Thủ tướng: Phát triển Chính phủ điện tử là một điểm sáng nổi bật trong nhiệm kỳ

(PLVN) - Phát biểu khai mạc phiên họp của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban - cho biết, việc chỉ số Chính phủ điện tử (CPĐT) của các nước trong khu vực tăng mạnh đồng nghĩa với môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo của các nước này tiếp tục tăng, là đối tượng cạnh tranh với nước ta trên các lĩnh vực…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc phiên họp của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc phiên họp của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Theo Báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển CPĐT năm 2020 của Liên Hợp Quốc, xếp hạng chỉ số phát triển CPĐT của Việt Nam đứng thứ 86/193 quốc gia, tăng 2 bậc so với năm 2018. Dù Việt Nam có nhiều cố gắng trong xây dựng và phát triển CPĐT, tuy nhiên, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn giữ nguyên vị trí thứ 6. Năm nước có vị trí cao hơn Việt Nam là Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei, Philippines.

Đặc biệt, sự thăng hạng của một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan từ 73 lên 57, Indonesia từ 107 lên 88, Campuchia từ 145 lên 124, Myanmar từ 157 lên 146.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc chỉ số Chính phủ điện tử của các nước trong khu vực tăng mạnh đồng nghĩa với môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo của các nước này tiếp tục tăng, là đối tượng cạnh tranh với nước ta trên các lĩnh vực...

Thủ tướng nhấn mạnh đây là thách thức lớn đối với chúng ta, cần thấy rõ vấn đề này để có phấn đấu cao hơn.

Thủ tướng nêu rõ với việc ban hành Nghị quyết 17, lần đầu tiên chúng ta có kế hoạch tổng thể về triển khai Chính phủ điện tử ở Việt Nam. Nghị quyết 17 đã chú trọng vào việc xây dựng thể chế và yêu cầu nền tảng dùng chung. Đây là hai vấn đề quan trọng mà chúng ta chưa làm được trong nhiều năm.

Điểm lại một số kết quả nổi bật, Thủ tướng cho biết, cùng với những thành tựu quan trọng, toàn diện về kinh tế-xã hội, những nỗ lực mạnh mẽ trong chỉ đạo thực hiện và những kết quả quan trọng đạt được trong xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử là một điểm sáng nổi bật trong nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua, nhất là năm 2020.

Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử. Ảnh: VGP/Quang Hiếu 

Theo các báo cáo tại phiên họp, nhiều văn bản quan trọng định hướng phát triển CPĐT được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành kịp thời. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên quy mô toàn quốc đã được phát triển và hình thành theo Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam, bao gồm: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia và các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh; Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia đã kết nối với trên 200 hệ thống thông tin của 90 cơ quan, đơn vị để kết nối chia sẻ dữ liệu quy mô quốc gia).

Một số cơ sở dữ liệu quy mô quốc gia đã được xây dựng và phát huy hiệu quả như các cơ sở dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, y tế, giáo dục, hộ tịch. Trong đó, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được khai trương ngày 25/02/2021, đánh dấu mốc son đặt nền tảng hình thành công dân số trên cơ sở đổi mới tổ chức, quản lý, chia sẻ, khai thác thông tin dân cư chính xác, thống nhất hiện đại, là cú hích giảm giấy tờ thủ tục hành chính đáng kể. Trên 90% văn bản điện tử được trao đổi giữa các cơ quan nhà nước; trên 4,5 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia.

Một số hoạt động xây dựng Chính phủ điện tử thời gian vừa qua.
Một số hoạt động xây dựng Chính phủ điện tử thời gian vừa qua. 

Nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã làm chủ các công nghệ cốt lõi, phát triển các nền tảng công nghệ cho chuyển đổi số (đến nay có khoảng 40 nền tảng “Make in Việt Nam” được ra mắt).

Tuy nhiên, vẫn còn các tồn tại, hạn chế lớn cần được đẩy mạnh khắc phục trong thời gian tới. Môi trường pháp lý cho CPĐT chưa hoàn thiện. Tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vẫn thấp (mới đạt 31%). Hạ tầng công nghệ thông tin nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu đồng bộ...

Với tinh thần như vậy, Thủ tướng đề nghị các thành viên Ủy ban, các đại biểu phát biểu tập trung vào 3 nội dung. Thứ nhất, nhận diện tồn tại, hạn chế, vướng mắc làm cản trở việc xây dựng CPĐT ở nước ta, từ đó tìm đúng nguyên nhân. Thứ 2, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đẩy nhanh tiến trình xây dựng CPĐT trong thời gian tới. Thứ 3, thảo luận về các giải pháp để tăng cường chuyển đổi số quốc gia, giao dịch điện tử, phát triển nhiều sản phẩm chuyển đổi số “Make in Việt Nam”.

Về định hướng nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh công tác xây dựng thể chế, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, triển khai hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, để giảm giấy tờ trong xử lý thủ tục hành chính.

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, bảo đảm đến tháng 7/2021 hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai theo quy định.

Về các nền tảng Chính phủ điện tử, các bộ, ngành, địa phương sử dụng, khai thác hiệu quả các dịch vụ cung cấp trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, chủ động chia sẻ cung cấp dữ liệu của mình cho các cơ quan nhà nước khác...

Thủ tướng nhấn mạnh 100% cơ quan, tổ chức nhà nước hoàn thành xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin và đề xuất phương án bảo đảm an toàn thông tin.

Các bộ, ngành, địa phương hoàn thành xây dựng, triển khai ngay các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số cho giai đoạn mới; quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp duy trì, tiếp tục phát triển các hoạt động trực tuyến, ứng dụng công nghệ số trong mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội như đã được hình thành trong thời gian dịch COVID-19.

Đọc thêm