Thi tốt nghiệp THPT 2020: Mỗi thí sinh có mã đề riêng

(PLVN) - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết như vậy sáng nay - 28/4 khi thông tin thêm cho báo chí về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. 
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, thời gian qua, do dịch bệnh, học sinh(HS)  đã phải nghỉ 3 tháng. Với tinh thần, "không đến trường nhưng không dừng học", HS các cấp đã được tổ chức học trực tuyến và học trên truyền hình. 

Để phù hợp tình hình và phương thức dạy/học mới, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh thời gian kết thúc năm học vào ngày 15/7 và chuyển kỳ thi tốt nghiệp THPT sang tháng 8/2020.

Ngoài ra, năm nay, Bộ đã điều chỉnh Kỳ thi THPTQG (vừa tốt nghiệp, vừa xét tuyển sinh ĐH) thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT cho phù hợp điều kiện dạy/học do dịch bệnh. 

Bộ đã hoàn thiện qui chế tổ chức kỳ thi với mục đích: thi tốt nghiệp THPT thể hiện nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông sau 12 năm và tăng thực chất cho việc nhận xét công nhận tốt nghiệp và dạy/học cho phù hợp.

Năm nay, Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ cho các trường ĐH tự xây dựng phương án tuyển sinh. Nhiều trường không tổ chức kỳ thi riêng có thể lấy kết quả từ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 để tuyển sinh.

Những đối tượng được tham gia kỳ thi THPT 2020 gồm: HS đã hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông 12 năm; HS đã dự kỳ thi THPTQG năm trước nhưng không đỗ tốt nghiệp tốt nghiệp; HS đã dự tuyển sinh năm trước nhưng không đỗ ĐH (lấy kết quả để các trường ĐH xét tuyển).

Kỳ thi THPT 2020 gồm 4 bài thi: Toán, Văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp môn khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) hoặc khoa học xã hội (Sử, Địa, GDCD). HS hệ giáo dục thường xuyên không thi ngoại ngữ (nhưng nếu HS muốn thi thì đăng ký thi).

Trừ môn Văn thi tự luận, các môn khác thi theo hình thức trắc nghiệm. Mỗi thí sinh có mã đề riêng. 

Đề thi được thiết kế chủ yếu trong chương trình lớp 12. Nội dung chương trình học kỳ 2 lớp 12 đã được điều chỉnh cho  phù hợp với điều kiện dạy/học khi có dịch bệnh nên chỉ còn các nội dung "cốt lõi, cơ bản nhất". Do đó, "đề thi tốt nghiệp THPT 2020 sẽ giảm độ khó so với các năm trước, nhưng vẫn có phân loại HS. Ttrước 10/5, Bộ sẽ ban hành đề thi tham khảo" - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác chuẩn bị Kỳ thi THPTQG năm 2018 tại Ninh Thuận. Ảnh: baoninhthuan
 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác chuẩn bị Kỳ thi THPTQG năm 2018 tại Ninh Thuận. Ảnh: baoninhthuan

Năm nay, Thủ tướng đồng ý giao các địa phương tự tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Để đảm bảo chất lượng kỳ thi, Bộ chú trọng tăng cường hoạt động thanh kiểm tra. Ngoài thanh tra Bộ, Sở, Công an như hàng năm, năm nay bổ sung thêm Thanh tra của tỉnh tham gia các đoàn thanh tra. Ngoài ra còn có thanh tra của các trường ĐH.

Bộ ra đề thống nhất cho cả nước, kỳ thi không diễn ra quá 2 ngày.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói thêm: "Các địa phương công bố điểm thi của địa phương. Bộ có phần mềm công bố điểm trung bình các lớp 10-12 của HS để so sánh với kết quả thi tốt nghiệp nhằm đánh giá tính trung thực của kết quả thi".

SGK lớp 1 mới, có giá mới chứ không phải tăng giá

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, bộ SGK lớp 1 mới có 9 môn (5 đầu sách/môn). Giá sách đã điều chỉnh giảm 5-8% so với giá công bố lần 1, nhưng vẫn cao hơn giá hiện hành vì nhiều môn/đầu sách hơn bộ sách hiện hành.

Cùng với đó, việc in SGK được thực hiện theo hình thức xã hội hóa nên chi phí phải tính đủ, không có sự hỗ trợ của nhà nước.

Thông tin rõ hơn về quá trình làm giá của SGK lớp 1 mới, Thứ trưởng cho biết, giá SGK thực hiện theo Luật Giá 2012. Theo đó, SGK là hàng hóa phải kê giá và phải được Bộ Tài chính chấp thuận.

Đối với SGK lớp 1 mới, Bộ đã yêu cầu các Nhà xuất bản kê giá, gửi Bộ Tài chính thẩm định. Sau khi các Nhà xuất bản điều chỉnh giá theo ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính, báo cáo Bộ để chốt giá đưa ra thị trường.

Đọc thêm