Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: "Nếu để khuyên con tôi, tôi chỉ khuyên là dùng sách giáo khoa"

(PLO) - Nhằm trấn an những thắc mắc xung quanh kỳ thi quốc gia 2015 về cụm thi, đề thi, cách thức thi…Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: “Kỳ thi năm nay chỉ mới về phương pháp tổ chức chứ không mới về yêu cầu với thí sinh”…
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển:  “Mức độ của đề thi năm nay cũng không cao hơn những năm trước bao nhiêu, cơ bản là như năm trước”
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển:  “Mức độ của đề thi năm nay cũng không cao hơn những năm trước bao nhiêu, cơ bản là như năm trước”
Hai cụm thi đều như nhau
Mới đây, trong cuộc họp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có chỉ đạo quá trình tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia phải lường hết những khó khăn và có phương án xử lí, không để bị động, không chủ quan với mục tiêu đảm bảo kỳ thi được diễn ra tốt nhất. Vậy Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị những gì?
- Bộ GD&ĐT trước hết dự kiến phương án tổ chức thi, sau đó xin ý kiến của các thầy cô, các nhà trường, phụ huynh học sinh để tổng hợp lại, từ Quy chế thi cũng được mọi người góp ý. Chính những góp ý từ các nơi đã cung cấp  thông tin để Bộ hiểu thêm được những khó khăn có thể xảy ra ở các địa phương nhằm ban hành Quy chế tốt nhất.
Sau khi Quy chế ban hành, Bộ tiếp tục chuẩn bị văn bản hướng dẫn thực hiện đối với Quy chế thi (với những người làm thi, các thầy cô và nhà trường).
Một trong những vấn đề người dân quan tâm là việc tổ chức các cụm thi liên tỉnh và trong tỉnh đã được các địa phương và các trường đại học triển khai như thế nào, có khó khăn gì không, nhất là đảm bảo an toàn giao thông cho thí sinh đi lại?
- Bộ GD&ĐT đã xin ý kiến và quyết định có hai loại cụm thi, cụm thi liên tỉnh đảm bảo cho các em vào đại học, dư luận chung là tin cậy. Học sinh không có nhu cầu hay chưa có nhu cầu trực tiếp dùng kết quả kỳ thi này để xét tuyển vào đại học thì có cụm thi tại các địa phương. Các địa phương sẽ cân nhắc việc này, có nhiều em đăng ký thi hay không với điều kiện địa lí, thời tiết, Bộ GD&ĐT và địa phương sẽ quyết định cụm thi này đặt ở đâu và quy mô như thế nào cho phù hợp. 
Còn việc tổ chức ăn, ở cho học sinh thì hình dung cũng giống như mọi khi, các em đi thi đại học, mình lo lắng thế nào thì giờ lo lắng thế.
Theo Quy chế thi thì không có sự phân biệt giữa các cụm thi liên tỉnh và trong tỉnh, nhưng không ít lo ngại các hội đồng thi do Sở GD&ĐT chủ trì dẫn đến tình trạng tháo khoán, tư tưởng thành tích. Bộ GD&ĐT đã tính tới tình huống này chưa, phương án xử lí như thế nào?
- Thực tế Bộ đã tính tới phương án này, đã nêu ra kĩ trước khi thực hiện phương án thi. Bộ cũng đã phân tích thử đề thi của mọi năm, phân tích phổ điểm của thi tốt nghiệp, phân tích phổ điểm thi tuyển sinh. Nói chung các môn phổ điểm của học sinh được phân bố một cách tự nhiên, theo quy luật bình thường, không phải tất cả các em ngồi gần nhau đều có điểm giống nhau, nếu điều đó xảy ra thì kỳ thi đó thể hiện nhiều học sinh nhìn bài nhau.
Trong kỳ thi THPT quốc gia, việc đưa ngoại ngữ trở thành môn thi bắt buộc cũng là một trong những yếu tố, những giải pháp nâng cao năng lực ngoại ngữ toàn diện. Trong lịch sử có những lúc chúng ta nghĩ thi tốt nghiệp THPT là không nghiêm, có tình trạng “tháo khoán”, bệnh thành tích, chuyện này cũng có quá trình của nó. Hiện nay đã khác, thi cử nghiêm túc hơn, ra đề khoa học hơn, coi thi cũng có kinh nghiệm hơn trước, kết quả như vậy thì kỳ thi tốt nghiệp đã đảm bảo được nghiêm túc.
Tuy nhiên, đối với xã hội vẫn tin tưởng ở tính chất khách quan của kỳ thi tuyển sinh đại học hơn thi tốt nghiệp nên Bộ GD&ĐT đã chủ trương các trường đại học cùng làm thi với các trường phổ thông, cụm thi nào cũng có hai thành phần: trường đại học và các thầy cô ở phổ thông. Hai cụm thi áp dụng một quy trình, đề, thanh tra, kiểm tra chung.
Việc chia các cụm thi như năm nay có khó khăn gì không, thưa Thứ trưởng?
- Việc thi liên tỉnh có khó khăn là học sinh phải đi lại từ tỉnh này sang tỉnh khác, điều này cũng không khó khăn hơn khi học sinh phải tập trung thi ở một số cụm thi. Năm nay nhiều cụm thi hơn thì học sinh đi lại gần hơn, nhưng cũng có thí sinh đi về Thủ đô thì lại tiện hơn sang các tỉnh khác. 
Phương án thì không đáp ứng được hết những khó khăn, nhưng tôi nghĩ những điều kiện tốt nhất có thể được thì đã dành cho học sinh.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo 
Nguyễn Vinh Hiển
Không lo “chênh” 
giữa các địa phương
Chúng ta có 38 cụm thi liên tỉnh và ít nhất là 60 cụm thi trong tỉnh, vậy công tác chấm thi sẽ được Bộ GD&ĐT tổ chức như thế nào? Có lo ngại tới chuyện chấm điểm chênh lệch giữa các cụm thi trong và ngoài tỉnh với nhau không?
- Đề thi tốt nghiệp năm trước đều đã đáp ứng được yêu cầu phân hóa học sinh, hình dung với đề thi tốt nghiệp năm trước chỉ có hơn 2% học sinh đạt được loại giỏi, khá khoảng 20%, còn lại là học sinh trung bình và không đạt yêu cầu. Điều đó cho thấy rằng đề thi năm nay so với năm trước cũng không khác biệt nhiều. Do đó, nhà trường, các em học sinh dạy và học theo các dạng đề thi năm trước là hoàn toàn yên tâm. 
Với chấm thi, như những năm trước, Bộ có một bộ đề và có hướng dẫn chấm chung cho các nơi, trong quá trình đó từng hội đồng có động tác chấm thử, chấm tập thể, có công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát.
Kỳ thi quốc gia đang tới gần, giáo viên các nơi cũng đang lúng túng trong việc ôn luyện cho học sinh khi học không nắm được cấu trúc đề thi và phạm vi ôn tập. Sắp tới Bộ có định hướng gì khi không công bố cấu trúc đề thi?
- Việc hướng dẫn ôn tập vẫn bình thường, dạy như thế nào cho đạt yêu cầu thì đã có hướng dẫn trong nhiều năm qua. Mức độ của đề thi năm nay cũng không cao hơn những năm trước bao nhiêu, cơ bản là như năm trước. Lo lắng cho việc thi là chuyện bình thường, nhưng không nên lo lắng quá, tự tin mới thắng lợi được.
Tôi muốn nói vì trước đây một số đơn vị của Bộ GD&ĐT có đưa ra cấu trúc đề thi (thi gì, được bao nhiêu điểm ở những phần nào) thì nay có điểm mới hơn là phải yêu cầu cao, thấp ở những phần đó như thế nào, giáo viên cũng đã có hướng dẫn xây dựng ma trận đề thi.
Hiện trên thị trường có nhiều tài liệu tham khảo cho kỳ thi, học sinh có thêm nhiều lựa chọn nhưng cũng có nhiều lo lắng không biết ôn tập như thế nào. Thứ trưởng có lời khuyên như thế nào với học sinh?
- Tôi và các đồng chí ở Bộ đã nhiều lần nói học sinh không nên tham khảo quá nhiều tài liệu, vì hiện nhiều tài liệu có nội dung chất lượng không tốt, nếu phụ thuộc vào tài liệu đó thì sẽ mất thời gian tự học, mất thời gian định hướng hệ thống hóa kiến thức.
Nếu để khuyên con tôi, tôi chỉ khuyên là dùng sách giáo khoa với sự hướng dẫn của các thầy, tự học để có kết quả tốt chứ không phụ thuộc vào sách tham khảo, bởi sách tham khảo cũng chỉ viết đi viết lại, dẫn đi dẫn lại và chỉ biến tấu một ít so với sách giáo khoa.
Học tốt thì thi sẽ tốt, việc này đã chỉ đạo từ nhiều năm và chất lượng giáo dục đã nâng qua từng năm, tự tin thì có thể thi được và tôi hoàn toàn tin vào kết quả thi tốt.
Hiện một số trường đại học cũng sẽ chịu trách nhiệm về cụm thi như Đại học Bách khoa Hà Nội, đơn vị chủ trì một trong số 8 cụm thi liên tỉnh tại Hà Nội lo ngại hàng năm các trường đại học tổ chức tuyển sinh đều phải bù lỗ đến vài trăm triệu đồng khi trường tổ chức thi tuyển cho những thí sinh thi vào trường mình. Năm 2015 có điểm khác là trường chủ trì cụm thi trung học phổ thông, nghĩa là thí sinh đó có thể đăng ký vào bất kỳ trường đại học nào, số lượng thí sinh cũng lớn hơn, đồng nghĩa với việc chi phí bù lỗ sẽ cao hơn?
- Bộ sẽ xem xét cấp thêm kinh phí cho các trường đại học chủ trì cụm thi THPT quốc gia  xuất phát từ thực tế là lệ phí của thí sinh đóng không đủ chi phí cho việc tổ chức thi. Theo Dự thảo Thông tư liên tịch giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Tài chính, mức lệ phí thi dự kiến của thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia là 35.000 đồng/môn. Theo chỉ đạo của Chính phủ, thí sinh sẽ không phải nộp lệ phí cao hơn những năm trước. Do đó, bên cạnh việc Bộ cấp thêm kinh phí, các trường cũng cần phát huy tinh thần tự chủ.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Học sinh chọn ngoại ngữ thi tốt nghiệp ra sao?
Về thắc mắc năm nay học sinh phải thi ba môn bắt buộc gồm toán, văn và ngoại ngữ, tuy nhiên, một số học sinh học chuyên ngữ tiếng Nhật, Pháp... một số em có học thêm tiếng Anh ở bên ngoài trường và cảm thấy tiếng Anh khá hơn. 
Vậy những em này có được chọn thi tiếng Anh thay cho tiếng chuyên ngữ mà các em đang học không, Thứ trưởng Hiển cho biết: Quy chế thi THPT quốc gia và Quy chế tuyển sinh 2015 đại học, cao đẳng hệ chính quy do Bộ ban hành vừa qua, thí sinh không học môn ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng sẽ được Giám đốc Sở GD&ĐT xem xét, quyết định cho phép chọn môn thi thay thế môn ngoại ngữ trong số các môn tự chọn. 
Tuy nhiên ngược lại, dù nhà trường không dạy hoặc các em học chuyên ngữ khác, nếu có nguyện vọng thi thì có quyền đăng ký môn ngoại ngữ mà các em thích hoặc có khả năng thi. Mục đích của kỳ thi là đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho học sinh về năng lực và cơ hội vào các trường đại học, sắp tới Bộ sẽ có hướng dẫn, tập huấn cụ thể về tổ chức kỳ thi này…

Đọc thêm