Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chấn chỉnh thực trạng đào tạo tiến sĩ

Nhận định đa số các luận án tiến sĩ không được áp dụng trong thực tiễn, nhiều tiến sĩ nhưng lại thiếu những công trình khoa học có giá trị đối với xã hội, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải nghiêm túc chấn chỉnh thực trạng này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chấn chỉnh thực trạng đào tạo tiến sĩ

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2015-2016, triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017 với sự tham dự của lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chất lượng đào tạo sau đại học (tiến sĩ, thạc sĩ) đáng lo ngại. Đây là sự phản ánh của bệnh thành tích, sính bằng cấp. Đa số các luận án tiến sĩ không được áp dụng trong thực tiễn; nhiều tiến sĩ nhưng lại thiếu những công trình khoa học có giá trị đối với xã hội. “Việc này cần phải nghiêm túc chấn chỉnh”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho biết thêm, hiện vẫn còn những hiện tượng tiêu cực trong tuyển sinh, thi và cấp bằng… Người dân vẫn rất lo lắng đối với việc học hành của con em, từ việc xin vào học ở đầu cấp học, nhất là ở thành phố, đến học thêm, dạy thêm, học phí... Lãnh đạo Bộ Giáo dục Đào tạo phải lắng nghe các bất cập này để giải quyết trong thời gian tới”.

Cho rằng nhiều hạn chế, yếu kém gần đây của ngành đã được khắc phục một bước nhưng chưa thật căn bản, Thủ tướng nhấn mạnh một số điểm. Đó là chưa coi trọng đúng mức đến giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, gây lo ngại cho xã hội với nhiều vụ bạo lực học đường gây bức xúc xã hội; còn nhiều tội phạm vị thành niên.

Phải làm sao để các em biết kính trên nhường dưới; sống trong tập thể và có trách nhiệm; yêu nước, yêu lịch sử, truyền thống dân tộc. Trình độ ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh của học sinh phổ thông còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh chúng ta ngày càng hội nhập sâu. Đặc biệt là học sinh của chúng ta còn thiếu kỹ năng sống dẫn đến nhiều trẻ đuối nước hoặc bị tai nạn thương tích.

Khắc phục quá tải đối với học sinh phổ thông còn rất chậm. Nhiều nội dung học không có giá trị thực tiễn cho cuộc sống sau này của đa số học sinh, trong khi đó kiến thức toàn diện về văn, thể, mỹ còn rất thiếu.

Giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp chất lượng hạn chế, chưa gắn với nhu cầu xã hội, thị trường lao động, dẫn đến nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm đúng chuyên môn, thất nghiệp.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu lao động, nhất là lao động có chuyên môn cao. Nội dung học tập và kết quả học tập, nghiên cứu trong trường đại học chưa gắn với yêu cầu thực tiễn cuộc sống. Số lượng trường đại học tăng nhanh nhưng điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu.

Cơ sở vật chất của nhiều cơ sở giáo dục còn thiếu và lạc hậu; phòng học, thư viện, nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn quy định. Cơ sở vật chất trường học ở vùng sâu, vùng xa còn rất nhiều khó khăn; một bộ phận trẻ em, con em Việt kiều từ Campuchia hồi hương chưa được đến trường. Cần phải quan tâm không để trẻ em học trong các phòng học tạm bợ, hoặc sử dụng nhà vệ sinh mà không bảo đảm vệ sinh, thậm chí là không có… Bên cạnh đó, việc xây dựng nhà trẻ ở các khu công nghiệp đã được nêu ra từ lâu nhưng triển khai còn rất chậm.

“Xu hướng già hóa dân số ngày càng nhanh, nguy cơ chưa giàu đã già sẽ trở thành hiện thực nếu chúng ta không có những đột phá, tạo chuyển biến nhanh trong công tác giáo dục đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động”, Thủ tướng cảnh báo và lưu ý ngành giáo dục và đào tạo về một số phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai thời gian tới.

Đọc thêm