Tham nhũng ngoài nhà nước cũng được điều chỉnh bằng Luật

(PLO) - Việc mở rộng đối tượng điều chỉnh của Luật Phòng, chống tham nhũng đã được Chính phủ trình bày trong phiên họp hôm nay. Thẩm tra Dự án luật, UBTP Quốc hội cũng đồng tình với phương án mở rộng việc áp dụng Luật phòng chống tham nhũng đối với các tổ chức xã hội và doanh nghiệp ngoài nhà nước.      
Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Tờ trình Dự án sửa đổi bổ sung Luật phòng chống tham nhũng
Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Tờ trình Dự án sửa đổi bổ sung Luật phòng chống tham nhũng

Trình bày Tờ trình Dự án Luật Phòng chống tham nhũng, Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, sau 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Luật Phòng, chống tham nhũng đã từng bước giúp tạo ra môi trường thể chế ngày càng công khai, minh bạch; từng bước tăng cường sự tham gia của người dân vào công tác phòng, chống tham nhũng; cơ chế kiểm soát đối với cán bộ, công chức, viên chức và chế độ công vụ cũng ngày càng được cải thiện; việc xử lý người có hành vi tham nhũng và tài sản tham nhũng cũng được chú trọng và nâng cao hiệu quả; bộ máy cơ quan phòng, chống tham nhũng bước đầu được củng cố, kiện toàn.

Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp, gây tâm lý bức xúc và hoài nghi trong xã hội về quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta. 

Tình hình đó đặt ra yêu cầu phải sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng 2005 để phù hợp với sự phát triển về kinh tế xã hội và đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan. 

Theo đó, Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi được bố cục gồm 11 Chương với 129 điều. Dự thảo tiếp tục kế thừa Luật hiện hành khi quy định: “Luật này quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý người có hành vi tham nhũng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong phòng, chống tham nhũng”. 

Điểm mới của Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng là tại Chương VII (về vai trò và trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng) và Chương VIII (về phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kinh doanh) dự thảo Luật đã quy định theo hướng mở rộng việc áp dụng Luật phòng chống tham nhũng đối với các tổ chức xã hội và doanh nghiệp ngoài nhà nước. 

Đồng thời, Dự thảo Luật cũng được chỉnh lý để làm rõ nguyên tắc sau: căn cứ vào các luật có liên quan về tổ chức và hoạt động của mình (Luật Doanh nghiệp, Luật các tổ chức tín dụng và các đạo luật chuyên ngành khác), Nhà nước bắt buộc nhóm chủ thể này tự quy định và tự tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống tham nhũng cho phù hợp, các cơ quan quản lý nhà nước chỉ tiến hành thanh tra, kiểm tra việc áp dụng các quy định của Luật khi có căn cứ theo quy định của pháp luật.

Cho ý kiến về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng chống tham nhũng đến các đối tượng ngoài nhà nước, trong Báo cáo thẩm tra dự thảo luật, Ủy ban Tư pháp Quốc hội nêu rõ: Chính phủ đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng: áp dụng các quy định của Luật phòng, chống tham nhũng đối với khu vực ngoài nhà nước, trước mắt tập trung vào các loại hình công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư (gọi chung là doanh nghiệp); các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức từ thiện và các tổ chức xã hội khác có tư cách pháp nhân, không sử dụng ngân sách nhà nước do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ, thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện (gọi chung là các tổ chức xã hội). 

Về vấn đề này, Uỷ ban Tư pháp tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật và cho rằng, trên thực tế tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang xuất hiện ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh. 

Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước như dự án Luật cũng phù hợp với quan điểm của Đảng tại Kết luận 10-KL/TW là “từng bước mở rộng hoạt động phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước”.

Một vấn đề khác trong Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng  liên quan đến việc kê khai tài sản, cũng còn đang có nhiều ý kiến khác nhau.

Theo Dự thảo, Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án: Phương án 1: mở rộng phạm vi người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đối với tất cả công chức khi được bổ nhiệm vào ngạch (bao gồm cả công chức xã, phường, thị trấn). Phương án 2: thu hẹp phạm vi người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập chỉ áp dụng với đối tượng có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên ở trung ương, từ 0,9 trở lên ở địa phương và một số đối tượng có hệ số phụ cấp chức vụ dưới 0,7 trong một số lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao.

Uỷ ban Tư pháp chưa đồng tình với phương án 1 vì  theo quy định hiện hành thì đối tượng phải kê khai được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,2 trở lên và việc kê khai được thực hiện hàng năm; tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, việc kê khai tài sản, thu nhập thời gian qua còn hình thức, hiệu quả thấp, chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do số người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập quá lớn vượt quá khả năng của các cơ quan có trách nhiệm kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập.

Trường hợp thu hẹp đối tượng kê khai như đề xuất tại phương án 2 của dự thảo Luật thì cần làm rõ lý do để phân biệt việc lựa chọn người có nghĩa vụ kê khai ở trung ương thì có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên nhưng ở địa phương lại quy định từ 0,9 trở lên.

Uỷ ban Tư pháp cho rằng, trước mắt nên giữ nguyên đối tượng kê khai tài sản, thu nhập hoặc thu hẹp ở mức độ hợp lý, tập trung vào các đối tượng giữ vị trí quan trọng ở trung ương, địa phương, những khu vực nguy cơ tham nhũng cao để bảo đảm tập trung nguồn lực tiến hành kiểm soát có hiệu quả hơn, tránh hình thức như thời gian vừa qua.

Đọc thêm