Thành lập đơn vị hành chính cấp xã, phường: Phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

(PLVN) -Khi tiến hành thành lập các đơn vị hành chính cấp xã, phường, các tỉnh cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; có kế hoạch bố trí công an chính quy, trụ sở làm việc riêng và bố trí, giải quyết chế độ chính sách đối với công an xã sau khi thành lập các phường…
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Sáng nay (9/12), tại Hà Nội, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị thẩm định Đề án thành lập 4 phường thuộc thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương; Đề án thành lập thị xã Trảng Bàng và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã để thành lập các phường, xã thuộc thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh; Đề án thành lập thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì Hội nghị.

Phát biểu thẩm định Đề án, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Nguyễn Văn Đức cho rằng, hồ sơ, Đề án đã được các tỉnh thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục; đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn, điều kiện được pháp luật quy định; phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương…

Tuy nhiên, trong hồ sơ, Đề án cần thống nhất về đơn vị diện tích (km2 hay ha), thống nhất đơn vị về dân số (người hay nhân khẩu).

Ngoài ra, làm rõ lịch sử hình thành các xã được nâng cấp thành lập phường. Rà soát tính chính xác, thống nhất các số liệu về diện tích tự nhiên, số liệu dân số, các tiêu chí kinh tế - xã hội…, đảm bảo các số liệu phải được cập nhật và do cơ quan có thẩm quyền cung cấp.

Bên cạnh đó, thành viên Hội đồng cũng đề nghị các tỉnh có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; có kế hoạch bố trí công an chính quy, trụ sở làm việc riêng và bố trí, giải quyết chế độ chính sách đối với công an xã sau khi thành lập các phường…

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu kết luận.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu kết luận. 

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đề nghị UBND các tỉnh rà soát lại các số liệu đảm bảo thống nhất, chính xác do các cơ quan có thẩm quyền cung cấp. 

Đồng thời, tiếp thu ý kiến của thành viên Hội đồng, phối hợp với Vụ Chính quyền địa phương hoàn thiện hồ sơ, Đề án để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Tại hội nghị, Hội đồng thẩm định đã thống nhất thông qua Đề án của tỉnh Bình Dương, Tây Ninh và Hậu Giang.

  Theo Đề án của tỉnh Bình Dương, thị xã Tân Uyên có 12 đơn vị hành chính cấp xã (6 phường và 6 xã). Việc thành lập 4 phường trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 4 xã phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính, đảm bảo hiệu lực, hiệu quản quản lý nhà nước và đảm bảo an ninh, quốc phòng… 

Như vậy, sau khi thành lập 4 phường, thị xã Tân Uyên không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và số lượng đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm có 10 phường và 2 xã.

Theo Đề án của tỉnh Tây Ninh, thành lập thị xã Trảng Bàng thuộc tỉnh Tây Ninh trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số và 11 đơn vị hành chính cấp xã của huyện Trảng Bàng. 

Sau khi thành lập thị xã Trảng Bàng và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã để thành lập các phường, xã thuộc thị xã Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng có 10 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 6 phường và 4 xã (giảm 1 xã).

Đối với Đề án của tỉnh Hậu Giang, tỉnh đề xuất thành lập phường Hiệp Lợi trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng về địa giới hành chính của xã Hiệp Lợi và thành lập thành phố Ngã Bảy trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng về địa giới hành chính của thị xã Ngã Bảy.

Thị xã Ngã Bảy hiện có 6 đơn vị hành chính cấp xã (3 phường và 3 xã); sau khi thành lập phường Hiệp Lợi thì thị xã Ngã Bảy sẽ có 4 phường và 2 xã. 

Đọc thêm