Thông điệp của Thủ tướng được doanh nhân phấn chấn đón đợi

(PLO) - Có lẽ đây là Nghị quyết rất quan trọng của tinh thần “kiến tạo và phục vụ” mà Thủ tướng Chính phủ đã phát đi như một thông điệp, đặc biệt nguyên tắc “không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự”...
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Ngày 16/5, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, trong đó nêu rõ: Việt Nam phải đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển theo chiều sâu dựa trên tri thức đổi mới, sáng tạo, khoa học và công nghệ cao, trong đó doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.

Mục tiêu phấn đấu là đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. 

Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực như: Vốn, tài nguyên, đất đai… và đầu tư kinh doanh. Có chính sách đặc thù để

hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và có tiềm năng tăng trưởng cao phát triển.

Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra (TTKT), giám sát cần bảo đảm mục tiêu ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm, đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật. 

Có lẽ đây là Nghị quyết rất quan trọng của tinh thần “kiến tạo và phục vụ” mà Thủ tướng Chính phủ đã phát đi như một thông điệp, đặc biệt nguyên tắc “không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự”; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện TTKT doanh nghiệp không được quá 1 lần/năm; kiên quyết xử lý các cán bộ vi phạm quy trình xử lý hồ sơ, gây phiền hà cho doanh nghiệp” được doanh nghiệp, doanh nhân đón đợi với tinh thần phấn chấn.

Thực ra vấn đề TTKT doanh nghiệp, ngay từ năm 1998 Chính phủ của Thủ tướng Phan Văn Khải đã có Nghị định số 61/1998/NĐ-CP. Điều 3 nói rõ: “Việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp chỉ được thực hiện khi có quyết định của thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền; không được tiến hành trùng lặp, không quá một lần về cùng một nội dung trong một năm đối với một doanh nghiệp (trừ trường hợp bất thường)”

Tuy nhiên 20 năm qua, thanh tra, kiểm tra vẫn bị lạm dụng để “hành” doanh nghiệp. Vì sao có tình trạng này?. Trước hết là sự chồng chéo về nhiệm vụ, quyền hạn của chính cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Thứ hai, là sự thiếu phối kết hợp. Thứ ba, là “ông thanh tra, kiểm tra” nào cũng muốn “mình to”, “cơi nới sân bãi”. Đấy là chưa nói đến tiêu cực trong hoạt động TTKT.

Khi đánh giá về hiện tượng TTKT chồng chéo, ngay Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra rằng: quá trình xây dựng kế hoạch thanh tra chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa Thanh tra Chính phủ với các cơ quan thanh tra bộ, ngành. Phương pháp, cách thức xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra chưa được quy chuẩn bằng một quy trình chặt chẽ và có tính khoa học. 

Thanh tra, kiểm tra chồng chéo đang thực sự kéo lùi những nỗ lực cải cách. Vì vậy, chúng ta hoan nghênh tinh thần “kiến tạo và phục vụ” đang đi vào cuộc sống!

Đọc thêm