Thủ tướng đốc thúc Hà Nội quyết liệt xử lý các sai phạm đất đai

(PLO) - Qua Tổ công tác, Thủ tướng đề nghị, Hà Nội đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; xử lý cán bộ sách nhiễu; quyết liệt, kiên quyết xử lý dứt điểm các vụ sai phạm trong quản lý đất đai…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc.

Chiều nay (22/11), Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu, đã làm việc với UBND TP Hà Nội về thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao.

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chuyển lời khen ngợi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới tới hệ thống chính quyền TP Hà Nội, đặc biệt là đánh giá rất cao vai trò cá nhân của Chủ tịch UBND TP trong việc quyết liệt thực thi nhiệm vụ, chủ động lãnh đạo, không né tránh, không ngại va chạm và có nhiều đổi mới, tạo sự chuyển biến rất mạnh trong hoạt động điều hành của TP.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chuyển lời khen ngợi của Thủ tướng với 9 vấn đề Hà Nội làm tốt.

Trước hết, Thủ tướng ghi nhận TP Hà Nội có nhiều đột phá, sáng tạo trong cải cách hành chính (CCHC), đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đi đầu trong cung cấp dịch vụ công, tạo sự minh bạch trong quản lý điều hành của lãnh đạo TP, nâng cao trách nhiệm của cán bộ thi hành công vụ;  Tiên phong đi đầu trong cả nước về ứng dụng CNTT trong cung cấp dịch vụ công.

Thứ 2 là việc tạo dựng môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư. Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, cơ chế đăng ký kinh doanh của Hà Nội thân thiện, giúp giảm 30% thời gian đăng ký doanh nghiệp, 100% hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng và triển khai tự động quy trình trả kết quả. TP xếp thứ 13 về chỉ số năng lực cạnh tranh. Năm 2018, Hà Nội đã có 25.470 doanh nghiệp đăng ký với tổng vốn đăng ký hơn 280.000 tỉ đồng, chứng minh môi trường đầu tư Hà Nội đã được cải thiện rất tốt.

Thứ 3 là tinh giản bộ máy và sắp xếp bộ máy hành chính công. Hà Nội đã thực hiện 12 đợt tinh giản biên chế với 695 người, 106 đơn vị công lập sang tự chủ hoàn toàn về tài chính. “Đây là việc rất đáng khen ngợi”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết. 

Thời gian qua, TP đã cắt giảm được 8.761 biên chế hưởng lương từ ngân sách, có những chương trình hành động cụ thể triển khai thực hiện nghị quyết Hội nghị trung ương 6. Chi phí thường xuyên của TP chỉ khoảng hơn 50%, giảm nhiều so với trước đó.

Thủ tướng cũng khen ngợi công tác quy hoạch không gian, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật của Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực. Việc phê duyệt các dự án đầu tư công khai, minh bạch hơn, kiểm soát chặt hơn, thanh tra tốt hơn. Các vấn đề người dân bức xúc, dư luận quan tâm được TP giải quyết rất tốt.

“Chúng tôi rất mừng là dù làm quyết liệt như vậy, cải cách, sắp xếp, tinh giảm mạnh như thế nhưng đơn thư của TP Hà Nội lên Chính phủ rất ít. Thực hiện giải phóng mặt bằng, chỉnh trang đô thị chúng ta làm rất tốt nên số lượng đơn thư, số lượt công dân lên phòng tiếp dân của trung ương cơ bản giảm”, Bộ trưởng Dũng nói…

Đánh giá những kết quả như vậy là rất đáng khích lệ nhưng Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý Hà Nội một số vấn đề với mong muốn “đã  tổ chức thực hiện rồi thì thực hiện tốt hơn, làm rồi thì làm tốt hơn để luôn luôn là TP đi đầu cả nước”.

Trong đó, Thủ tướng đề nghị TP quan tâm hơn đến tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn.

Trong vấn đề quy hoạch và tổ chức quy hoạch, cần quan tâm đến đồng bộ, quy hoạch kịp thời, quan tâm đến đô thị hóa, nhất là các địa phương, địa giới hành chính sau khi mở rộng địa giới để có hạ tầng kết nối với trung tâm, cùng với đó cần tính toán tỉ lệ dân cư nội và ngoại đô để có một đô thị thực sự hiện đại.

Thủ tướng cũng đề nghị Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, rà soát và cắt gọn thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng CNTT. “Hà Nội đã đi đầu rồi nhưng mong đợi của người dân, doanh nghiệp thì TP sẽ ứng dụng CNTT mạnh mẽ hơn để cải cách, cắt giảm thời gian, chi phí; đặc biệt là thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là cần mạnh mẽ hơn trong việc chống tiêu cực, tham nhũng vặt”, Bộ trưởng Dũng nói.

Cùng với đó, Hà Nội cũng cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực thi công vụ, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; củng cố xây dựng chính quyền các cấp mang tính chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ nhân dân, xử lý cán bộ sách nhiễu. 

“Quyết liệt, kiên quyết xử lý dứt điểm các vụ sai phạm trong quản lý đất đai. Cùng với đó là quan tâm công tác đền bù giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai”, Bộ trưởng Dũng nói.

Thủ tướng cũng đề nghị Hà Nội cần quan tâm phát triển vùng ngoại ô để tạo đà phát triển chung của cả TP; đề nghị TP tiếp tục thanh kiểm tra và xử lý mạnh mẽ và triệt để trong công tác quản lý môi trường, liên quan đến cháy nổ.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, từ 1/1/2017 đến 15/11/2018, UBND TP Hà Nội đã nhận được 2.594 văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Đến nay đã hoàn thành 1.980 nhiệm vụ; đang triển khai 614 nhiệm vụ, trong đó nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành là 7 nhiệm vụ.

Riêng việc giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, UBND TP nhận được 39 văn bản Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Kết quả đã hoàn thành 34 nhiệm vụ; chưa hoàn thành 5 nhiệm vụ. Các đơn vị được giao đang tiếp tục triển khai thực hiện.

Cũng theo báo cáo của UBND TP, từ năm 2007 đến tháng 11/2018, lãnh đạo TP đã thực hiện định kỳ tiếp dân và xử lý các khiếu nại của công dân, trong đó Chủ  tịch, các Phó Chủ tịch UBND TP đã trực tiếp xử lý các vụ việc khiếu kiện bức xúc quan trọng.

Tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo trung bình hàng năm đạt 85%, nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp đã được giải quyết dứt điểm.

Đọc thêm