Thỏa thuận lịch sử “khép lại” hồ sơ hạt nhân của Iran

(PLO) - Trải qua quá trình đàm phán gian truân và 18 ngày thương lượng nước rút căng thẳng tại Vienna (Áo), với các thời hạn chót liên tục bị đẩy lùi, ngày 14/7/2015 đã đi vào lịch sử khi Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) đạt được một thỏa thuận hạt nhân toàn diện. 
Thỏa thuận lịch sử “khép lại” hồ sơ hạt nhân của Iran
Thỏa thuận có tên gọi “Kế hoạch hành động toàn diện chung” gồm một lộ trình đồ sộ mang tính nguyên tắc cao có tác dụng giám sát hoạt động hạt nhân của Iran trong nhiều năm tới để đảm bảo Tehran không phát triển vũ khí hạt nhân.
Thỏa thuận lịch sử
Thỏa thuận gồm ba nội dung trụ cột: Iran chấp nhận hạn chế chương trình hạt nhân trong ít nhất một thập kỷ; quốc tế dỡ bỏ cấm vận chống Iran; tăng cường các biện pháp kiểm soát chương trình hạt nhân của Tehran. 
Thỏa thuận không buộc Iran phải phá bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân, vốn là yêu sách được đưa ra trong các cuộc thương lượng ban đầu do châu Âu khởi xướng từ 2003-2005, thay vào đó, chỉ tập trung giám sát, hạn chế và kiểm soát chặt chẽ hơn các cơ sở hạ tầng với mục đích ngăn chặn Tehran tái khởi động cuộc chạy đua bí mật sản xuất vũ khí hạt nhân. 
Theo thỏa thuận, các biện pháp trừng phạt mà Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) và Liên Hợp quốc (LHQ) áp đặt lên nhà nước Hồi giáo này sẽ được dỡ bỏ, đổi lại Tehran chấp nhận hạn chế chương trình phát triển hạt nhân mà phương Tây nghi ngờ nhằm mục đích chế tạo bom. Iran sẽ cho phép thanh sát các cơ sở hạt nhân của nước này, cụ thể là cho phép các thanh sát viên LHQ tới giám sát các cơ sở quân sự. 
Tuy nhiên, lệnh trừng phạt có thể bị khôi phục trong 65 ngày nếu Iran vi phạm thỏa thuận đã thống nhất với 6 cường quốc, lệnh cấm vận vũ khí của LHQ sẽ tiếp tục duy trì trong 5 năm, trong khi các lệnh trừng phạt về tên lửa đạn đạo đối với Iran sẽ kéo dài thêm 8 năm. Thỏa thuận giữa Iran và P5+1 sẽ chính thức có hiệu lực sau 90 ngày kể từ khi Hội đồng Bảo an LHQ ra nghị quyết chấp thuận thỏa thuận này.
Trên thực tế, chương trình hạt nhân của Iran từ lâu đã được coi là một trong những vấn đề phức tạp nhất trong lịch sử đương đại. Thỏa thuận vừa đạt được không chỉ đơn thuần là kết quả của các cuộc đàm phán những ngày gần đây mà là sản phẩm của cả chặng đua marathon kéo dài suốt 13 năm qua. 
Từ tháng 8/2002, trang đầu tiên của hồ sơ về chương trình hạt nhân của Iran bắt đầu xuất hiện với việc các lò phản ứng hạt nhân bí mật tại các thành phố Natan và Arak ở miền Trung Iran bị phát hiện. Cũng từ đó, quá trình đàm phán giữa Iran với các nước phương Tây kéo dài hơn 12 năm với không ít lần đổ vỡ, thậm chí có lúc tới sát bờ vực chiến tranh. Những biện pháp trừng phạt của LHQ đối với Iran được áp đặt từ tháng 12/2006 càng khiến quá trình đàm phán lâm vào bế tắc. 
Quá trình đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran kéo dài và đầy cam go, quyết liệt trước hết là bởi sự thiếu tin tưởng từ cả hai phía. Đặc biệt, sự thù địch giữa hai đối tác chính là Mỹ và Iran tồn tại từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 càng làm trầm trọng thêm những cách nhìn khác biệt về mục đích của chương trình hạt nhân. 
Các nước phương Tây luôn cho rằng chương trình hạt nhân của Iran là nhằm hướng tới việc sở hữu vũ khí hạt nhân, trong khi Tehran luôn khẳng định chỉ nhằm mục đích dân sự. Hơn nữa, bản thân tính phức tạp và nhạy cảm của vấn đề đàm phán càng khiến cho quá trình thương lượng thêm gian truân. 
Kết quả các đợt thanh sát của LHQ tại các cơ sở hạt nhân của Iran cho thấy giới hạn mong manh giữa khái niệm “dân sự” và “quân sự”. Ngoài ra, quan điểm thù địch của Israel và một số nước trong khu vực đối với Iran cũng khiến đàm phán giữa P5+1 với Iran thêm phức tạp. 
Tuy nhiên, sự thay đổi của chính quyền Tổng thống Barack Obama trong cách tiếp cận vấn đề hạt nhân của Iran, đặc biệt là sau khi tân Tổng thống Iran Hassan Rouhani, người theo đuổi đường lối ôn hòa, đắc cử hồi tháng 6/2013 đã mang lại những kết quả tích cực cho tiến trình đàm phán. Nếu thỏa thuận tạm thời đạt được ngày 24/11/2013 có ý nghĩa như là “cú hích” quan trọng thì thỏa thuận khung đạt được hồi tháng 4 vừa qua tại Thụy Sĩ đã “mở toang cánh cửa hy vọng” cho thỏa thuận cuối cùng ngày 14/7/2015.
Thế giới phản ứng tích cực
Ngay sau khi Iran và Nhóm P5+1 đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử, cộng đồng quốc tế đã có những đánh giá hết sức tích cực.
Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đánh giá thỏa thuận “lịch sử” về hồ sơ hạt nhân của Iran vừa đạt được là một “cơ hội đáng nắm lấy”. Ông Obama tuyên bố, với văn kiện này, “mọi con đường dẫn tới vũ khí hạt nhân đều đã bị cắt đứt”. 
Thủ tướng Đức Angela Merkel lên tiếng hoan nghênh kết quả các cuộc đàm phán và khẳng định đây là một thành quả quan trọng của chính sách bền bỉ và ngoại giao quốc tế. Với kết quả đạt được, các bên đã tiến gần hơn mục tiêu không để Iran phát triển chương trình vũ khí nguyên tử cho mục đích quân sự thông qua việc minh bạch hoàn toàn với một hệ thống kiểm soát quốc tế chưa từng có. 
Ngoại trưởng Anh Philip Hammond  hoan nghênh thỏa thuận hạt nhân và bày tỏ hy vọng thỏa thuận sẽ mở đầu cho sự thay đổi đáng kể trong quan hệ của Iran với phần còn lại của thế giới. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius  thì tin tưởng thỏa thuận sẽ có “hiệu quả vững chắc” trong ít nhất 10 năm tới và hy vọng các doanh nghiệp Pháp sẽ được dành chỗ đứng “xứng đáng” trên thị trường Iran. 
Từ Moskva, Tổng thống Nga Putin hoan nghênh thỏa thuận và tuyên bố Moskva sẽ nỗ lực hết sức để những thỏa thuận này được triển khai đầy đủ. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng cho rằng thỏa thuận hạt nhân với Iran mở đường cho một liên minh “rộng lớn” để chiến đấu chống tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS) và các nhóm khủng bố khác.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đánh giá thỏa thuận hạt nhân vừa đạt được sẽ bảo vệ hệ thống không phổ biến hạt nhân toàn cầu và là minh chứng cho thấy thế giới có thể giải quyết các vấn đề cấp bách thông qua đối thoại. 
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng đã hoan nghênh thỏa thuận “lịch sử” nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran, cho rằng thỏa thuận này có thể mang lại hòa bình cho Trung Đông. Ông Ban Ki-moon ca ngợi “sự quyết tâm và cam kết” của các nhà đàm phán cũng như “sự dũng cảm của các lãnh đạo” đã phê chuẩn thỏa thuận này. 
Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU) Federica Mogherini cho rằng thỏa thuận là “tia hy vọng cho toàn thế giới, mở ra một chương mới trong các mối quan hệ quốc tế và cho thấy các biện pháp ngoại giao và hợp tác có thể giúp vượt qua những căng thẳng và đối đầu kéo dài nhiều thập kỷ”.
Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cũng hoan nghênh thoả thuận vừa đạt được. Theo ông, văn kiện này một khi được triển khai đầy đủ sẽ giúp củng cố an ninh toàn cầu. Tổng Thư ký NATO cũng kêu gọi Tehran thực thi các điều khoản trong thoả thuận cũng như tuân thủ các cam kết quốc tế.
Vẫn còn thách thức
Nhìn lại các diễn biến, có thể thấy thỏa thuận vừa đạt được đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ giữa Tehran với các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ, khi nó hạn chế những nghi ngại về chương trình hạt nhân hơn một thập kỷ qua của nước này. Tuy nhiên, đây cũng là những điểm đặt chính quyền của Tổng thống Rouhani trước không ít thách thức khi chịu sức ép ngay từ nội bộ Iran. 
Phe bảo thủ ở quốc gia Hồi giáo này có thể sẽ coi đây là sự nhân nhượng từ phía ông Rouhani trước phương Tây. Và vị Tổng thống có quan điểm ôn hòa này cũng sẽ phải chứng tỏ với những người ủng hộ cải cách ở Iran rằng, thỏa thuận lịch sử sẽ đem lại cho họ cuộc sống tốt hơn khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.
Đối với Mỹ, thỏa thuận hạt nhân với Iran được coi là một “di sản” ngoại giao của Tổng thống Mỹ Obama, bởi đạt được mục tiêu khép lại hồ sơ hạt nhân Iran khi thời gian cho nhiệm kỳ hai của ông không còn nhiều. Đồng thời, thỏa thuận có thể tạo ra bước ngoặt đầu tiên mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ giữa Iran và Mỹ, vốn đã bị cắt đứt từ năm 1980 sau cuộc khủng hoảng bắt cóc con tin tại Đại sứ quán Mỹ ở Tehran, từ đó mở ra một chương hợp tác mới, công khai giữa hai nước để giải quyết các cuộc khủng hoảng Iraq và Syria. 
Tuy nhiên, thỏa thuận này còn phải vượt qua “cửa ải” Quốc hội Mỹ do Đảng Cộng hòa kiểm soát. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo hàng đầu của Đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ lại bày tỏ nghi ngờ đối với thỏa thuận hạt nhân cuối cùng mà Nhóm P5+1 đạt được với Iran, khi cho rằng văn kiện này trao cho Tehran quá nhiều không gian để hành động và không bảo vệ được các lợi ích quốc gia của Mỹ.
Việc phải lần thứ tư gia hạn chót trong vòng đàm phán cuối cùng đã làm khó các nhà đàm phán Mỹ và khiến thỏa thuận mà chính quyền Obama nỗ lực thúc đẩy gặp không ít rủi ro khi phải đưa vấn đề hạt nhân của Iran ra mổ xẻ tại Quốc hội Mỹ trong vòng 60 ngày, thay vì 30 ngày như trước. Trong khi đó, Israel, đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại Trung Đông, đã lập tức chỉ trích thỏa thuận hạt nhân Iran. Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho rằng thỏa thuận là “sai lầm tồi tệ trong lịch sử”.
Dù con đường tiếp theo còn không ít thách thức song thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 đã cho thấy lòng tin được củng cố hơn bao giờ hết giữa quốc gia Hồi giáo với phương Tây. Thỏa thuận lịch sử này thể hiện thắng lợi của ý chí chính trị mạnh mẽ và nỗ lực không ngừng của tất cả các bên liên quan, chứng tỏ sức mạnh của các biện pháp ngoại giao trong việc giải quyết các điểm nóng ở Trung Đông.

Đọc thêm