Thông qua 197 ứng viên ĐBQH do Trung ương giới thiệu

(PLO) - Tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam hôm nay, 17/3, tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV của các cơ quan, tổ chức đơn vị ở Trung ương. 100% đại biểu dự hội nghị đã nhất trí thông qua danh sách 197 ứng viên ĐBQH được Trung ương giới thiệu. 
100% đại biểu nhất trí thông qua danh sách ứng viên được Trung ương giới thiệu.
100% đại biểu nhất trí thông qua danh sách ứng viên được Trung ương giới thiệu.

Ứng viên kê khai phần chức vụ nhiều hơn

Tại hội nghị, sau khi nghe giới thiệu danh sách trích ngang của 197 ứng viên ĐBQH khóa XIV, đã có khá nhiều ý kiến thẳng thắn góp ý về công tác kê khai tài sản cũng như cơ cấu, thành phần của ĐBQH.

Cho rằng, các đại biểu thuộc khối hành pháp rất ít chất vấn tại các kỳ họp QH, ông Phạm Xuân Hằng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch đề nghị khối này nên giảm bớt số lượng các ứng cử viên, bởi theo ông, Quốc hội “cần tâp trung vào chuyên môn, tập trung cho công tác lập pháp và giám sát thì người dân mới yên lòng”.

Đối với hồ sơ của các ứng viên, ông Hằng đặt vấn đề: “Nói về độ tin cậy thì tôi chưa thể tin được, nhất là phần kê khai tài sản. Có ai giám sát, có ai xác nhận đâu mà biết đồng chí này khai hết, đồng chí kia chưa khai hết. Có ai dám khẳng định phần kê khai tài sản này là rất chính xác?”. Từ nhận định này, ông Hằng đề nghị phải đổi mới lại công việc kê khai tài sản.

Ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch đồng tình với ông Hằng: “Tôi chưa thật yên tâm với phần kê khai tài sản của các ứng viên ĐBQH. Ai cũng bảo kê khai là trung thực, là chính xác nhưng chẳng có cơ quan chức năng nào xác nhận việc kê khai này cả”.

Không chỉ vậy, ông Que còn chỉ ra những thiếu sót trong phần kê khai của các ứng cử viên. “Tôi thấy bảng kê khai phần chức vụ vẫn nhiều hơn, do vậy chưa phản ánh được chất lượng của người đại biểu được giới thiệu. Ít nhất cũng phải cho Đoàn Chủ tịch biết rằng trong quá trình công tác ông này có ưu điểm và khuyết điểm gì. Cơ quan giới thiệu cũng phải có nhận xét, đánh giá như thế nào về đại biểu mình giới thiệu, rằng ông đó có làm tốt vai trò, chức năng của người đại biểu không, có phản ánh được tâm tư nguyện vọng của người dân không?”

Cẩn trọng trước những thông tin không chính xác

Băn khoăn về cơ cấu, thành phần đại biểu là người dân tộc thiểu số và đại biểu nữ, ông Hà Văn Núi, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, hiện nay cơ cấu này vẫn chưa đủ. “Các đồng chí nói rằng cơ cấu nữ cố gắng là 30%, nhưng trong cơ cấu giới thiệu là 35% thì  không bao giờ bầu đủ 30%. Ngay như trong các cơ quan Trung ương, có 197 đại biểu được giới thiệu thì cơ quan Quốc hội chỉ có 23 người, còn Chính phủ thì không có nữ…”.

Liên quan đến chất lượng ĐBQH, Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Mã Lương mong muốn ĐBQH phải thể hiện được cái tâm, cái tầm, thể hiện được tình yêu Tổ quốc trong nghị trường, nói được tâm tư nguyện vọng của người dân. Nhưng “trong thời gian qua, chúng ta đã bỏ sót  khá  nhiều cá nhân tiêu biểu mà nếu họ vào Quốc hội sẽ đóng góp được rất nhiều cho đất nước”, Tướng Lương nhận xét.

Trước luồng thông tin cho rằng, một số đại biểu tự ứng cử ĐBQH có một thế lực đứng phía sau hỗ trợ, thậm chí là chi tiền cho ứng cử, Tướng Lê Mã Lương nhấn mạnh: Nếu chỉ ra được người nào thì phải chỉ rõ chứ không được nói chung chung như vậy, vì điều đó sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm tư, tình cảm của các ứng cử viên. 

Cùng quan điểm, Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch cho rằng, việc đưa những thông tin không chính xác về việc thế lực phản động “bảo kê” làm chính trị không chỉ ảnh hưởng đến niềm tin của cử tri mà còn xúc phạm đến người tự ứng cử. Do vậy, Ủy ban bầu cử Quốc gia nên chú ý về vấn đề này.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu, bà Nguyễn Thị Nương, Trưởng Ban công tác ĐBQH giải thích, việc kê khai tài sản đang thực hiện thống nhất theo mẫu. “Tuy vậy, hiện chúng tôi cũng chưa thấy bộ hồ sơ nào có vấn đề về kê khai tài sản”- bà Nương khẳng định.

Còn theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia Nguyễn Thiện Nhân, đến thời điểm này chưa có bất kỳ đơn thư nào có liên quan đến 197 ứng viên có tên trong danh sách ứng cử ĐBQH  khóa XIV; các hồ sơ biên bản hội nghi lấy ý kiến cử tri nơi công tác và hội nghi ban lãnh đạo mở rộng đều thực hiện đầy đủ theo đúng quy định. Chính bởi vậy, cuối hội nghị, 100% đại biểu tham dự đã nhất trí thông qua danh sách 197 ứng cử viên được Trung ương giới thiệu.

Báo cáo về tình hình giới thiệu người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương ứng cử ĐBQH khóa XIV, bà Bùi Thị Thanh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết, tổng số đại biểu của khối các cơ quan Trung ương được phân bổ ứng cử ĐBQH khóa XIV là 198 đại biểu. Đến nay, các cơ quan đã giới thiệu là 197 đại biểu.Trong đó, các cơ quan Đảng được phân bổ 11 đại biểu (đã giới thiệu 12 người); cơ quan Chủ tịch nước và cơ quan tư pháp (trong đó có Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) được phân bổ 5 đại biểu và đã giới thiệu đủ 5 người; Cơ quan Quốc hội (ĐBQH chuyên trách ở Trung ương) được phân bổ 114 đại biểu nhưng chỉ giới thiệu 113 người; Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ được phân bổ 18 đại biểu nhưng  chỉ giới thiệu 17 người; Bộ Quốc phòng được phân bổ 15 đại biểu và đã giới thiệu đủ 15 người;  Bộ Công an được giới thiệu 3 đại biểu và đã giới thiệu đủ 3 người; Kiểm toán Nhà nước giới thiệu đủ 1 đại biểu theo phân bổ; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên được phân bổ 31 đại biểu và đã giới thiệu đủ 31 người.

 Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định, hồ sơ của 197 người được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIV đáp ứng các quy định của pháp luật về giới thiệu người ứng cử ĐBQH khóa XIV. Qua tổng hợp biên bản hội nghị cử tri nơi công tác của 197 người được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIV, có 192 người được cử tri tín nhiệm 100%; 5 người được tín nhiệm từ 97,6% đến 99,3%.

Đọc thêm