Tham nhũng đang làm méo mó hoạt động tố tụng

(PLO) - Trên thực tế, hiện tượng tiêu cực trong hành nghề luật sư (LS) thể hiện dưới nhiều hình thức, từ vi phạm đạo đức nghề nghiệp đến vi phạm pháp luật hình sự, tiếp tay cho tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Từ giữa năm 2009 đến hết năm 2013, Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLSVN) đã nhận được 277 trường hợp khiếu nại, tố cáo đối với LS nhưng chưa có trường hợp khiếu nại, tố cáo nào đủ cơ sở, chứng cứ để chuyển sang xử lý hình sự nên các Đoàn LS chỉ có thể xử lý kỷ luật các LS vi phạm các qui tắc về đạo đức nghề nghiệp bằng các hình thức khác nhau, trong đó xóa tên khỏi danh sách 20 LS. Nhiều trường hợp tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp chỉ “có thể suy đoán có liên quan đến vai trò của LS”. 
Đánh giá về thực trạng này LS Trương Trọng Nghĩa - Phó Chủ tịch LĐLSVN đã cho rằng: “Tham nhũng đang làm méo mó hoạt động tố tụng, từ điều tra, kiểm sát, xét xử đến cả thi hành án, làm nhiều vụ án bị ách tắc kéo dài, không thể giải quyết dứt điểm. Nhiều vụ tiêu cực có liên quan đến LS nhưng chúng tôi không có chứng cứ để xử lý. Thực tế, đa số các LS muốn dùng công sức, khả năng nghề nghiệp chứ không muốn thắng kiện bằng “lo lót”, “chung chi”. Không xử lý được tiêu cực trong hoạt động tư pháp sẽ làm mất niềm tin của người dân vào hệ thống cơ quan tư pháp và công lý”. LĐLSVN đang hoàn thiện đề án “Phòng chống tiêu cực trong hoạt động hành nghề LS”. 
Từ “bồi dưỡng” đến tiếp tay cho tham nhũng, rửa tiền
Theo Dự thảo Đề án, LĐLSVN cho rằng, ở cấp độ thấp, hành vi tiêu cực thể hiện ở việc vi phạm pháp luật, vi phạm Qui tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS trong hành nghề. 
Đó là hành vi đưa tiền, tài sản khác có giá trị nhỏ để “bồi dưỡng” cho cán bộ trong cơ quan tiến hành tố tụng hoặc các cơ quan nhà nước khác để họ “giúp” LS, khách hàng của LS; câu kết với người tiến hành tố tụng để lôi kéo họ vào những việc làm trái pháp luật trong giải quyết vụ việc nhằm mang lại lợi ích cho LS, khách hàng của LS; móc nối với cán bộ, nhân viên cơ quan tiến hành tố tụng hoặc các cơ quan nhà nước khác để những người nào “giới thiệu” theo hướng áp đặt các đương sự phải sử dụng dịch vụ pháp lý của LS; thỏa hiệp với tiêu cực, chấp nhận, đáp ứng sự đòi hỏi, nhũng nhiễu của cán bộ nhà nước…
Ở cấp độ cao hơn, tiêu cực trong hành nghề LS thể hiện ở hành vi “tiếp tay” cho hành vi tham nhũng, rửa tiền với biểu hiện cụ thể là hối lộ, môi giới hối lộ hoặc hành vi khác nhằm giúp sức cho tội phạm tham nhũng, tiếp tay cho các thế lực xấu thực hiện việc rửa tiền, giấu nguồn gốc của đồng tiền bất hợp pháp. Qua nghiên cứu các đơn thư khiếu nại, tố cáo, có thể thấy trong một số trường hợp có biểu hiện LS nhận tiền của khách hàng để “chạy án” hoặc hối lộ trong các vụ việc.
Theo LĐLSVN, các tiêu cực trong hoạt động LS là “hiện tượng cá biệt của một số ít LS, mức độ hạn chế, thực tế ít có trường hợp nào gây ra tác hại lớn cho xã hội”, song đã gióng lên hồi chuông báo động, đặt ra trách nhiệm chống và phòng ngừa tiêu cực trong LS. 
Mặc khác, do LS là những người có trình độ hiểu biết pháp luật nên không loại trừ trường hợp nhiều hành vi tiêu cực chưa bị phát hiện, còn ở dạng “tội phạm ẩn” cần được LĐLS cùng các cơ quan tư pháp kịp thời có giải pháp ngăn chặn, xử lý để bảo vệ danh tiếng, uy tín của nghề LS, hạn chế tối đa các vi phạm để xã hội tin tưởng vào giới LS, thúc đẩy sự phát triển của nghề LS và hệ thống các cơ quan tư pháp.
Nhiều “đất” để LS “vướng” tiêu cực
Chỉ ra nguyên nhân chủ yếu của tiêu cực, LĐLSVN cho rằng, môi trường hành nghề của LS có nhiều điều kiện để phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Trong đó phải kể đến là hệ thống pháp luật của nước ta còn đang trong quá trình hoàn thiện, chưa chặt chẽ, mối liên hệ chặt chẽ giữa LS với hoạt động của các cơ quan nhà nước, một bộ phận không nhỏ cán bộ nhà nước tha hóa, biến chất. 
Và quan trọng nhất là “chưa có cơ chế hữu hiệu để phòng ngừa tiêu cực trong hành nghề LS” nên nhiều trường hợp tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp chỉ “có thể suy đoán có liên quan đến vai trò của LS” chứ không thể xử lý. Hiện LĐLS và các Đoàn LS chỉ xử lý những vụ việc được phát hiện, chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tiêu cực từ khi manh nha hoặc triệt tiêu các điều kiện phát sinh tiêu cực trong hoạt động LS.
Theo LĐLSVN, muốn phòng chống tiêu cực trong hoạt động LS một cách hiệu quả thì phải tập trung vào “triệt tiêu” các điều kiện phát sinh tiêu cực. Trong đó, các giải pháp được LĐLSVN lựa chọn trong Dự thảo Đề án là đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của LS, xây dựng cơ chế giám sát hiệu quả đối với hoạt động hành nghề. 
LS Đỗ Ngọc Thịnh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký LĐLS VN cho rằng:  Quan hệ hành chính đang đan xen vào quan hệ tố tụng, nhiều vụ án vẫn phải “thỉnh thị án” làm cho tính độc lập của thẩm phán bị hạn chế, ảnh hưởng, nếu không muốn nói là “vô hiệu hóa”. Nếu không được khắc phục thì không thể xây dựng được mô hình tranh tụng, ảnh hưởng đến uy tín hành nghề LS vì khách hàng khó tin vào LS trong bảo vệ công lý. Đồng thời cũng khiến tình trạng LS chạy án vẫn còn nhưng để hạn chế hay “túm” được là khó khăn nên cần giải quyết bằng giáo dục chính trị, tư tưởng cho các LS.
LĐLSVN cho rằng, tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi LS, đấu tranh với các hành vi cục bộ, tiêu cực, nhũng nhiễu để bảo vệ quyền hành nghề của LS cũng là một giải pháp để hạn chế tiêu cực trong hoạt động LS xuất phát từ thực tế “việc các cơ quan tố tụng làm khó LS là thường xuyên”.
Đề án “Phòng, chống tiêu cực trong hoạt động hành nghề LS” hiện đang được LĐLSVN tích cực chỉnh lý trên cơ sở ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.
Trưởng ban Nội chính Trung ương  Nguyễn Bá Thanh: 
Phải phá, chặt, hạn chế các đường dây chạy án, ngăn chặn tình trạng “chung chi”
Phần lớn các vụ “chạy án” quan hệ đến LS thì làm sao xử, nên LĐLSVN phải kiến nghị được những giải pháp cụ thể để phá, chặt, hạn chế các đường dây chạy án, ngăn chặn tình trạng “chung chi” giữa LS với cán bộ các cơ quan tố tụng, không để tham nhũng làm méo mó hoạt động tố tụng như nhận định của giới LS. Nhưng cần nghiên cứu kỹ “mặt phải, mặt trái” để kiến nghị với các cơ quan chức năng để vừa giải quyết các vướng mắc trong hoạt động LS vừa góp phần cho phòng chống tiêu cực trong hoạt động LS.

Đọc thêm