Tham nhũng 60 nghìn tỷ, chỉ xử lý hình sự được 118 trường hợp

(PLO) - Gần 60 nghìn tỷ là con số thiệt hại do các vụ án, vụ việc gây ra. Nhưng điều bất ngờ là chỉ  118 trường hợp được xử lý.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình

Hôm qua (12/7), tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị.

10 năm, xử lý hình sự 118 trường hợp

Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ, 10 năm qua, toàn ngành Thanh tra và các cấp, ngành đã triển khai hàng nghìn cuộc thanh tra hành chính, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, qua đó phát hiện nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trên các lĩnh vực. Thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng gây ra được phát hiện là gần 60 nghìn tỷ đồng và trên 400ha đất. 

Thế nhưng chỉ hơn 4.670 tỷ đồng và trên 219 ha đất được thu hồi. “Theo dõi quá trình thụ lý, giải quyết vụ án thời gian qua cho thấy, các cơ quan tố tụng mới chủ yếu chú trọng việc chứng minh hành vi phạm tội, chưa kịp thời áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản, dẫn đến khi tuyên bản án, tài sản hầu như đã bị tẩu tán hết, không còn điều kiện để thi hành”, ông Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân Tối cao nhận xét. 

Muốn chống tham nhũng có hiệu quả phải coi trọng công tác phòng ngừa. Tuy nhiên, hầu hết các đại biểu đều cho rằng, công tác phòng ngừa, phát hiện tham nhũng hiện còn nhiều hạn chế. Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, việc tự phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong nội bộ các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương đến các địa phương hầu như không có; số vụ do các cơ quan Thanh tra, Kiểm tra, Kiểm toán phát hiện chuyển cho Cơ quan điều tra còn rất ít.

“Thực tế, các vụ án tham nhũng do Cơ quan điều tra khởi tố chủ yếu được phát hiện thông qua hoạt động nghiệp vụ của lực lượng Công an hoặc qua nguồn đơn thư tố cáo, tố giác của dân, trong khi đó nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội”.

Cũng theo Thượng tướng Vương, với những hành vi tiêu cực (tham nhũng vặt) thì người dân ngại tố cáo, tố giác và nhiều khi có tố giác cũng khó đủ chứng cứ để xử lý theo pháp luật. Trong khi đối với những vụ tham nhũng lớn, nghiêm trọng, có nhiều đối tượng tham gia, quan hệ chặt chẽ với nhau, thông tin khép kín trong phạm vi nhất định nên rất khó phát hiện để tố cáo, tố giác, chỉ khi điều tra, áp dụng các biện pháp tố tụng mới làm rõ được.

Các tham luận tại Hội nghị cũng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân như thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực vẫn còn bất cập; chưa xóa bỏ được cơ chế “xin, cho”. Một số cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN). 

Còn có các nguyên nhân, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả chưa cao, nhất là việc kê khai tài sản, thu nhập nặng về hình thức (10 năm mới xử lý kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực). Số người đứng đầu bị xử lý còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý. Một số vụ án lớn chưa quy trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu (10 năm qua xử lý hình sự 118 trường hợp; xử lý kỷ luật 800 trường hợp). Quy định về nộp lại quà tặng còn hình thức, thiếu khả thi. 

Pháp luật về phòng, chống tham nhũng còn mang tính hình thức 

Cũng theo báo cáo, qua 10 năm, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCTN đã hình thành và ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế, yếu kém. Một số quy định pháp luật về PCTN mang tính hình thức, thiếu tính khả thi.

Hội nghị nhất trí việc sửa đổi Luật PCTN là rất quan trọng trong tình hình hiện nay nhằm tạo cơ chế phòng ngừa tham nhũng toàn diện sâu rộng, góp phần xây dựng cơ chế quản lý nhà nước, quản lý xã hội công khai, minh bạch, “không thể tham nhũng”.

Trên cơ sở đó, Luật PCTN (sửa đổi) cần tiếp tục hoàn thiện các chế tài về chính trị, hành chính, kinh tế, cùng với các chế tài về hình sự để có khung pháp lý tổng thể ngăn chặn, răn đe và trừng phạt tham nhũng. 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thừa nhận, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...

“Tham nhũng đang trở thành một trong những nguy cơ chính đe dọa sự ổn định chính trị, sự tồn vong của Đảng, của chế độ, trật tự và an toàn xã hội, xói mòn các thể chế, các giá trị dân chủ, các giá trị đạo đức, công lý trong xã hội và cản trở đến việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng đề nghị thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá và đẩy nhanh việc xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm khắc phục những sơ hở trong quản lý kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng như quản lý tài nguyên, khoáng sản; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; quản lý thị trường tài chính, ngân hàng; cấp phép đầu tư; đầu tư xây dựng cơ bản; giáo dục, y tế...

Các cơ quan thẩm quyền khẩn trương rà soát, nghiên cứu xây dựng hệ thống pháp luật về PCTN và các văn bản có liên quan theo hướng đồng bộ, có chế tài nghiêm khắc để thực sự là công cụ hữu hiệu trong việc thực hiện PCTN; tạo ra khuôn khổ pháp lý ngày càng hoàn thiện hơn, góp phần tích cực vào việc PCTN. 

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ban soạn thảo Luật PCTN (sửa đổi) nghiên cứu các nội dung hạn chế, vướng mắc về thể chế, chính sách đã được rút ra qua tổng kết và những phương án đề xuất, kiến nghị nêu trong báo cáo tổng kết để chọn lọc, tiếp thu và đưa vào Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi). 

Trong 10 năm qua, Cơ quan điều tra các cấp đã thụ lý 4.548 vụ việc có liên quan đến tham nhũng, khởi tố điều tra: 2.896 vụ án/7.136 bị can tham nhũng, đã kết luận điều tra đề nghị truy tố: 2.487 vụ/ 5.965 bị can.

Đọc thêm