Thủ tướng: Hà Nội phải sẵn sàng đổi mới và chấp nhận cái mới

(PLO) - Phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư TP Hà Nội cuối tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Hà Nội phải thực sự cầu thị, sẵn sàng đổi mới và chấp nhận cái mới, có nhiều sáng kiến khuyến khích, hỗ trợ để những mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sáng tạo mới nhanh chóng phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Chấm dứt sự trì trệ trong hành động

Với chủ đề “Hà Nội 2016-Hợp tác Đầu tư và Phát triển”, Hội nghị là dịp để Hà Nội tham vấn ý kiến của đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các hiệp hội, doanh nghiệp, các nhà đầu tư để xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, thông thoáng, minh bạch; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; hướng tới xây dựng nền hành chính phục vụ. Hội nghị cũng nhằm thực hiện Nghị quyết 19/CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016, 2017, định hướng đến năm 2020. 

Nhấn mạnh đến điều kiện tự nhiên thuận lợi, vị trí địa - chính trị đặc biệt quan trọng của Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Hà Nội cần gỡ bỏ các rào cản, phải quyết liệt hành động, giữ gìn bản sắc, chấm dứt sự trì trệ trong hành động; nhất là tạo môi trường đầu tư tốt, bộ máy chính quyền năng động, hiệu quả. 

Trong xây dựng chính quyền điện tử, Thủ tướng lưu ý Hà Nội cần áp dụng tối đa công nghệ thông tin vào phục vụ doanh nghiệp và người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính cũng như xây dựng hệ thống quản lý thông tin để giúp lãnh đạo thành phố có thể theo dõi sát sao và chỉ đạo kịp thời, đảm bảo thực hiện nghiêm túc các cam kết với doanh nghiệp, người dân.

“Hà Nội thông qua công nghệ thông tin, khái niệm minh bạch sẽ tốt hơn. Làm sao cần tạo được động lực để từng đơn vị, từng cán bộ phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Chẳng hạn thí điểm áp dụng chương trình chấm điểm của người dân và doanh nghiệp ở một số cơ quan, quận, huyện trên địa bàn thành phố, hoặc có cơ chế ghi nhận, khuyến khích kịp thời với các cơ quan, cán bộ làm tốt, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm”, Thủ tướng nhấn mạnh. 

Hà Nội phải trở thành trung tâm khởi nghiệp

Đánh giá cao và tin tưởng Hà Nội sẽ có chuyển biến nhanh chóng, đúng hướng, Thủ tướng đề nghị Hà Nội đi tiên phong và trở thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm sáng tạo của cả nước. Hà Nội phải thực sự cầu thị, sẵn sàng đổi mới, sẵn sàng chấp nhận cái mới, có nhiều sáng kiến khuyến khích, hỗ trợ để những mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sáng tạo mới nhanh chóng phát triển ở Hà Nội thay vì phải thành lập ở nước ngoài để thoát khỏi gánh nặng thủ tục hành chính. 

Thủ tướng cũng chỉ rõ, là điểm đến quốc tế quan trọng, với nhiều Dự án FDI công nghệ hiện đại đang và sẽ đầu tư trên địa bàn, do vậy Hà Nội cần phát triển trong mối liên kết vùng, để mở rộng không gian phát triển, cộng hưởng những lợi thế sẵn có. Để giữ gìn vẻ đẹp truyền thống của Hà Nội - một trong những thành phố đẹp nhất của cả nước - Thủ tướng đề nghị thành phố cần đổi mới việc quy hoạch, có sự tham gia ý kiến của doanh nghiệp, người dân, các chuyên gia và các ngành liên quan.

Chính phủ khuyến khích Hà Nội thí điểm áp dụng các sáng kiến, các thông lệ tốt của quốc tế trong cải cách doanh nghiệp nhà nước và quản lý tài sản công để nâng cao tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch và gia tăng hiệu quả sử dụng vốn và tài sản công, tránh thất thoát, lãng phí, huy động được nguồn lực to lớn này cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô. 

Thông qua Hội nghị, TP Hà Nội cam kết cải thiện môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, sản xuất kinh doanh; thực hiện cải cách hành chính với các giải pháp cụ thể. Thành phố cũng sẽ tăng cường đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hệ thống hạ tầng khung như giao thông, cấp, thoát nước, điện, viễn thông,… tạo diện mạo đô thị hiện đại, văn minh. 

Trong dịp này, UBND TP Hà Nội đã ký 8 biên bản ghi nhớ, hợp tác với 7 tổ chức, tập đoàn, nhà đầu tư và ký biên bản ghi nhớ triển khai 7 chương trình an sinh xã hội với 16 đơn vị, nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, thành phố cần huy động khoảng 2,5-2,6.000.000 tỷ đồng vốn đầu tư xã hội. Trong đó, vốn đầu tư ngân sách chiếm khoảng 20%; vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước và vốn đầu tư nước ngoài khoảng 80%. Như vậy, đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ là nòng cốt cho sự phát triển kinh tế của Thủ đô. 

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Hà Nội giới thiệu và kêu gọi đầu tư đối với 43 dự án trên địa bàn trong năm 2016; trong đó, có 15 dự án trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại; 5 dự án hạ tầng kỹ thuật; 2 dự án nông nghiệp; 11 dự án hạ tầng xã hội và 10 dự án kêu gọi nhà đầu tư lập quy hoạch, đầu tư xây dựng, cải tạo đồng bộ các khu chung cư cũ trên địa bàn thành phố.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cam kết ngay từ tháng 6/2016, các hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được giải quyết trong 2 ngày làm việc; cắt giảm đến 40% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư; giảm 20% thủ tục hành chính trong các lĩnh vực giải phóng mặt bằng, thu hồi đất; giảm 50% trong lĩnh vực quy hoạch…  

Đọc thêm