Thành lập TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh: Thí điểm hay thực hiện ngay?

(PLVN) - Đó là băn khoăn của các đại biểu tại Hội nghị góp ý Đề án tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh và Đề án thành lập TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh, diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội.
Thủ Đức hứa hẹn sẽ trở thành TP triển vọng trong tương lai.
Thủ Đức hứa hẹn sẽ trở thành TP triển vọng trong tương lai.

Giải quyết các vấn đề lớn của đô thị đặc biệt

Cho biết đây là hội nghị góp ý đầu tiên nhằm xin ý kiến của các đại biểu về chủ trương, định hướng, cách làm và tạo sự đồng thuận của các cơ quan Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, TP Hồ Chí Minh đã có kinh nghiệm trong việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trong vòng 7 năm. Bên cạnh đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội và TP Đà Nẵng, đây cũng là cơ sở thuận lợi cho TP Hồ Chí Minh học hỏi kinh nghiệm trong việc xây dựng, trình, phê duyệt các Đề án.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong thông tin, TP có khoảng trên 9 triệu dân sinh sống, học tập và làm việc, với quy mô kinh tế và cường độ hoạt động kinh tế lớn nhất cả nước, yêu cầu đặt ra là các quyết định quản lý hành chính của chính quyền TP phải được triển khai đến chính quyền cơ sở, đến người dân, doanh nghiệp nhanh và chính xác; được thi hành kịp thời, đồng bộ, hạn chế việc các cấp trung gian diễn đạt và hướng dẫn lại.  

Để đáp ứng đòi hỏi bộ máy quản lý của chính quyền đô thị, phù hợp với đặc thù đô thị, TP Hồ Chí Minh xây dựng Đề án tổ chức mô hình chính quyền đô thị nhằm giải quyết các vấn đề lớn của đô thị đặc biệt, phát huy tốt nhất vai trò, vị trí của TP đối với vùng và cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới. Đồng thời, đóng góp kinh nghiệm thực tiễn cho quá trình đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền đô thị.

Bên cạnh đó, việc thành lập TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh trên cơ sở sắp xếp Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức để hình thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao của TP nhằm giúp nơi đây thành “hạt nhân”, một cực tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế TP Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phát triển mạnh mẽ.

Sau khi thành lập TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh sẽ không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, chỉ thay đổi về cơ cấu, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện: giảm 3 quận (Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức), tăng 1 Thành phố (TP Thủ Đức với quy mô diện tích hơn 211 km², dân số trên 1 triệu người).

Đây là mô hình chính quyền cấp huyện gồm có HĐND và UBND TP Thủ Đức; mô hình tổ chức chính quyền phường của TP Thủ Đức không tổ chức HĐND phường, chỉ có UBND phường là cơ quan hành chính làm việc theo chế độ thủ trưởng.

Cần bổ sung đánh giá tác động

Thảo luận, góp ý tại hội nghị, các đại biểu bày tỏ quan điểm thống nhất cao việc thực hiện hai đề án của TP Hồ Chí Minh, đồng thời cho rằng, việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh và thành lập TP Thủ Đức phù hợp với các văn bản của pháp luật. Tuy nhiên, các đại biểu còn băn khoăn vấn đề có nên thực hiện ngay việc tổ chức chính quyền đô thị hay phải thí điểm như của TP Hà Nội và TP Đà Nẵng đang thực hiện.

Ngoài ra, việc TP Hồ Chí Minh đề xuất cơ cấu tổ chức của HĐND TP là 105 đại biểu, trong khi đó pháp luật quy định tối đa là 95 đại biểu, như vậy chưa đúng quy định của pháp luật. Do đó, đề nghị TP Hồ Chí Minh đổi tên Đề án là “Đề án thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh”, vì theo nguyên tắc cái gì chưa rõ, phức tạp và chưa có tiền lệ thì cần thực hiện thí điểm.

Đối với việc không tổ chức HĐND cấp huyện, cấp xã thì chức năng của các cấp chính quyền sẽ có sự thay đổi. Bởi vậy TP Hồ Chí Minh cần đề xuất thêm một số giải pháp như tăng số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND TP, tăng thời gian làm việc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, giải quyết công việc…

Về Đề án thành lập TP Thủ Đức, các tiêu chuẩn đều đạt và vượt quy định, tuy nhiên tiêu chuẩn phân loại đô thị chưa được đề cập trong Đề án, do đó, các đại biểu đề nghị TP Hồ Chí Minh bổ sung nội dung này. Đối với công tác sắp xếp tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức, đây là mô hình mới và chưa có tiền lệ, vì thế TP Hồ Chí Minh cần căn cứ vào Luật Tổ chức chính quyền địa phương để xây dựng cơ cấu tổ chức và bố trí cán bộ, công chức phù hợp; bổ sung phương án sắp xếp đối với cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp các đơn vị hành chính.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại hội nghị. 

Tổng kết hội nghị, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều cải tiến, đổi mới về cách thức làm việc, cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và luôn là đầu tàu kinh tế của đất nước. Đối với Đề án thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh cần bổ sung thời gian thí điểm trong Đề án. Trường hợp giữ nguyên tên “Đề án tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh” thì phải báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với Đề án thành lập TP Thủ Đức cần xây dựng theo tinh thần Nghị quyết số 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021; bổ sung đánh giá tác động; bổ sung phương án tổ chức, sắp xếp bộ máy các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức... 

Đọc thêm