Thẳng thắn và xác đáng

(PLO) - Tại Kỳ họp lần thứ 11- kỳ họp cuối cùng - của Quốc hội (QH) khóa XIII diễn ra trong các ngày 28 và 29 tháng 3, các đại biểu (ĐB) đã góp ý, thảo luận về các bản báo cáo công tác nhiệm kỳ của QH, Chính phủ (CP), Thủ tướng CP, Chủ tịch nước, TANDTC và VKSNDTC. Một không khí rất sôi nổi, hào hứng, nêu cao tinh thần trách nhiệm đã bao phủ khắp nghị trường.
Thẳng thắn và xác đáng

Các ý kiến phát biểu đều ghi nhận những cố gắng vượt bậc và nhiều thành tựu lớn của QH, người đứng đầu Nhà nước và CP, nhất là trong bối cảnh Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong 5 năm qua.

Phần sôi nổi nhất được cử tri cả nước theo dõi chăm chú là những phê bình, góp ý khá thẳng thắn và xác đáng của nhiều ĐB xoay quanh những vấn đề nổi cộm vẫn đang tồn tại là nợ công còn cao, bội chi ngân sách, đầu tư còn dàn trải gây kém hiệu quả, nền hành chính công còn nhiều hạn chế, biên chế phình to, hiệu quả công việc trong nhiều cơ quan nhà nước còn thấp.

Rồi những vấn đề thiết thân với cuộc sống của người dân cũng được nhiều ĐB mổ xẻ như sự bất an đã đến mức báo động đỏ về an toàn thực phẩm, về tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, tội phạm không giảm…

Và trầm trọng nhất, nhức nhối nhất vẫn là nạn tham nhũng, lãng phí, sự tác oai tác quái của những nhóm lợi ích. Chính tệ nạn này đã là yếu tố khiến pháp luật bị vô hiệu, người dân mất lòng tin ở cơ quan công quyền dẫn đến xã hội không còn kỷ cương, cái xấu có cơ hội hoành hành, lấn át cái tốt, người lương thiện sợ kẻ gian tà. 

Có những ý kiến khá thẳng thắn, không né tránh. Có ĐB nói đại ý lâu nay chúng ta cứ nói là có nhiều nhóm lợi ích. Vậy nhóm đó đâu, gồm những ai, do ai đứng đầu, hoạt động như thế nào, vi phạm pháp luật ra sao? Chắc chắn những cơ quan bảo vệ pháp luật phải biết rõ. Sao không vạch ra? Cứ nói đi nói lại một cách chung chung như vậy thì chẳng có tác dụng gì. Và nạn tham nhũng, nạn vi phạm pháp luật cũng sẽ không bao giờ được đẩy lùi.

Có ĐB nói: “Cử tri nghe nhiều quá rồi, từ bao nhiêu năm nay rồi. Nói mà không hành động để khắc phục thì tốt nhất là đừng nói nữa”.

Không ít ĐB nhấn mạnh lại chức năng, vai trò của QH là lập pháp và giám sát việc thi hành luật của những cơ quan hành pháp. Nhưng không chỉ giám sát mà phải có cách làm sao để chặn đứng việc vi phạm pháp luật, việc đi ngược lại những điều luật QH đã thông qua.

Nước ta chưa có Tòa án Hiến pháp nên một khi Hiến pháp, pháp luật bị vi phạm thì đã lúng túng trong việc xử lý để khắc phục. Một trong những biểu hiện của sự vi hiến nghiêm trọng là một điều khoản trong Luật Đất đai cho phép thu hồi đất của dân.

Trong khi Hiến pháp quy định rõ chỉ thu hồi đất bởi lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia. Khi ấy, Nhà nước sẽ trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường theo thời giá thị trường. Nhưng lâu nay, ta thấy chỉ cần có một dự án đầu tư nào đó để xây siêu thị, trung tâm thương mại, khu vui chơi hoặc nghỉ dưỡng… là lấy đất của dân, nhưng lại đền bù không thỏa đáng, không theo giá thị trường nên mới khiến họ bất bình, dẫn đến những khiếu kiện kéo dài, có vụ tới hàng chục năm chưa được giải quyết dứt điểm.

Một biểu hiện ban hành luật đi ngược lại Hiến pháp khác là Thông tư 01-2006 của Bộ Công an quy định từ ngày 15/2/2016, lực lượng CSGT được trưng dụng các loại phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc hay các phương tiện kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển phương tiện. Thông tư này đã vi phạm một điều khoản của Hiến pháp quy định quyền bất khả xâm phạm về thư tín của công dân.

Tất cả đang kỳ vọng vào nhiệm kỳ tới, các cơ quan cao nhất của nước ta sẽ từ sự góp ý thẳng thắn, xác đáng của các ĐBQH thay mặt cho cử tri cả nước mà đưa ra được những quyết sách chính xác, tối ưu nhất để phát huy mọi thế mạnh cùng sự khắc phục những yếu kém nhằm thúc đẩy nhanh quá trình đổi mới của đất nước, đạt được nhiều thành tựu lớn như mong muốn.

Đọc thêm