Taxi Uber chỉ để ăn hoa hồng?

(PLO) -Xung quanh vấn đề nên hay không nên cho phép “taxi Uber” hoạt động tại VN, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng: Cần phải suy nghĩ và cân nhắc một cách cẩn trọng, bởi việc này liên quan đến quyền lợi của hành khách và sự tồn tại và phát triển của các DN taxi truyền thống.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Lợi ích…
Taxi Uber mới du nhập vào Việt Nam từ tháng 7/2014. Thực tế, đây chỉ là một phần mềm dịch vụ tên là Uber cài đặt trên điện thoại di động, hoạt động qua mạng 3G, do một đơn vị ở nước ngoài tạo ra, nhằm kết nối giữa hành khách và tài xế taxi.
Khi tài xế tham gia, chủ sở hữu mạng Uber sẽ giữ vai trò trung gian điều động phương tiện, giữa tài xế và hành khách, qua đó hưởng 20% tổng doanh thu của tài xế taxi.
Theo ông Bùi Danh Liên, loại hình này, hiện đang hoạt động ở TP. Hồ Chí Minh, ở Hà Nội các DN đang được chào mời tham gia. Nhưng hiện tại các cơ quan chức năng của TP. HCM cũng đang triển khai xử lý hoạt động kinh doanh này, do vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam.
Ông Bùi Danh Liên: “Cần phải suy nghĩ và cân nhắc một cách cẩn trọng, bởi việc cho phép taxi Uber hoạt động tại Việt Nam, liên quan đến quyền lợi của hành khách và sự tồn tại và phát triển của các DN taxi truyền thống.”
Ông Bùi Danh Liên: “Cần phải suy nghĩ và cân nhắc một cách cẩn trọng, bởi việc cho phép taxi Uber hoạt động tại Việt Nam, liên quan đến quyền lợi của hành khách và sự tồn tại và phát triển của các DN taxi truyền thống.” 
Ở góc độ hành khách, muốn được Uber phục vụ ngoài việc phải có điện thoại kết nối mạng Internet, và cũng cần có một tài khoản do Uber cung cấp. Việc thanh toán tiền cước thực hiện bằng thẻ quẹt, tiền cước của khách hàng thanh toán được chuyển thẳng ra tài khoản tại nước ngoài của Uber. Sau đó, tài xế taxi sẽ liên hệ với tổng đài Uber để nhận về 80% tổng doanh thu, 20% còn lại thuộc sở hữu của Uber.
“Xét về mặt tiện ích, khi khách hàng có nhu cầu đi taxi liên hệ với tổng đài Uber, sẽ được biết các thông tin taxi đang ở đâu, lộ trình bao nhiêu km, và số tiền cước – thường rẻ hơn so với taxi truyền thống. Lý do giá cước thấp hơn, vì Uber không phải mất chi phí tổ chức hoạt động kinh doanh một cách bài bản, đầy đủ như các DN đang làm, mà chỉ giữ vai trò trung gian kết nối hành khách và chủ xe để ăn hoa hồng..."
"...Do các thông tin về lộ trình của khách đều được công khai trên mạng Uber, nên tiện ích lớn nhất của taxi Uber là giúp hành khách chủ động kế hoạch di chuyển, và qua mạng có thể dễ dàng tìm được bạn đồng hành chung lộ trình để chia sẻ giá cước với nhau.
Mặt khác, qua mạng Uber cũng có thể khai thác được xe rỗng của các DN đơn vị, khi rỗi việc sẽ được Uber kết nối với những hành khách có nhu cầu. Loại hình này, sở dĩ phát triển mạnh ở một số quốc gia phát triển đặc biệt là ở Châu Âu, vì ở đó các phương tiện công cộng rất phát triển, người dân ít khi phải dùng đến taxi vì giá cước đắt.” – ông Bùi Danh Liên cho biết.  
Tác hại…
Tuy nhiên, Uber có những mặt bất tiện cụ thể như không thể gọi đây là DN kinh doanh vận tải theo đúng nghĩa, vì bản chất Uber không có phương tiện và người lái, mà chỉ làm trung gian điều động phương tiện. Do đó không quản lý được chất lượng phương tiện cũng như người lái.
Vì lý do này, nhiều nước cũng đã cấm loại hình này hoạt động, bởi lo ngại khả năng không đảm bảo an toàn. 
Ngoài ra, khi TNGT xảy ra, Uber giữ vai trò điều động xe, nhưng lại dễ dàng thoát trách nhiệm, mọi rủi ro và trách nhiệm đều đổ lên đầu tài xế và hành khách phải chịu.
Nếu phát sinh những vướng mắc giữa tài xế và hành khách thì Uber cũng không đứng ra phân xử, không chịu trách nhiệm.
Nếu như khách hàng gặp rủi ro thì trách nhiệm của taxi Uber sẽ như thế nào? Ảnh: Nguồn Internet (Chỉ mạng tính chất minh họa)
 Nếu như khách hàng gặp rủi ro thì trách nhiệm của taxi Uber sẽ như thế nào? Ảnh: Nguồn Internet (Chỉ mạng tính chất minh họa)
Thứ ba, hiện tại kinh doanh vận tải là hoạt động kinh doanh có điều kiện, nhưng pháp luật hiện hành của Việt Nam cũng chưa có quy định đối với loại hình dịch vụ này. Do vậy, taxi Uber hoạt động ở Việt Nam ít bị ràng buộc bởi các quy định của pháp luật.
Mặt khác, thỏa thuận giữa các bên tham gia mạng Uber cũng chỉ mang tính chất dân sự, nên hạn chế về giá trị pháp lý. Uber là đơn vị “cầm đằng chuôi” khi nắm trước 100% doanh thu, chỉ trích lại 80%  cho tài xế theo chu kỳ thời gian nhất định. Nếu trường hợp rủi ro xảy ra với Uber thì tài xế taxi cũng đành ôm quả đắng, chứ khó mà tìm được trụ sở của Uber ở bên nước ngoài để khiếu nại, đòi tiền.  
“Thực tế, chúng ta đã mất khá nhiều thời gian chống taxi dù, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, đảm bảo ATGT. Nếu đưa loại hình này vào hoạt động hợp pháp ở Việt Nam nhiều khả năng sẽ phá vỡ hoạt động của taxi truyền thống.
Đặc biệt lo ngại khả năng, các DN taxi cổ phần bỏ ra ngoài, tham gia dịch vụ này trốn tránh các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Các cá nhân có xe không tham gia vào các tổ chức taxi, mà tham gia Uber, như vậy vô tình lại khuyến khích xe cá nhân phát triển, trong điều kiện hạ tầng giao thông còn chật hẹp, hạn chế.” – ông Bùi Danh Liên nói
Nếu cho phép một loại hình kinh doanh vận tải không quản lý được phương tiện, người lái, cạnh tranh với taxi truyền thống đủ điều kiện mới được hoạt động, thì rõ ràng việc này sẽ nguy cho sự tồn tại và phát triển của các DN làm ăn chân chính.
Đặc biệt trong tình hình hiện nay, việc phòng ngừa khả năng nhiều đối tượng lợi dụng loại hình này tổ chức hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng quốc cấm cũng cần phải xem xét suy nghĩ./.

Đọc thêm