủ”.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc
Ông Nguyễn Hạnh Phúc

Ngoài ra, Nghị quyết Đại hội cũng cụ thể hóa các nhiệm vụ: đổi mới và phát triển giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế; tăng cường quốc phòng và an ninh, giữ vững ổn định chính trị, xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân; tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, vai trò tiền phong, gương mẫu của đảng viên.

Trong nhiệm kỳ của mình, tôi xác định, phát triển kinh tế và đảm bảo ổn định xã hội địa phương là những nhiệm vụ hết sức quan trọng, bởi xã hội có ổn định thì mới phát triển kinh tế được, mà kinh tế có phát triển thì mới góp phần nâng cao đời sống nhân dân, khiến người dân tin tưởng vào các chính sách phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước.

 * Thái Bình từng là một điểm nóng về khiếu nại, tố cáo, cộng thêm những năm gần đây Thái Bình có sự phát triển rất nhanh về kinh tế với rất nhiều khu công nghiệp mọc lên, chính quyền địa phương làm thế nào để dung hòa được việc phát triển kinh tế mà vẫn hạn chế đến mức thấp nhất chuyện khiếu nại, tố cáo?

- Thực ra, để hạn chế được việc khiếu nại, tố cáo của người dân đối với quá trình thực thi các chính sách của Nhà nước thì trước hết địa phương phải có những giải pháp hiệu quả để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân và tăng cường giáo dục pháp luật để người dân nhận thức được quyền, trách nhiệm của người mình.

Thứ hai nữa là phải làm tốt quy chế dân chủ ở cơ sở,  công khai tất cả những vấn đề liên quan đến chính sách, đối tượng chính sách, quy trình bổ nhiệm, lương thưởng v.v…. Làm tốt công tác dân chủ ở cơ sở sẽ giúp hạn chế rất nhiều khiếu nại, tố cáo. Đây cũng là một điểm mà vừa qua Thái Bình đã làm rất tốt nên hiện nay số người vi phạm về khiếu nại, tố cáo đã giảm rất nhiều.

Là Chủ tịch UBND tỉnh, trước kia có những buổi tiếp công dân tôi phải đối thoại với bà con cả ngày không xong việc, nay thì có khi cả buổi chỉ có 2 – 3 người, tính chất khiếu nại cũng bớt căng thẳng hơn trước. Tất nhiên, trong quá trình giải quyết thì cũng còn một số chuyện mà chúng tôi đã xử lý rồi, các cơ quan trung ương đã trả lời rồi nhưng người dân vẫn cố tình theo đuổi. Số này tuy không nhiều nhưng chúng tôi đang kiên trì, từng bước vận động, giải thích để người dân hiểu.

Bức xúc nhất vẫn là đất đai

 * Vấn đề các ông gặp khó khăn nhất trong quá trình giải quyết mối quan hệ giữa giữa chính quyền địa phương và người dân là gì?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc (sinh năm 1959, năm nay 51 tuổi) vừa được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XVIII bầu trực tiếp vào vị trí Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc quê ở phường Đề Thám, thành phố Thái Bình, tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội, cử nhân cao cấp chính trị, vào Đảng ngày 15/12/1986. Trước khi được bầu làm Bí thư, ông giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình. Ông cũng là Trưởng đoàn Đại biểu QH tỉnh Thái Bình. 

- Vấn đề người dân bức xúc nhất hiện nay vẫn là việc thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai. Đây cũng là vấn đề hết sức nhạy cảm mà chúng tôi gặp phải, đặc biệt là sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 69 thay thế Nghị định 84 về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai.

Giải bài toán “hậu Nghị định 84” như thế nào khi từ Nghị định 84 chuyển sang Nghị định 69 mức bồi thường chênh nhau gấp 4 – 5 lần? Người dân nhận tiền đền bù theo Nghị định 84 chỉ trước đó vài tháng thấy mình thiệt quá nhiều so với người nhận tiền đền bù theo Nghị định 69 nên họ đấu tranh và chính quyền địa phương rơi vào tình trạng khó xử. Vừa qua Thái Bình và  một số tỉnh khác cũng đã xảy ra tình trạng người dân khiếu kiện, vây hãm, gây khó dễ cho các đơn vị thi công, triển khai dự án v.v…

Trước tình hình đó chúng tôi chỉ còn cách kiên trì vận động, thuyết phục người dân trên cơ sở chính sách, chỗ nào vận dụng được thì vận dụng tối đa cho bà con, để làm sao bà con hiểu ra và có sự chia sẻ với Nhà nước trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai.

 * Kiên trì vận động có đem lại hiệu quả không, thưa ông?

- Biện pháp của chúng tôi là kiên trì vận động kết hợp với đối thoại. Là Chủ tịch tỉnh, tôi phải trực tiếp đối thoại và giải thích cho người dân hiểu lý do tại sao tỉnh áp dụng chính sách này mà không áp dụng chính sách khác. Cũng mừng là qua các cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa Chủ tịch tỉnh với người dân thì người dân cũng hiểu ra và từng bước đồng thuận.

Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng phải phối hợp cùng các doanh nghiệp để xem có chính sách nào có thể vận dụng hỗ trợ thêm cho người dân hay không thì triệt để áp dụng. Một giải pháp quan trọng nữa là vai trò của các tổ chức đảng, đoàn thể, Mặt trận tổ quốc…..cùng tham gia vào quá trình tuyên truyền vận động mới đem lại hiệu quả.

 * Khi thảo luận về dự thảo Luật Tố cáo, ông cho rằng không nên chấp nhận việc tố cáo nặc danh, ông có lý do nào cho quan điểm này không?

- Theo tôi, một trong những mục tiêu cần đạt tới khi giải quyết khiếu nại, tố cáo là làm sao phát huy được vai trò của người dân trong việc tham gia với chính quyền, cùng chính quyền xử lý những trường hợp vi phạm, nhũng nhiễu. Làm được điều đó thì việc giải quyết tố cáo mới thực sự có hiệu quả.

Tất nhiên, chúng ta cũng phải xác định rằng, trong số người tố cáo thì cũng có những trường hợp tố cáo mang tính chất cá nhân, trả thù, bôi nhọ v.v… Điều đó chúng ta không khuyến khích.      Bởi vậy, không chấp nhận tố cáo nặc danh là để hạn chế việc lợi dụng tố cáo vì mục đích cá nhân, khuyến khích người dân tố cáo một cách chính thống, mang tính xây dựng và dám chịu trách nhiệm về những tố cáo mình nêu ra.

 * Nhưng ranh giới giữa tố cáo mang tính chất xây dựng và tố cáo mang tính chất hủy hoại thường rất mong manh, khó phát hiện?

- Chính vì khó phân biệt nên cần  phải có cái chính thống. Nếu như chúng ta quy định không chấp nhận tố cáo nặc danh thì những trường hợp tố cáo vô căn cứ, tung tin thất thiệt mang tính chất trả thù, nội bộ đấu đá… sẽ giảm bớt đi. Những trường hợp khác dám chịu trách nhiệm về thông tin của mình sẽ được pháp luật tập trung bảo vệ.

 * Cái khó là trong nhiều trường hợp thông tin từ tố cáo nặc danh lại là những thông tin rất có giá trị, nhưng người tố cáo vì sợ bị trù dập nên không dám công khai tên tuổi, nếu không chấp nhận tố cáo nặc danh liệu có làm giảm nhiệt huyết của người dân, thưa ông?

- Tôi nghĩ là không vì việc tiếp nhận thông tin tố cáo nặc danh từ người dân đã được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng. Người dân hoàn toàn có thể tìm đến Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng của địa phương để thông tin về những vi phạm, sai phạm mà mình biết, từ đó kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. Còn việc không chấp nhận tố cáo nặc danh tại dự Luật Tố cáo, nếu được quy định, cũng chỉ là để giúp cho công tác giải quyết tố cáo của các cơ quan chức năng ngày càng quy củ, chặt chẽ hơn và quyền lợi của người dân được chú trọng, đảm bảo hơn.

 * Xin cảm ơn ông!

Hồng Thúy ( thực hiện)

Đọc thêm