Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam: “Mọi sự chịu đựng đều có giới hạn”

(PLO) - Chiều 7-5, tại cuộc họp báo quốc tế, đại diện các cơ quan chức năng của Việt Nam đã trả lời các câu hỏi của báo chí trong và ngoài nước về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam.
Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam: “Mọi sự chịu đựng đều có giới hạn”
Chủ quyền thiêng liêng
- VietNamNet: Trong những ngày qua, các đại diện Việt Nam nỗ lực tiếp cận với Trung Quốc để xử lý vấn đề. Tại sao hai nước chưa sử dụng điện đàm giữa lãnh đạo cấp cao nhất giữa hai nước? Việt Nam đã tiếp xúc với các nước để trao đổi về vấn đề này hay chưa? Những nỗ lực ngoại giao của Việt Nam trong mấy ngày qua cho thấy Việt Nam muốn theo đuổi giải pháp ngoại giao kêu gọi Trung Quốc tham gia đàm phán, tuy nhiên nếu như trong tình huống Trung Quốc phớt lờ các yêu cầu chính đáng bên phía Việt Nam, Việt Nam có tính đến các kịch bản phản ứng như thế nào? Liệu Việt Nam có tính đến kịch bản mạnh hơn như cắt quan hệ ngoại giao hay các hành động tương tự đáp trả phía Trung Quốc hay không?
- Ông Trần Duy Hải (phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia): Trước hết, chúng ta đã sử dụng các đường dây nóng giữa bộ ngoại giao hai nước, cấp phó thủ tướng, bộ trưởng bộ ngoại giao. Chúng ta đã nêu với phía Trung Quốc sẵn sàng điện đàm lãnh đạo cấp cao và chúng ta đang chờ đợi trả lời từ phía Trung Quốc.
Về thông báo cho các nước, do tính chất nghiêm trọng của vấn đề vì thấy rằng nó sẽ đe dọa đến hòa bình ổn định và an ninh an toàn hàng hải ở biển Đông, cho nên chúng tôi đã thông báo cho các nước ASEAN và các nước liên quan khác quan tâm và có lợi ích ở khu vực này. Trong tiếp xúc, hầu hết các nước đều bày tỏ lo ngại trước hành vi của Trung Quốc.
Tôi cũng xin khẳng định rằng vấn đề chủ quyền rất thiêng liêng đối với đất nước chúng ta. Cho nên sẽ sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích của chúng ta. Chính sách nhất quán của Việt Nam là thông qua các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp. Chúng ta kiên trì thực hiện theo đuổi để giải quyết các tranh chấp.
Ông Ngô Ngọc Thu (phó tư lệnh, tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam) tại cuộc họp báo chiều 7-5 - Ảnh: n.khánh
Ông Ngô Ngọc Thu (phó tư lệnh, tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam) tại cuộc họp báo chiều 7-5 - Ảnh: n.khánh 
* Hãng NHK: Trung Quốc đã thật sự khoan thăm dò dưới đáy biển của Việt Nam hay chưa? Nếu Trung Quốc không chịu rút giàn khoan ra khỏi biển Việt Nam thì Việt Nam sẽ có hành động gì tiếp theo?
- Ông Ngô Ngọc Thu (phó tư lệnh, tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam): Cho đến thời điểm này, giàn khoan HD981 đã được định vị ở các vị trí như đã xác định trên bản đồ. Hiện nay, sau định vị, giàn khoan đang tiến hành tác nghiệp chuẩn bị để tiến tới khoan thăm dò.
Như chúng tôi đã khẳng định, Việt Nam chủ trương thông qua các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp liên quan. Hiện nay và sắp tới, chúng ta sẽ tiếp tục kiên trì trao đổi với Trung Quốc để xử lý các vấn đề ở biển Đông. Nhưng một lần nữa, tôi khẳng định với các bạn rằng vì các quyền và lợi ích chính đáng của chúng ta ở biển Đông, chúng ta sẽ sử dụng tất cả các biện pháp hòa bình quy định bởi Luật biển, bởi luật pháp quốc tế cũng như Hiến chương Liên Hiệp Quốc để bảo vệ các quyền và lợi ích của Việt Nam.
* Tuổi trẻ: Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc đưa giàn khoan và tàu hộ tống vào hoạt động tại thềm lục địa của Việt Nam. Phía Việt Nam sẽ có những biện pháp gì để ngăn chặn Trung Quốc lặp lại các hành động tương tự trong tương lai?
- Ông Trần Duy Hải: Trung Quốc đã nhiều lần tiến hành thăm dò ở khu vực này và chúng ta đã kiên quyết đấu tranh và Trung Quốc đã rút. Trung Quốc từng thuê các giàn khoan của các nhà thầu bên ngoài để dự tính tiến hành khoan thăm dò trên biển của Việt Nam. Nhưng chúng ta đã đấu tranh quyết liệt, kể cả gặp các nhà thầu để đấu tranh nên chưa xảy ra việc Trung Quốc khoan thăm dò trên thềm lục địa của chúng ta. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng chính giàn khoan Trung Quốc chế tạo để khoan thăm dò thềm lục địa của Việt Nam. Như tôi đã khẳng định nhiều lần là chúng ta sẽ phải tiếp tục đấu tranh bằng mọi biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích của chúng ta ở biển Đông. Chúng ta sẽ sử dụng các biện pháp hòa bình, trong đó trước tiên ưu tiên đàm phán, thương lượng.
* Tuổi trẻ: Các hoạt động vi phạm của Trung Quốc có hệ quả gì tới việc thực thi Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và việc đàm phán tiến tới Bộ quy tắc ứng xử (COC)?
- Ông Lê Hải Bình (người phát ngôn Bộ Ngoại giao): Rõ ràng những diễn biến phức tạp vừa qua diễn ra ở biển Đông đã đặt ra những thách thức đối với vai trò của DOC trong việc xử lý các tranh chấp ở biển Đông. Do vậy, Việt Nam kêu gọi các bên cần phải triệt để tuân thủ các quy định trong tuyên bố DOC vì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực.
Đối với COC, Việt Nam cho rằng chia sẻ quan điểm chung với các nước ASEAN về việc cần sớm có một Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), có tính ràng buộc pháp lý và điều chỉnh toàn diện các khía cạnh liên quan đến tranh chấp ở biển Đông vì mục đích hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực, trên cơ sở quyền và lợi ích chính đáng của các nước ven biển theo quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển quốc tế 1982.
Tự vệ
* Hãng AP: Tôi thấy các tàu Trung Quốc chủ động đâm vào các tàu Việt Nam, thế tàu Việt Nam có tiến hành đâm tàu Trung Quốc để bảo vệ tàu của mình không?
- Ông Ngô Ngọc Thu: Mặc dù những ngày vừa qua tình hình trên thực địa rất căng thẳng, Trung Quốc chủ động tiến hành đâm va và sử dụng các loại trang bị trên tàu để bắn, phun nước vào tàu Việt Nam, nhưng cho đến thời điểm này chưa có người nào chết trên biển. Chỉ có sáu kiểm ngư viên Việt Nam bị mảnh kính vỡ văng vào gây thương tích ở các phần mềm. Như quý vị xem clip, các tàu hải cảnh và tàu bảo vệ của Trung Quốc chủ động đâm va vào các tàu Việt Nam gây hư hỏng và ảnh hưởng đến trang thiết bị của Việt Nam. Vừa qua, lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư hết sức kiềm chế. Chúng tôi tiếp tục bám trụ và giải quyết mọi việc trên biển. Nhưng mọi sự chịu đựng đều có giới hạn. Nếu tiếp tục đâm vào chúng tôi thì chúng tôi cũng có những tự vệ tương tự để đáp lại.
* Hãng thông tấn của Đức: Việt Nam có theo gương Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế hay không?
- Ông Trần Duy Hải: Việc giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ tại các cơ quan tài phán quốc tế là các biện pháp hòa bình trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế. Tất cả các biện pháp hòa bình đều có thể được sử dụng để bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam. Quan điểm nhất quán của Việt Nam là giải pháp hòa bình, trong đó ưu tiên cho việc đàm phán thương lượng giải quyết các vấn đề tranh chấp với các nước láng giềng. Tuy nhiên, chúng ta không thể loại trừ một biện pháp nào cả để bảo vệ hòa bình.
Ông Dương Khiết Trì nói gì trong cuộc điện đàm?
* Thanh Niên: Trong cuộc điện đàm hôm qua với Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Dương Khiết Trì - ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc - đã nói gì?
- Ông Trần Duy Hải: Trong cuộc điện đàm đó, phía Trung Quốc cũng nhắc lại lập trường của Trung Quốc trên biển Đông và họ cho rằng khu vực mà giàn khoan 981 đang hoạt động thuộc chủ quyền tài phán của Trung Quốc. Nhưng Phó thủ tướng - Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã bác bỏ ý kiến của phía Trung Quốc và khẳng định chủ quyền của chúng ta đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán của chúng ta đối với vùng biển. Chúng ta có nhấn mạnh rằng các hoạt động của tàu và giàn khoan 981 đã vi phạm, xâm phạm các vùng biển của Việt Nam. Việt Nam sẽ cương quyết phản đối.
* VTC10: Từ trước đến nay, trong nhiều năm qua Trung Quốc đã nhiều lần bắt giữ và gây thương tích cho ngư dân của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa. Chính phủ Việt Nam yêu cầu bồi thường thì đã được bồi thường như thế nào? Sau sự kiện này, những kiểm ngư viên Việt Nam đã bị thương, những hư hại của Việt Nam thì chúng ta sẽ buộc Trung Quốc bồi thường như thế nào?
- Ông Trần Duy Hải: Trong thời gian qua chúng ta đã kiên quyết đấu tranh qua đường ngoại giao để bảo vệ các lợi ích chính đáng của Việt Nam qua các tiếp xúc ngoại giao... Chúng ta luôn yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động bắt giữ ngư dân cũng như bồi thường thiệt hại cho các ngư dân. Còn sự việc lần này, chúng tôi đã yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại đã gây ra cho những va chạm.

Đọc thêm