Tăng cường vai trò người dân trong quá trình ra quyết định

(PLVN) - Ngày 3/11, trong khuôn khổ năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo trực tuyến ASEAN chia sẻ kinh nghiệm về tăng cường vai trò của người dân trong quá trình ra quyết định.
Hội thảo trực tuyến ASEAN điểm cầu Bộ Nội vụ Việt Nam.
Hội thảo trực tuyến ASEAN điểm cầu Bộ Nội vụ Việt Nam.

Tham dự Hội thảo tại điểm cầu Bộ Nội vụ Việt Nam có đại diện một số ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ; tại điểm cầu trực tuyến có đại diện Ban Công vụ các nước ASEAN và Ban Thư ký ASEAN.

Trình bày tham luận tại Hội thảo, ông Hoàng Minh Hiếu, Vụ trưởng Vụ Thông tin, Văn phòng Quốc hội (QH) cho biết, thời gian qua, QH Việt Nam đã triển khai các hoạt động trực tuyến như họp QH trực tuyến, tổ chức cuộc họp của Đại hội đồng Liên minh nghị viện các nước ASEAN (AIPA) lần thứ 41 qua hình thức trực tuyến… các hoạt động này thêm một lần nữa thúc đẩy cách thức tham vấn thông qua internet nhằm đem lại hiệu quả cao trong việc xây dựng chính sách, pháp luật của Việt Nam.

Hiến pháp 2013 của Việt Nam quy định: “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề cơ sở, địa phương và cả nước”. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng quy định, các báo cáo tổng kết, báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của QH, Đại biểu QH cũng phải được đăng tải trực tuyến trên các trang web, Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước…

Việt Nam quy định rất chặt chẽ việc xin ý kiến Nhân dân bằng hình thức trực tuyến. Năm 2017, Văn phòng QH đã xây dựng trang web “Dự thảo online” để cung cấp thêm các công cụ tiện ích cho người dân dễ dàng tham gia góp ý vào các dự án luật, pháp lệnh, các văn bản pháp luật. Sau 3 năm triển khai thực hiện đã có 98% các dự án luật trong chương trình xây dựng pháp luật được đăng tải.

Các dự án thu được nhiều ý kiến của người dân tham gia như Hiến pháp 2013; Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Công an nhân dân… Trên cơ sở góp ý của người dân, Văn phòng QH đã tổng hợp báo cáo để gửi các đại biểu QH đánh giá, tham khảo. Kết quả có đến 95% đại biểu QH đánh giá là hữu ích; 45,4% đại biểu QH thường xuyên sử dụng để tham khảo và phát biểu tại QH.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động tham vấn công chúng về dự án luật, pháp lệnh trên internet, ông Hoàng Minh Hiếu nhấn mạnh cần thiết phải nâng cao và cải tiến cách thức tham vấn đó là xóa bỏ khoảng cách bằng việc số hóa và đăng tải online; kết hợp truyền thông để người dân biết sự tồn tại của trang web và biết đến nội dung dự thảo các dự án luật, pháp lệnh; tăng cường sự tương tác giữa các cơ quan của QH, người dân, doanh nghiệp, tổ chức; có thể sử dụng các mạng xã hội để người dân biết được ý kiến của mình được tiếp thu như thế nào…

Liên quan đến việc đo lường sự hài lòng của người dân, bà Nguyễn Thị Thu Hằng (Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ) cho biết, một trong những nội dung của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 là nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công; bảo đảm sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt mức trên 80% vào năm 2020.

Chính phủ Việt Nam đã tiến hành đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) nhằm đánh giá khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công của các cơ quan hành chính nhà nước.

Thông qua đó, các cơ quan hành chính nhà nước nắm bắt được yêu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức để có những biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ và cung ứng dịch vụ của mình nhằm nâng cao sự hài lòng và lợi ích của người dân, tổ chức.

Cũng tại Hội thảo, đại diện Ban Công vụ các nước Thái Lan, Myanmar, Malaysia và Singapore đều khẳng định, Chính phủ cần phải đồng hành với người dân trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật mới có thể đem lại hiệu quả cao trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đọc thêm