Thông luồng Soài Rạp đón tàu container 50.000 tấn

(PLO) - Luồng Soài Rạp mới được khơi thông, từ nay TP.HCM sẽ đón được tàu biển lớn từ 30.000 đến 50.000 tấn, rút ngắn lộ trình 20km, tạo điều kiện cho kinh tế biển phát triển; đồng thời làm tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Lần đầu tiên chiếc tàu tải trọng 30.000 tấn thông luồng Soài Rạp an toàn, mở ra kỳ vọng mới trong phát triển kinh tế cảng biển ở TP.HCM
Lần đầu tiên chiếc tàu tải trọng 30.000 tấn thông luồng Soài Rạp an toàn, mở ra kỳ vọng mới trong phát triển kinh tế cảng biển ở TP.HCM
Sáng qua (20/4), chiếc tàu biển Xutra Bhum của hãng tàu MSC (Pháp) đã rời cảng Container trung tâm Sài Gòn (SPCT) sau khi nhận đầy hàng. Khoảng 8 giờ tàu nhổ neo và đi vào vùng biển an toàn.
Ông Tất Thành Cang, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đánh giá sự kiện tàu biển tải trọng 30.000 tấn lần đầu tiên theo luồng Soài Rạp ra, vào cảng biển TP.HCM, an toàn (vào ngày 19, ra ngày 20/4) là cuộc “tổng diễn tập” để những ngày sắp tới lịch sử phát triển cảng biển TP.HCM sẽ sang trang mới khi lần đầu tiên đón tàu biển 50.000 tấn (dự kiến vào ngày 3/5).
Đón được tàu 50.000 tấn, vận chuyển an toàn hơn
Tàu Xutra Bhum đã từng vào cảng SPCT nhưng lâu nay phải đi vòng thông qua luồng Lòng Tàu, dài hơn 20km. Trong khi đó, hiện vận tải biển có sự cạnh tranh quyết liệt, đồng thời xu hướng sử dụng tàu trọng tải lớn, nhất là tàu container nhằm giảm chi phí ngày một tăng thì luồng Lòng Tàu không đáp ứng được.
Bởi lẽ luồng Lòng Tàu có hạn chế về chiều sâu (-8,5m), lòng sông hẹp có nhiều đoạn cua gắt nên chỉ thích hợp cho tàu hàng rời tải trọng 30.000 tấn và tàu container có sức chở 2.800 TEU.
Những hạn chế ở luồng Lòng Tàu gây ra nhiều bất lợi cho sự phát triển của kinh tế biển TP.HCM song TP.HCM vẫn là trung tâm cảng biển lớn nhất của khu vực phía Nam khi chiếm 90% sản lượng hàng hóa thông qua cụm cảng khu vực Đông Nam bộ. 
Ngoài ra, sản lượng hàng hóa bằng container thông qua cảng biển TP.HCM chiếm đến 75% so với cả nước. Do vậy, yêu cầu bức bách này đặt ra cho TP.HCM phải có biện pháp tháo gỡ để đáp ứng.
Chiếc tàu Xutra Bhum đang neo đậu tại cảng SPCT
Chiếc tàu Xutra Bhum đang neo đậu tại cảng SPCT 
Ở TP.HCM, bên cạnh luồng Lòng Tàu còn có luồng Soài Rạp gần như song song. Con sông Soài Rạp được hình thành từ hợp lưu của ba con sông lớn, gồm Sài Gòn, Đồng Nai và Vàm Cỏ, nhưng lại có nhiều điểm cạn nên trong quá khứ bị xem là “luồng bỏ”, chỉ được dùng cho tàu, thuyền đường sông và ngư dân đăng lưới đánh cá… Do vậy, sự kiện tàu biển tải trọng 30.000 tấn lần đầu tiên lưu thông an toàn trên luồng Soài Rạp được coi là một sự kiện quan trọng, hứa hẹn sẽ khơi thông nền kinh tế cảng biển của TP.HCM. 
Theo ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc Ban Quản lý dự án nạo vét luồng Soài Rạp, giai đoạn 2, TP.HCM đầu tư gần 2.800 tỉ đồng để nạo vét 54km sông Soài Rạp đạt đến độ sâu -9,5m. “Việc nạo vét khoảng 300.000m3 bùn (trong tổng số 11,5 triệu m3 nạo vét) sẽ được hoàn tất vào đầu tháng 5/2014. Khi đó, toàn tuyến sẽ được đưa vào khai thác, đón tàu 50.000 tấn” - ông Minh cho hay.
Rút ngắn hành trình hai giờ, tăng sức cạnh tranh
Hôm qua (20/4) dù là ngày nghỉ nhưng ông Võ Xuân Bình, Giám đốc marketing cảng SPCT cho biết sau khi đón, đưa chuyến tàu 30.000 tấn đầu tiên vào cảng qua luồng Soài Rạp, nhiều hãng tàu lớn đã gọi điện chúc mừng. “Họ bày tỏ sự quan tâm lớn đối với sự kiện thông luồng Soài Rạp và đặt vấn đề sẽ đưa tàu biển lớn cập cảng SPCT trong thời gian tới” - ông Bình chia sẻ.
Việc thông luồng Soài Rạp cũng kết thúc chuỗi ngóng trông từng ngày và mở ra cơ hội phát triển cho SPCT (là một liên doanh, có sự đầu tư từ một tập đoàn cảng lớn thứ hai thế giới) và cụm cảng Hiệp Phước (ở khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM). 
Đại diện SPCT cho biết, luồng tàu mới mở ra cơ hội đưa SPCT và một số cảng ở TP.HCM trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế vì hiện nay nhiều hãng tàu thông báo sẽ mở các tuyến vận chuyển thẳng từ TP.HCM đến các thị trường lớn trên thế giới, thay vì phải trung chuyển qua một cảng trung gian ở Đông Bắc Á hoặc Đông Nam Á như trước.
Thuyền trưởng, hoa tiêu cảng vụ… được tặng hoa, chúc mừng khi lần đầu tiên đưa tàu tải trọng 30.000 tấn lưu thông an toàn trên luồng Soài Rạp
 Thuyền trưởng, hoa tiêu cảng vụ… được tặng hoa, chúc mừng
khi lần đầu tiên đưa tàu tải trọng 30.000 tấn lưu thông
an toàn trên luồng Soài Rạp
Lý giải rõ hơn những lợi ích từ việc thông luồng tàu biển mới, ông Nguyễn Lê Chơn Tâm, Phó Tổng Giám đốc SPCT cho biết, tàu biển vào cảng biển TP.HCM đi bằng luồng Soài Rạp quãng đường ngắn hơn 20km giúp các tàu giảm khoảng hai giờ đi lại nên kéo giảm đáng kể về chi phí nhiên liệu, chi phí hoa tiêu so với khi đi theo luồng Lòng Tàu. 
“Lòng sông Soài Rạp được nạo sâu, vét rộng lại thẳng nên tốc độ di chuyển của tàu sẽ lớn hơn. Cạnh đó, cảng SPCT có những phương tiện thiết bị hiện đại có thể đón được tàu có sức chở lớn với thời gian xếp, dỡ hàng nhanh còn giúp các hãng tàu, chủ hàng giảm đáng kể chi phí vận chuyển. 
Điều này không những tăng tính hấp dẫn trong hoạt động cảng biển ở TP.HCM mà còn giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa giảm chi phí vận tải, thời gian giao hàng rút ngắn góp phần tăng tính cạnh tranh trên thị trường thế giới” - ông Tâm đánh giá. 
Có mặt tại các buổi đón, đưa tàu Xutra Bhum (thuộc hãng tàu MSC) ra, vào cảng SPCT, ông Boris, Tổng Giám đốc hãng tàu MSC bày tỏ sự vui mừng khi Xutra Bhum lưu thông an toàn trên luồng Soài Rạp. Ông Boris lấy làm vinh dự khi hãng có chiếc tàu cỡ lớn đầu tiên “mở hàng” ở luồng mới vào cảng biển TP.HCM. Theo ông Boris, hãng MSC có loại tàu lên đến 16.000 TEU (trọng tải khoảng 160.000 tấn - NV) và đã trông chờ ngày thông luồng đã lâu. Do vậy, sắp tới MSC sẽ đưa các tàu lớn vào cập cảng ở TP.HCM.
Trong khi đó, ông Tất Thành Cang, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM thông tin: Việc nạo vét luồng Soài Rạp đang vào giai đoạn cuối. Dự kiến đầu tháng 5/2014 TP.HCM sẽ lần đầu tiên đón tàu chở hàng 50.000 tấn. Hiện nay còn nhiều việc phải làm, đảm bảo việc đón tàu được an toàn nhưng việc thông luồng Soài Rạp đang viết nên một trang mới trong lịch sử phát triển cảng biển ở TP.HCM.

Đọc thêm