Thiết lập sự công bằng

(PLO) - Cái ông cán bộ tổ chức ở Tỉnh ủy Đồng Nai vừa bị chuyển lại vị trí trước kia của ông trong ngành Công an, một phần là do ông đã xây nhà trên đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng. Những ai biết đến câu chuyện này hẳn nhớ đã có những bất đồng trong xử lý vụ việc “ông nói gà, bà nói vịt”, người thì bảo kiên quyết xử lý, người khẳng định sẽ không xem xét chuyện này. Rốt cuộc, ông trở lại vị trí xuất phát, còn nhà mà ông xây trái phép hiện vẫn chưa bị tháo dỡ.
Ảnh Lê Lâm/Báo Thanh niên
Ảnh Lê Lâm/Báo Thanh niên

Tương tự, chuyện xảy ra tại Đắk Lắk còn nghiêm trọng hơn. Cũng ông cán bộ tổ chức Tỉnh ủy xây biệt thự trên đất nông nghiệp, tài sản có được do chạy xe ôm mà có. Trải qua nhiều tầng nấc xử lý mà ngôi nhà này vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Trong khi đó, một góa phụ lâm vào cảnh nghèo túng phải bán nhà đi để lấy tiền chữa bệnh cho chồng song ông vẫn không qua khỏi. Bà mua được mảnh đất nông nghiệp và xây căn nhà nhỏ làm nơi tá túc và thờ chồng. Ngôi nhà xây trái phép này đã bị chính quyền đập bỏ, cách không xa cái căn biệt thự của ông cán bộ kia. Cùng một địa bàn, cùng địa phương chính quyền quản lý mà xảy ra sự ngang trái này, làm rõ nét hơn bức tranh bất công và lề thói “quan xử theo lễ, dân xử theo luật”.

Tiếp tục, các biệt phủ, biệt thự, “phố quan”,... mà báo chí đưa hình ảnh lên với những sự thán phục, trầm trồ không giấu diếm, thể hiện bằng những từ ngữ “hoành tráng”, “lộng lẫy”, “vườn Thượng uyển”,... thậm chí là “hoa mắt”, “choáng ngợp”,... thì vẫn đấy, mãn nhãn một tinh thần chiêm ngưỡng(?!). Những dinh thự hoành tráng đó, hoặc là thâu tóm đất nông nghiệp rồi tìm cách hợp lý hóa, hoặc là “mua” nhiều lô đất liền kề, thậm chí được “ưu tiên” hoán đổi từ ngõ ra mặt phố,... đều là của các cán bộ có chức quyền, nghịch lý thay, cán bộ quản lý đất đai thì vi phạm chính cái luật mà mình phải thực thi, nhà của kiểm lâm dựng toàn bằng gỗ quý, biệt phủ của ông Chủ tịch huyện miền rừng cũng vậy!

Minh bạch tài sản là phương thức hữu hiệu trong việc phòng chống tham nhũng. Đó vừa là mục đích, vừa là phương tiện kiểm soát tham nhũng, ai cũng biết điều đó, thế nhưng, quá trình để hướng tới minh bạch tài sản quan chức sao mà khó thế, khó từ xây dựng điều luật cụ thể điều chỉnh lĩnh vực này cho đến những trở ngại không thể vượt qua trong quá trình thực thi.

Tài sản cũng chính là mục đích cuối cùng mà những kẻ tham nhũng hướng tới, quyền chức, thăng tiến cũng chỉ phục vụ cho mục đích tối thượng này. Làm rõ và thu hồi tài sản bất minh do tham nhũng mà có, không những ngăn chặn được nạn tham nhũng mà ý nghĩa lớn hơn là thiết lập sự công bằng xã hội.

Đọc thêm