Thái độ bất chấp pháp luật không thể lộng hành

(PLO) - Vụ việc cứu giúp người bị tai nạn giao thông rồi bị đâm thấu phổi xảy ra tại Bắc Ninh tuần qua gây sự chú ý rất lớn của dư luận xã hội. Bài học rút ra vừa mang tính đạo lý và cả pháp lý: Đạo lý là cứu người nhưng mang vạ vào thân, pháp lý là sự hung hãn, côn đồ thường không có sự phân biệt phải trái, hành động bản năng.
Thái độ bất chấp pháp luật không thể lộng hành

Đáng chú ý là nghi phạm đã lập tức bị bắt, người này đã có một tiền sự trước đó về việc gây thương tích cho người khác. Một khía cạnh khác đáng suy nghĩ là sự tử tế đôi khi cũng phải trả giá đắt, mặc dù chỉ là sự nhầm lẫn nhưng phản ảnh thói quen dùng bạo lực, coi thường tính mạng và sức khỏe người khác, thể hiện thái độ bất chấp pháp luật – một hiện tượng xã hội đáng lưu ý hiện nay.

Một sự kiện khác, minh chứng cho hiện tượng này là vừa sau Tết, 3 người trong một gia đình bị sát hại tại Điện Biên. Thủ phạm là hàng xóm, mâu thuẫn từ việc tranh chấp nương rẫy mà thôi, người này đã tự tử bằng lá ngón, chứng tỏ anh ta biết rõ hành vi của mình là tội ác ghê sợ và trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật bằng cách tự xử như việc anh ta đã làm để giải quyết mâu thuẫn.

Liên quan đến bạo lực và côn đồ, vừa qua, phiên xử phúc thẩm tại Hà Nội đã giữ nguyên mức hình phạt của án sơ thẩm đối với một Chủ tịch Hội đồng quản trị của một công ty là 12 năm tù giam vì tội cướp tài sản. Anh này đã thuê người đòi nợ đối tác làm ăn 800 triệu đồng và có hành vi đe dọa, đập phá tài sản, ép nạn nhân phải trả tiền, người được thuê này cũng bị buộc tội cướp và nhận mức án 14 năm tù.

Vụ án này khiến người ta xót xa bởi chính sự lần khân của con nợ là nguyên nhân gây ra vụ việc và cũng chính bởi sự nôn nóng, không tin vào pháp luật dùng côn đồ và bạo lực hành xử mà một doanh nhân hóa thành kẻ cướp. Việc “hình sự hóa một quan hệ dân sự” của cá nhân đã phải trả giá rất đắt khiến người ta liên tưởng đến các vụ án do các cơ quan bảo vệ pháp luật tiến hành mà có dấu hiệu hình sự hóa hoặc đơn giản hơn có tính chất như “đòi nợ hộ” mà những người tiến hành nó lại vô can, không bị sự chế tài nào, gây bất công xã hội đã đành, còn làm lòng tin vào pháp luật bị suy giảm đáng kể. Đó cũng là một nguyên nhân dẫn tới hiện tượng “tự xử”, hoặc dùng bạo lực giải quyết mâu thuẫn, hoặc sự lộng hành của các băng nhóm đòi nợ thuê.

Chúng ta lên án các hành vi bạo lực, “tự xử” và thái độ coi thường pháp luật. Tất nhiên, những hành vi trái pháp luật và đạo lý này sẽ nhận sự trừng phạt thích đáng của pháp luật. Thế nhưng, làm thế nào để hạn chế những hành vi này là điều rất cần phải nghĩ tới. Giáo dục, phổ biến pháp luật để nâng cao ý thức pháp luật của toàn xã hội chỉ là một biện pháp, song hành với nó cần phải có một bộ máy thực thi pháp luật nghiêm minh, tạo ra sự tin tưởng và thói quen hành xử theo pháp luật của tất cả mọi người. Nếu làm được như vậy thì ai cũng ý thức được và tin rằng mình luôn được pháp luật bảo vệ ở mọi nơi, mọi lúc và kịp thời, nghiêm minh thì những hành vi “tự xử” đương nhiên không có môi trường để sinh sôi, cách hành xử bạo lực, côn đồ không còn đất sống.

Đọc thêm