Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2018

Hôm nay (2/6), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5/2018, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội sau gần nửa chặng đường của năm 2018.
Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2018
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 5/2018. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 5/2018. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Dự kiến tại phiên họp này, Chính phủ sẽ nghe và thảo luận Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2018; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ; báo cáo về việc giao cơ quan lập Quy hoạch Tổng thể quốc gia, Quy hoạch Không gian biển quốc gia và Quy hoạch Sử dụng đất quốc gia; báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ và kết quả kiểm tra 5 tháng năm 2018 của Tổ Công tác của Thủ tướng…

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế-xã hội nước ta tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2018 tiếp tục chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực.

Hầu hết các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đều có kết quả tăng so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2017 tăng 6,6%). Ngành chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng cao, đạt 11,8%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 5 tháng đầu năm 2018 tiếp tục đạt khá, tăng 10,1% so với cùng kỳ, loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ tăng 7,5%).

Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, ước đạt 93,1 tỷ USD (tăng 15,8% so với cùng kỳ). Cả nước xuất siêu khoảng 3,4 tỷ USD, chiếm gần 3,6% kim ngạch xuất khẩu.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tăng khá, đạt 6,75 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Góp vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 2,75 tỷ USD, tăng 53,5% so với cùng kỳ.

Khách du lịch đạt trên 6,71 triệu lượt khách, tăng 27,6% so với cùng kỳ. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm. Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí.

Tuy nhiên, mặc dù nền kinh tế nhìn chung có dấu hiệu khởi sắc nhưng một số ngành tiếp tục gặp khó khăn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,55% so với tháng trước, mức tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây (chủ yếu do tăng giá giao thông 1,72%, dịch vụ ăn uống tăng 0,88%). CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,01%.

Bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm ổn định vĩ mô nêu trên, dự kiến Chính phủ cũng sẽ thảo luận về những vấn đề nổi lên trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại để thống nhất định hướng, giải pháp.

Đọc thêm