Thi thể nạn nhân bị bác sĩ ném xác đang ở đâu?

(PLO) - Thả lưới rà câu, lặn, đi tuần dọc tuyến để tìm kiếm, ngoại cảm... là những biện pháp đã được áp dụng để tìm kiếm thi thể nạn nhân chết vì thẩm mỹ nâng ngực, nhưng vẫn không có kết quả. Câu hỏi đặt ra lúc này là thi thể nạn nhân ở đâu?
 Thi thể nạn nhân bị bác sĩ ném xác đang ở đâu?
Nạn nhân có bị ném xuống nước hay không?
Ngày 25/10, đội lặn gồm 12 người của trường Trung cấp nghề Giao thông Vận tải Thăng Long đã làm việc cật lực từ sáng sớm đến khuya với hy vọng có thể lặn vớt được thi thể của chị Lê Thị Thanh Huyền, nạn nhân chết vì thẩm mỹ nâng ngực tại Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường (45 Giải Phóng, Hai Bà Trưng, Hà Nội). Sau một ngày thay nhau lặn, thậm chí làm cả theo chỉ dẫn của 4 nhà ngoại cảm do gia đình nhờ, nhưng thi thể nạn nhân Huyền vẫn là một ẩn số.
Chia sẻ với phóng viên, ông Doãn Quốc Hưng, đội trưởng đội lặn cho biết, đã có rất nhiều hy vọng tìm được vị trí của thi thể, mỗi lần như thế, toàn đội lặn lại nỗ lực để tìm, tuy nhiên... Lần khiến cả đội hy vọng nhất chính là nhờ vào những chỉ dẫn cuối ngày 25/10 của nhà ngoại cảm.
"Cả đội đã rất hy vọng khi nhà ngoại cảm thông qua gia đình đã chỉ dẫn đội đến vị trí phía ngoài trụ thứ hai và thứ ba phía bờ Nam cầu Thanh Trì. Chúng tôi đã tưởng đã hoàn thành nhiệm vụ được phân công khi nhà ngoại cảm không hề có mặt trên tàu nhưng đã chỉ rõ dấu hiệu nhận biết vị trí có thể có thi thể của nạn nhân như có một mảng bê tông bị vỡ khoảng 45 cm... Mặc dù thời tiết Hà Nội đang ở độ cuối thu, trời lạnh, chiều lại xuống rồi, nhưng 8 người trong đội đã thay nhau lặn xuống để mò thi thể nạn nhân. Rất tiếc là kết quả lại không được như mong đợi...", ông Hưng nói.
Anh Cường một người chuyên nghề sông nước, đã từng vớt được nhiều thi thể trôi trên sông Hồng đặt câu hỏi nếu Nguyễn Mạnh Tường chôn nạn nhân trên bờ rồi khai vứt xuống sông thì làm sao mò được!
Việc không tìm được thi thể chị Huyền sau một ngày dài vất vả không chỉ khiến gia đình nạn nhân thất vọng mà ngay cả những người trong đội lặn của trường Trung cấp nghề Giao thông Vận tải Thăng Long cũng vô cùng buồn bã. Tuy nhiên, ông Hưng khẳng định rằng, thi thể nạn nhân Huyền không có xung quanh khu vực cầu Thanh Trì và không hề bị vùi lấp trong cát. Về nghi vấn có thể nạn nhân không bị ném xuống đây? Ông Hưng cho rằng, cũng không biết được vì việc tìm kiếm tại vị trí này là do Nguyễn Mạnh Tường khai như thế. "Cũng có khả năng là không bị ném tại đây vì nhiều người cũng đặt ra câu hỏi tương tự như vậy. Nhưng, do Nguyễn Mạnh Tường khai tại cơ quan điều tra như vậy thì cũng chỉ biết thế thôi. Chúng tôi đã làm rất kỹ rồi", ông Hưng nói.
Không chỉ có ông Hưng khẳng định về việc không có xác ở khu vực cầu Thanh Trì bằng việc tìm kiếm trực tiếp mà những người dân chài sống lênh đênh trên sông, hành nghề sông nước và từng vớt được nhiều thi thể nạn nhân trôi trên sông Hồng cũng khẳng định không có xác nạn nhân trên sông. Anh Cường, 40 tuổi, chuyên sống bằng nghề sông nước cho biết, thông thường nếu người nhảy cầu tự tử thì sau ba ngày sẽ nổi, chị Huyền đã bị ném xuống sông gần 1 tuần mà không thấy tăm tích gì thì có thể đặt ra câu hỏi: "Ông ta (Nguyễn Mạnh Tường- PV) đem chôn người ta trên cầu, rồi ông bảo ông ném xuống nước thì chịu, tìm làm sao được!".
Cũng theo kinh nghiệm của anh Cường, người mới chết hay người vừa tự tử đều không trôi được. Trường hợp có trôi thì chỉ trôi 100m, nếu nhảy xuống. Nếu ném thẳng xuống thì người ta vẫn nằm đấy, đã từng nhìn thấy, có người nhảy xuống, 3 tiếng sau vẫn nằm im một chỗ. Nếu xác nạn nhân có trôi, vì từ đây về đến Nam Định người nhà và cơ quan chức năng đã rải tờ rơi rồi, nếu nổi thì không người này nhìn thấy sẽ có người kia nhìn thấy, vì ngày nào lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy cũng quần thảo mà không thấy gì. Anh Cường cũng cho rằng, việc mò lặn của gia đình chi là mò theo lời khai, chứ không có ai nhìn thấy thực tế có đúng Nguyễn Mạnh Tường làm như đã khai hay không.
Lời khai và thực nghiệm hiện trường có khớp nhau?
Ngay sau khi bắt giữ khẩn cấp Nguyễn Mạnh Tường và Đào Văn Khánh, căn cứ vào lời khai của hai đối tượng, cơ quan điều tra đã tổ chức thực nghiệm hiện trường. Vị trí mà Nguyễn Mạnh Tường chỉ đã vứt xác được cơ quan điều tra khẳng định là khớp với nhau. Cũng bởi sự khớp này mà cơ quan điều tra cùng người nhà của nạn nhân đã tổ chức mọi biện pháp để nhanh chóng tìm được xác nạn nhân.
Tuy nhiên, sau một tuần đầy nỗ lực mà cơ quan điều tra và gia đình nạn nhân chỉ nhận được sự vô vọng khi không tìm được một chút manh mối nào của nạn nhân. Lúc này, không thể loại trừ khả năng Nguyễn Mạnh Tường đã khai không chính xác về hành vi phi tang thi thể nạn nhân?
Ngoài ra, từ lời khai của Nguyễn Mạnh Tường áp dụng vào thực tế có nhiều điểm "khả nghi" như đối tượng đi lên cầu Vĩnh Tuy, vứt xe của nạn nhân ở Thạch Bàn rồi đi một đoạn đường rất xa nữa lên cầu Thanh Trì rồi mới phi tang thi thể. Câu hỏi đặt ra là liệu trong lúc "hoảng loạn và bối rối" như lời khai tại cơ quan điều tra, Nguyễn Mạnh Tường có "nhớ nhầm" chi tiết nào!?
Bên cạnh đó, có một chi tiết đáng lưu ý trong bản cung của đối tượng tại cơ quan điều tra là trước khi bê xác nạn nhân lên xe ô tô mang đi phi tang, Nguyễn Mạnh Tường đã gọi điện cho vợ thông báo về sự việc. Nếu đối tượng đủ bình tĩnh để gọi cho vợ và làm ngược lại với lời khuyên trình báo của vợ thì liệu đối tượng có cần đi vòng vèo rồi mới phi tang xác như vậy hay không?
Lúc này đây, điều mong mỏi nhất của cơ quan điều tra và gia đình nạn nhân chắc chắn là việc nhanh chóng tìm thấy thi thể của chị Huyền. Chính vì vậy, mọi giả thiết hoặc tình huống để có thể tìm ra chị cũng đều cần được đặt ra.

Đọc thêm