Thủ tướng: “Kiên quyết bảo vệ độc lập chủ quyền, lãnh thổ quốc gia“

(PLO) - “Chúng ta chân thành làm hết sức mình để tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp  tác, bình đẳng cùng có lợi, cùng phát triển trên các lĩnh vực. Đồng thời, chúng ta kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, lợi ích quốc gia", Thủ tướng khẳng định khi trả lời chất vấn liên quan đến vấn đề biển Đông, vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn trong phiên họp QH ngày 18/11.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn trong phiên họp QH ngày 18/11.
Sáng nay, đúng theo kế hoạch, Thủ tướng đăng đàn trả lời chất vấn của ĐBQH. Có 18 ĐBQH đặt câu hỏi cho Thủ tướng với 24 câu hỏi trực tiếp.  
Về vấn đề biển Đông, vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo - nội dung được ĐBQH và cử tri quan tâm nhất, Thủ tướng cho biết: Theo chỉ đạo của Bộ chính trị, Chính phủ đã nhiều lần trình bày trước QH, quan điểm, lập trường, chủ trương của Đảng, Nhà nước là rõ ràng, nhất quán, cơ bản là phù hợp và đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Chúng ta cần tiếp tục kiên định, kiên trì sáng tạo, thể hiện hiệu quả các lập trường, quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với các vấn đề mà ĐBQH đã chất vấn.
“Tôi xin không nhắc lại mà chỉ nhấn mạnh: Chúng ta chân thành làm hết sức mình để tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp  tác, bình đẳng cùng có lợi, cùng phát triển trên các lĩnh vực. Đồng thời, chúng ta kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, lợi ích quốc gia. Theo đúng các chủ trương nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước cũng như hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế nhất là Công ước luật biển, các cam kết khu vực…
Cùng với phát triển kinh tế xã hội, chúng ta tăng cường an ninh quốc phòng, nâng cao đối ngoại,  đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, sức mạnh toàn dân tộc, tranh thủ sự ủng hộ đồng tình của quốc tế về chân lý, lẽ phải của chúng ta; gìn giữ hòa bình, ổn định để tạo môi trường thuận lợi cho xây dựng, phát triển Tổ quốc”, Thủ tướng nói.
Trước đó, mở đầu phần trả lời chất vấn của mình, Thủ tướng một lần nữa báo cáo tóm tắt về tình hình kinh tế xã hội đến tháng 11/2015. Thủ tướng khẳng định tình hình kinh tế xã hội đang chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định. Thủ tướng cũng đã hứa với QH, Chính phủ sẽ khẩn trương triển khai các nghị quyết của QH.
Về kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa (XHCN), Thủ tướng khẳng định đây là chủ tưởng lớn của Đảng, Nhà nước đã được đề cập trong Cương lĩnh, Hiến pháp và nhiều văn kiện quan trọng khác.
Trả lời chất vấn của các ĐB về việc nói rõ nội hàm phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN  những giải pháp Chính phủ đã và đang thực hiện, Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề có phạm vi rộng, trong phạm vi phiên chất vấn, Thủ tướng chỉ có thể nói được một số vấn đề trọng tâm. 
Một trong những trọng tâm Thủ tướng nói về nền kinh tế thị trường là mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đặt ra đối với nền kinh tế thị trường. Thủ tướng khẳng định nhiệm vụ của nền kinh tế thị trường là lấy mục đích quốc gia, mục đích dân tộc làm mục tiêu cao nhất, Nhà nước tập trung tạo dựng môi trường thuận lợi để người dân được tự do sáng tạo trong kinh doanh, minh bạch trong cơ chế thị trường. Đây là sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế luật pháp, cơ chế chính sách..., để phát triển đồng bộ các thành phần kinh tế thị trường theo hướng  hiện đại, chú trọng những loại hình mới.
Về vấn đề thực hiện mục tiêu chương trình nghị sự 2030, Thủ tướng cho biết trong 15 năm qua, Việt Nam đã thực hiện được nhiều mục tiêu được bạn bè quốc tế đánh giá cao, được coi là 1/6 quốc gia  hoàn thành trước thời hạn về giảm nghèo. 
“Hiện nay trên thế giới vẫn còn 1,4 tỷ người đang sống trong nghèo cùng cực, chúng ta cũng đã hoàn thành nhiều mục tiêu quan trọng khác như về phổ cập tiểu học, bình đẳng giới, giảm tỉ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh…”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng khẳng định đạt được thành tựu nêu trên là sự nỗi lực của toàn dân, sự hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức quốc tế. Đặt biệt là do chúng ta kiên trì nhất quán tăng trưởng kinh tế, kết hợp hài hòa với gìn giữ văn hóa, phát triển bền vững, coi con người là trung tâm mục tiêu phát triển. 
Thủ tướng cũng thông tin LHQ đã xác định được 17 mục tiêu của Chương trình. Đó là những mục tiêu của nhân loại về cuộc sống bền vững, khát vọng xanh, phù hợp khát vọng  dân tộc ta phát triển xanh, bền vững, dân giàu, nước mạnh, công bằng, văn minh. Liên hiệp quốc đang tiếp tục bàn, và dự kiến đầu 2016 sẽ cung cấp bộ chỉ tiêu.
“Là thành viên LHQ, Việt Nam sẽ phấn đấu thực hiện chương trình nghị sự 2030. Chính phủ sẽ xây dựng  chương trình tổng thể, trong đó xác định mục tiêu ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm, và sẽ lồng ghép vào kết hoạch phát triển kịnh tế xã hội của cả nước của từng ngành, từng địa phương", Thủ tướng cho biết thêm.
Trả lời chất vấn về giảm nghèo đa chiều – Thủ tướng cho biết, giảm nghèo là mục tiêu phát triển bền vững là mục tiêu của Đảng, Nhà nước. Chúng ta quyết định chuyển phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều.
Thủ tướng khẳng định đây là một phương pháp tiếp cận đúng đắn đã được các quốc gia trên thế giới nghiên cứu, đưa ra kết luận về tính đúng đắn, khả thi.
“Trong những năm qua, áp dụng các biện pháp đồng bộ, quyết liệt, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm, các huyện nghèo cũng đã giảm. Nhìn lại 20 năm qua khoảng 30 triệu người thoát nghèo, đây là thành tựu nổi bật, được quốc tế đánh giá cao. Việc xác định chuẩn nghèo đơn chiều như đã thực hiện đã bộc lộ nhiều hạn chế, việc phân loại đánh giá đối tượng nghèo thiếu tính tổng thể, toàn diện”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng khẳng định, phương pháp đo lường giảm nghèo đa chiều không chỉ sử dụng tiêu chí thu nhập là một phương pháp phù hợp Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hiệp quốc. Thủ tướng đã phê duyệt đề án tổng thể từ đơn chiều sang đa chiều và sẽ sớm ban hành văn bản cụ thể.
Thủ tướng cũng đã trả lời câu hỏi của các ĐB liên quan đến quyền lợi của người lao động khi tham gia Hiệp định TTP. Trong phần trả lời của mình, Thủ tướng khẳng định quyền lợi của người lao động luôn là ưu tiên số một và luôn được bảo đảm.

Đọc thêm