Tháo gỡ vướng mắc trong giám định tư pháp

(PLVN) - Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, chiều 19/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (dự án Luật).
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình.

Gỡ khó cho công tác giám định tư pháp 

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp năm 2012 là nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế về giám định tư pháp, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN); nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám định tư pháp, bảo đảm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng nói chung và trong giải quyết án tham nhũng, kinh tế nói riêng.

Quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật là tập trung sửa đổi, bổ sung nhanh chóng, kịp thời những vấn đề mang tính cấp bách, cần thiết nhất để tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, khắc phục ngay những tồn tại, khó khăn trong công tác giám định tư pháp phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, để khắc phục tình trạng lạm dụng giám định tư pháp gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố và xét xử, dự thảo Luật bổ sung quy định, ngoài những trường hợp bắt buộc trưng cầu giám định theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, khi cần có đánh giá, kết luận của tổ chức, người giám định tư pháp về chuyên môn đối với những vấn đề có liên quan trong vụ án, vụ việc để chứng minh hành vi phạm tội, thiệt hại, hậu quả của hành vi phạm tội thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định; trong trường hợp đã có chứng cứ, tài liệu xác định được nội dung cần chứng minh theo quy định của pháp luật tố tụng thì không tiến hành trưng cầu giám định tư pháp.

Cũng theo dự thảo Luật, trường hợp nội dung trưng cầu giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực, thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức thì người trưng cầu giám định phải xác định nội dung, lĩnh vực chính cần giám định và cơ quan, tổ chức chủ trì, cơ quan, tổ chức phối hợp tiếp nhận trưng cầu, thực hiện giám định.

Ngoài ra, để khắc phục tình trạng cơ quan tố tụng các cấp hiện nay chỉ tập trung trưng cầu một số bộ, cơ quan ngang bộ ở trung ương mà ít trưng cầu cơ quan, tổ chức ở địa phương, gây quá tải cho các cơ quan trung ương, trong khi hệ thống tổ chức giám định ở địa phương đã được thành lập và đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất, đủ điều kiện để thực hiện giám định, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 25 có tính chất “phân tuyến” việc trưng cầu và thực hiện giám định.

Theo đó, đối với giám định lần đầu, người trưng cầu giám định ở cấp huyện, cấp tỉnh trưng cầu cá nhân, tổ chức giám định trên địa bàn cấp tỉnh thực hiện giám định. 

Trường hợp nội dung cần giám định lần đầu vượt quá năng lực, điều kiện giám định của cá nhân, tổ chức giám định ở địa phương thì người trưng cầu giám định trưng cầu cá nhân, tổ chức giám định ở địa phương khác có đủ điều kiện hoặc trưng cầu cá nhân, tổ chức giám định ở cấp trung ương thực hiện giám định…

“Quy định như vậy là phù hợp với thực tiễn, đồng thời vẫn bảo đảm nguyên tắc cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có quyền tự lựa chọn trưng cầu cơ quan, tổ chức thực hiện giám định theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự”, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh.

Cần thiết sửa đổi luật

Cho ý kiến tại phiên họp, ông Nguyễn Huy Tiến - Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao cho rằng, việc sửa đổi luật là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay bởi việc giải quyết các vụ án tham nhũng thời gian qua bị vướng do thời hạn bị chậm; vụ việc phải tạm đình chỉ, kéo dài cũng do vấn đề giám định tư pháp.

Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cũng cho rằng công tác giám định tư pháp ảnh hưởng nhiều đến quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án. Vì vậy, phải hoàn thiện cơ chế rõ ràng, cụ thể mới đảm bảo quá trình điều tra, truy tố, xét xử diễn ra nhanh chóng, không bị chậm trễ.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa, quy định về “phân tuyến” việc trưng cầu và thực hiện giám định là cần thiết vì số lượng cán bộ giám định hiện có hạn, tránh quá tải, dồn áp lực lên cơ quan ở trung ương.

Cho rằng có tình trạng trong giám định tâm thần người phạm tội chỉ cần bỏ ra vài triệu là có kết quả giám định bị tâm thần, không phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong đề nghị làm rõ các biện pháp, điều khoản để xử lý tình trạng này. Bên cạnh đó, Đại biểu Phong cũng đề nghị tính toán để sửa đổi toàn diện, quy định rõ về giám định trong các vụ án xâm hại tình dục, hướng xử lý khi có mâu thuẫn giữa các tổ chức giám định... 

Giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay, trong quá trình công tác vừa qua, đặc biệt là trong công cuộc đấu tranh PCTN và các vụ án kinh tế, chức vụ có xuất hiện một số vấn đề mà cùng với việc tổ chức thực hiện tốt hơn có thể xử lý được trong các quy định của pháp luật.

Cùng với kết luận chung về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung có liên quan trực tiếp thì Ban chỉ đạo cũng đã chỉ ra rất cụ thể các nội dung để thực hiện sửa đổi, bổ sung. Các nội dung sửa đổi, bổ sung đã căn cứ đúng chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN. 

Đọc thêm