Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải không ngại va chạm, không né tránh

(PLVN) - Đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối với Tổ công tác của Thủ tướng tại Hội nghị Tổng kết kết quả 3 năm và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Tổ công tác, diễn ra hôm qua (21/1). 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị

Phát hiện những khoảng trống pháp lý cần điều chỉnh

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được cũng như tinh thần, trách nhiệm của Tổ công tác. Tổ đã làm việc với tinh thần quyết liệt, chủ động, không né tránh, không ngại va chạm, đặc biệt là cá nhân đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác.

Theo Thủ tướng, Tổ công tác tuy không phải cơ quan hành chính nhưng tạo được dấu ấn, chống lại sự trì trệ, thực hiện đưa chủ trương của Đảng, Chính phủ, Nhà nước vào cuộc sống. Kết quả như vậy đã tạo chuyển biến tích cực trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

“Các đồng chí đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương, đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính tại các cơ quan nhà nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho biết, đầu nhiệm kỳ, thực trạng số nợ đọng những chủ trương, quyết định quan trọng của Chính phủ quá lớn. “Theo báo cáo lúc bấy giờ là 1/4 số nhiệm vụ nợ đọng. Lớn lắm (!). Trong đó, nhiều bộ, ngành có sự trì trệ, chậm trễ trong thực hiện. Cơ chế, chính sách nhiều nhưng chưa đi vào thực tiễn cuộc sống hoặc không tháo gỡ kịp thời nên nảy sinh lợi ích nhóm, thực thi pháp luật kém, tham nhũng chính sách, ách tắc, chậm trễ trong thực thi nổi lên. Kỷ luật, kỷ cương trong cán bộ công chức còn nhiều bất cập”, Thủ tướng nói và cho biết, trước thực tế này, tháng 8/2016, Thủ tướng đã quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng để kiểm tra, đôn đốc, xử lý, giải quyết vấn đề trên.

Cùng với đó, Thủ tướng cho biết Tổ công tác ra đời để giải quyết những việc cấp bách, chống trì trệ trong xã hội, trong bộ máy hành chính và tránh tình trạng các bộ, ngành, địa phương “bắn chỉ thiên lên trời”. “Tức là việc ông thì ông cứ nói, nhưng đi vào cuộc sống hay không, thực hiện hay không thì tuỳ”, Thủ tướng nêu thực tế.

Kết quả lớn nhất sau 3 năm của Tổ công tác là đã phát hiện nhiều khó khăn, vướng mắc do cơ chế chính sách. Điều đầu tiên các bộ, ngành đã cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành. Đây là sáng kiến áp dụng mạnh mẽ, đôn đốc quyết liệt các bộ, ngành, cơ quan, thuộc nhóm cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh.

Thứ hai, Tổ công tác đã phát hiện những khoảng trống pháp lý cần điều chỉnh. Cái nào chồng lấn thì cắt bỏ đi, cái gì trống thì phải ban hành thể chế, chính sách để quản lý tốt hơn. Thứ ba, nhiều vấn đề bức xúc trong chỉ đạo, điều hành của bộ, ngành, Chính phủ đã được tập trung tháo gỡ. Ví dụ như vấn đề giải ngân vốn đầu tư…

Một thành công lớn nữa được Thủ tướng cho biết, Tổ công tác đã tạo áp lực cho các bộ, các cơ quan hành chính trong bộ máy chính trị để cải cách, đổi mới, chống trì trệ trong các cơ quan nhà nước. Đặc biệt, đã huy động nhiều lực lượng tham gia, như các hiệp hội, doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu...

Cần mạnh dạn hơn nữa

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của Tổ công tác trong thời gian qua. Đó là tình trạng nể nang trong thực thi nhiệm vụ; còn bộ, cơ quan, địa phương được kiểm tra chưa hoàn thành nhiệm vụ theo đúng thời gian, vẫn báo cáo xin lùi thời gian, nhiều đề án lùi từ tháng này sang tháng khác.

“Đây là vấn đề kỷ cương, kỷ luật công vụ, cần kiên quyết khắc phục. Nói chung, chúng ta đã triển khai vấn đề tốt, nhưng vẫn còn có trường hợp còn  nể nang. Cần mạnh tay hơn, thẳng thắn hơn với Bí thư, Chủ tịch, Bộ trưởng, Thứ trưởng các bộ trong vấn đề thực thi triển khai nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao “mất lòng trước thì đỡ mất lòng sau” - cần mạnh dạn hơn nữa, không được né tránh”, Thủ tướng lưu ý.

Cũng theo Thủ tướng, việc kiểm tra các bộ, cơ quan địa phương mới dừng ở việc kiểm tra theo đầu việc, theo dõi tiến độ mà chưa kiểm tra, đánh giá chất lượng kết quả thực hiện công việc được giao. Trong kiểm tra còn nhiều vướng mắc, bất cập của các bộ chưa được phát hiện, một số kiến nghị của các cơ quan được kiểm tra nhiều khi chưa được giải quyết thoả đáng.

Nêu nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị, Tổ công tác phải vào cuộc mạnh mẽ hơn trong nhiệm vụ được giao. “Tổ công tác năm nay phải “bứt phá” thế nào để thực hiện phương châm hoạt động của Chính phủ?”, Thủ tướng đặt vấn đề và cho biết, Tổ công tác không làm thay cơ quan quản lý nhà nước, bộ, ngành mà phải tập trung tháo gỡ vướng mắc trong thể chế, chính sách, tìm nguyên nhân.

Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác cần tập trung vào một số việc lớn, thậm chí cần đi cơ sở để nghe, tháo gỡ những vấn đề đặt ra. Cần kiểm tra triển khai thực hiện các chủ trương của Nghị quyết 01, 02, bao gồm cả việc kiểm tra đột xuất một số việc nổi cộm mà dư luận phản ánh hay các thành viên phát hiện được. 

Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác cần tiếp tục đổi mới phương thức làm việc. “Tình trạng trên nóng dưới lạnh năm nay khắc phục được không?”, Thủ tướng đặt câu hỏi và yêu cầu cần có lực đẩy để khắc phục mạnh mẽ việc này. Tổ công tác chỉ kiểm tra, đôn đốc nhiệm vụ, chứ không phải giao thêm việc cho các cơ quan. Trước và sau kiểm tra phải có báo cáo với Thủ tướng. 

Đọc thêm