Tăng lương tối thiểu 10% là đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên

(PLO) - Trao đổi với báo chí sau phiên họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, vào thời điểm này, mức tăng lương tối thiểu năm 2016 nên là 10%. Trước đó, ông đã ủng hộ phương án tăng 10-12%.
Thưa ông, mức tăng 10-16% là khoảng chênh lệch lớn, nhưng mức 12% như trước đây ông ủng hộ có vẻ trung hòa. Vậy sao bây giờ ông lại “nghiêng” với phương án tăng 10%?
- Đại diện cho người sử dụng lao động (NSDLĐ) là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) muốn tăng dưới 10%, đại diện người lao động (NLĐ) là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam muốn tăng 16%. Hai bên đều có lý. Tăng 16% là mong muốn đẩy nhanh tiến độ lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu, theo lộ trình sẽ hoàn thành vào năm 2018. Nhưng tăng dưới 10% là muốn đảm bảo khả năng tồn tại và sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN). 
Ở đây có câu chuyện, nếu chúng ta nâng quá cao thì “lợi bất cập hại”. Chính tôi đã từng mong muốn mức tăng lương từ 10-12%. Nhưng tính đi tính lại, tại sao chúng ta phải cân bằng? Theo Nghị quyết của Quốc hội, chỉ số CPI năm 2015 phấn đấu dưới 6% nhưng cho đến giờ phút này, chỉ số này chỉ chưa đến 2%. Vậy chúng ta tính thêm một bước, tức là đến năm 2016 và qua Tết Nguyên đán 2016 là khoảng 3-4%, năng suất lao động khoảng 3,7% thì hiện 2 yếu tố này đang có xu hướng phát triển khoảng 4-5%. 
Rõ ràng 2 yếu tố kết thành tiền lương tối thiểu (CPI và năng suất lao động) khoảng 7-8%. Nhưng tiền lương tối thiểu lại đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào yếu tố tăng năng suất lao động. Nên theo tôi, mức tăng lương năm 2016 là 10% là hợp lý.
Như ông phân tích thì chỉ cần tăng lương 7-8%. Vậy tại sao lại là 10%, thưa ông?
- Phải thêm 2% vào mức 8% trên để khuyến khích tăng năng suất lao động, để đảm bảo nguyên tắc tiền lương là đòn bẩy tăng năng suất lao động. Với phương án này, cơ bản đáp ứng nhu cầu của NLĐ và theo lộ trình đã định. Nhưng nếu đi quá nhanh trong lúc này, DN khó khăn, thu hẹp, việc làm giảm.
Phải nói thêm tiền lương là một trong các yếu tố giá thành, tiền lương cao thì việc hội nhập kinh tế, xuất khẩu sẽ khó khăn. Khi đó, ngân sách và cả NLĐ cũng bị ảnh hưởng.
Theo tôi, sự đấu tranh giữa NSDLĐ và NLĐ là xung đột căng thẳng mà đây là hài hòa lợi ích. Các bên liên quan đều phải chia sẻ vì lợi ích chung.
Theo Bộ luật Lao động, NLĐ có lộ trình tăng lương giữa các năm rất rõ ràng. Phía VCCI cũng cho rằng lộ trình đó chưa tính đến yếu tố quy luật thị trường nên cần sửa lại Điều 90-91, thưa ông? 
- Điều 90-91 Bộ luật Lao động xác định đến năm 2018 tất cả khoản đóng về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội mới tính trên toàn bộ thu nhập của NLĐ. Năm 2016-2017, hoàn toàn tính theo tiền lương đầy đủ của NLĐ. Cho nên ai nói điều đó, tôi cho là chưa chuẩn…
Quan điểm của ông thế nào khi có ý kiến cho rằng mức sống tối thiểu như quy định là quá cao, như mức trung bình rồi…?
- Tôi hoàn toàn không đồng tình với ý kiến đó. Mức sống tối thiểu theo Điều 90 Bộ luật Lao động là mức tính lương thấp nhất của NSDLĐ trả cho NLĐ theo quy định của Chính phủ, nhưng phải đáp ứng 3 yêu cầu: Đảm bảo nhu cầu tối thiểu của NLĐ; đảm bảo yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội; là mức tiền lương trên thị trường lao động. Mà hiện nay, chúng ta đang hoàn thiện thị trường lao động nên chưa đạt được đỉnh cao của thị trường này. Việc này cần có lộ trình nhất định và chúng ta đang trong lộ trình đó. 
Cho nên chúng ta cần đảm bảo hài hòa các lợi ích. Nếu chúng ta đi quá nhanh sẽ dẫn đến tình trạng DN hết sức khó khăn. Tôi phải nói như thế này, trong khu vực ASEAN, chi phí lao động trong giá thành sản phẩm của DN Việt Nam  là 18,3%, cao hơn  mức bình quân khu vực ASEAN hơn 16%. Có nghĩa chi phí của chúng ta trong giá thành sản phẩm cao hơn khu vực, do năng suất của ta quá thấp.
Thứ hai, nguyên tắc của tiền lương là phải đảm bảo tốc độ tăng tiền lương bình quân thấp hơn tốc độ tăng năng suất lao động để đảm bảo tái sản xuất sức lao động, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Nếu chúng ta làm ít, ăn nhiều, thì sẽ không có tích lũy, nếu làm nhiều, ăn ít sẽ không đảm bảo tái sản xuất sức lao động. Nên 2 yếu tố này phải cân bằng.
Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm