Thầy giáo “hai giỏi”

(PLO) - Chất giọng mạnh mẽ, quyết đoán của “dân chiến thuật”, khả năng sư phạm lôi cuốn người học, kỹ năng làm chủ các trang thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) như mô hình sa bàn có điều khiển, trình chiếu powerpoint sử dụng hiệu ứng 3D, âm thanh sống động theo từng giai đoạn của trận đánh… là những ấn tượng khó quên của tôi khi được chứng kiến Thượng úy Lê Thanh Tuệ, giáo viên Tổ Chiến thuật, Khoa Giáo viên (Trường Quân sự tỉnh Nghệ An giảng bài). 
Thượng úy Lê Thanh Tuệ trong giờ giảng
Thượng úy Lê Thanh Tuệ trong giờ giảng

Giờ lên lớp của thầy Tuệ, cả hội trường chăm chú lắng nghe. Cuối buổi học, nhiều học viên đã nắm được nội dung xung phong phát biểu ý kiến trả lời các câu hỏi mà thầy giáo đặt ra. Giờ giải lao, trò chuyện với các học viên, tôi đều nghe họ nói về Thượng úy Lê Thanh Tuệ là “Người thầy giáo hai giỏi: Giỏi chiến thuật và giỏi tin học”.

Trưởng thành từ cán bộ trung đội, đại đội bộ binh thuộc Quân đoàn 2, cuối năm 2014, Thượng úy Lê Thanh Tuệ về nhận công tác tại Trường Quân sự tỉnh Nghệ An. Trên cương vị mới là giáo viên Tổ Chiến thuật, với rất nhiều bỡ ngỡ khi lần đầu đứng trên bục giảng nhưng bằng ý chí, quyết tâm cao, anh tranh thủ mọi thời gian, học hỏi những đồng nghiệp đi trước, tìm hiểu kỹ đối tượng giảng dạy, dồn tâm sức nghiên cứu tài liệu, kinh nghiệm, các trận đánh tiêu biểu, cập nhật thông tin thời sự nhằm tăng sức hấp dẫn cho các bài giảng. Để học viên dễ tiếp thu, dễ nhớ anh luôn trăn trở, tìm tòi các phương pháp lên lớp mới giúp người học tiếp thu nội dung một cách hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, Chiến thuật là môn học tổng hợp, trừu tượng. Trong khi đó, trình độ các đối tượng đào tạo không đồng đều nên để chuyển tải nội dung một cách logic, trực quan, dễ hiểu, dễ nhớ, giúp người học mở rộng ý tưởng, đào sâu suy nghĩ thì phải thay đổi phương pháp dạy bằng ứng dụng trình chiếu có hiệu ứng từ hình ảnh động để học viên dễ hình dung. Nghĩ là làm, anh quyết tâm nâng cao trình độ tin học bằng cách đăng ký học thêm lớp tin học vào ban đêm kết hợp tự nghiên cứu thêm ngoài giờ đứng lớp.

Cũng từ đây, các bài giáo án điện tử: “Trung đội dân quân trong chiến đấu”, “Đại đội bộ binh tiến công, phòng ngự”… do anh biên soạn lần lượt ra đời, kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ dạy và học. Thượng úy Lê Thanh Tuệ trở thành “đầu tàu” trong ứng dụng CNTT vào giảng dạy. Tấm gương tự học, tự nghiên cứu của anh được nhân rộng, lan tỏa đến các đồng nghiệp thông qua những buổi trao đổi, hướng dẫn kinh nghiệm học tin học, sử dụng phương tiện trình chiếu của khoa.

Chưa dừng lại ở đó, anh còn dày công nghiên cứu, sáng kiến, cải tiến nhiều trang thiết bị huấn luyện nhằm nâng cao chất lượng dạy và học như: Mìn báo tín hiệu trong huấn luyện, mỏ quay tự động, mô hình kiểm tra thăng bằng súng, thước kiểm tra súng cối 60…

Nhận xét về thầy giáo Lê Thanh Tuệ, Thượng tá Trần Văn Sơn - Chính ủy Nhà trường - cho biết: “Với sự nỗ lực không ngừng, cống hiến bằng nhiều việc làm thiết thực, năm 2015, đồng chí Tuệ được Nhà trường tặng giấy khen, năm 2016 được đề nghị cấp trên xét tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; được Đảng ủy, Ban giám hiệu Nhà trường lựa chọn xây dựng điển hình tiên tiến 5 năm (giai đoạn 2016 – 2020)”.  

Đọc thêm