Thiêng liêng cột mốc biên cương giữa sân nhà ở bản Hùng Pèng

(PLO) - Ở bất cứ đường biên nào thì sự tồn tại của những cột mốc không chỉ khẳng định chủ quyền an ninh biên giới mà còn khẳng định bước chân bảo vệ chủ quyền ấy của những chiến sĩ biên phòng và người dân địa phương. Có không ít mô hình tự quản về đường biên mốc giới. Dưới đây là câu chuyện về cột mốc khá đặc biệt ở biên giới Việt – Trung địa bàn tỉnh Lai Châu, bởi nó nằm ngay giữa sân nhà của đồng bào Dao và được người dân bảo vệ như một vị trí thiêng liêng nhất trong bản làng. 
Vợ chồng chị Lý Thị Sinh bản Hùng Pèng, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ vệ sinh quanh cột mốc 67.
Vợ chồng chị Lý Thị Sinh bản Hùng Pèng, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ vệ sinh quanh cột mốc 67.

Cột mốc đôi 67(2) phía biên giới Việt Nam nằm ở vị trí khá đặc biệt – ngay giữa sân nhà của gia đình ông Lý A Nhị ở bản Hùng Pèng, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Tuy nằm ở ngay trước sân nhà ông Nhị nhưng việc chăm sóc cột mốc này từ lâu đã được xem là nhiệm vụ chung của mọi người dân trong bản.

Từ khi dựng nhà ở gần cột mốc, căn nhà của ông Nhị cũng trở thành điểm đến thường xuyên của tổ công tác Đồn Biên phòng Cửa khẩu Ma Lù Thàng. Bộ đội biên phòng đến, không chỉ nắm tình hình khu vực biên giới, vị trí cột mốc mà còn tuyên truyền những thông tin, quy định mới ở cho người dân. Đặc biệt là việc buôn bán nông sản qua cửa khẩu. Và từ ngôi nhà này, thông tin lại được truyền đi khắp thôn bản khi người ta đến mốc 67 (2).

Trung tá Nguyễn Đức Hùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Ma Lù Thàng cho biết: “Bộ đội biên phòng thường xuyên tuyên truyền để bà người Dao bản Hùng Pèng nắm rõ, phân biệt rõ đường biên giới và cách thông tin với bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương để không bị động bất ngờ trong mọi tình huống. Đồng bào các dân tộc nơi biên giới chính là tai mắt của chúng tôi”.

Cán bộ chiến sĩ vệ sinh khu vực quanh cột mốc cùng gia đình.
Cán bộ chiến sĩ vệ sinh khu vực quanh cột mốc cùng gia đình.

Vợ chồng chị Lý Thị Sinh con gái ông Nhị hiện đang ở ngôi nhà gỗ này và trực tiếp nhận trách nhiệm nắm tình hình ở những đường mòn lối tắt quanh dòng sông Nậm Cúm hai bên biên giới. Ở trung tâm bản, mốc giới thiêng liêng này như lời nhắc nhở bà con luôn phải tuân thủ đúng pháp luật biên giới. Chị Lý Thị Sinh, người dân bản Hùng Pèng, xã Ma Ly Pho phấn khởi khoe với chúng tôi những chuyện đã và đang hàng ngày chị tận mắt chứng kiến nơi cột mốc 67 (2): "Người trong bản đến xem cột mốc nhiều lắm. Chúng tôi sống ở đây quanh năm suốt tháng, nếu thấy có điều gì khác thường là báo ngay cho bộ đội biên phòng…".

Ông Lý A Nhị, dân tộc Dao ở bản Hùng Pèng, xã Ma Ly Pho năm nay đã ngoài 60 tuổi kể cho chúng tôi nghe có lần, khi đi làm nương chuối cạnh mốc 67 (2) ông đã phát hiện một số người lạ mặt ở nơi khác vào sát khu vực mốc để tìm đất ở, phát nương trái phép.

Ông đã trực tiếp tuyên truyền giải thích cho họ hiểu về chủ trương của Đảng và Nhà nước về định canh, định cư và kịp thời báo cho Bộ đội biên phòng và chính quyền xã Ma Ly Pho ngăn chặn. Ông thường ví von: Bảo vệ đường biên, cột mốc và an ninh trật tự bản làng cũng giống như bảo vệ bờ rào ở mỗi gia đình. Với cái cách truyền đạt rất đơn giản nhưng lại dễ hiểu, bà con trong bản tích cực phối hợp với cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Không chỉ là hình ảnh mang tính chất biểu tượng, tượng trưng cho biên giới đất liền mà với người dân Hùng Pèng cột mốc 67 này như lời cam kết về tinh thần cộng đồng, gắn bó với mảnh đất biên ải. Vốn buôn bán nông sản dựa nhiều vào giao thương bên kia biên giới nên bà con ý thức bảo vệ mốc giới, tuân thủ pháp luật nghĩa là bảo vệ tài sản của chính mình. 

Đọc thêm