Thủ tướng trăn trở về cơ chế chọn nhân tài khi góp ý dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng

(PLVN) - Chiều nay (10/11), thảo luận tại tổ góp ý các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá cao nội dung các dự thảo này.
 Thủ tướng đặt vấn đề cơ chế nào, cách làm nào chọn nhân tài? (Ảnh minh hoạ: baoquocte)
Thủ tướng đặt vấn đề cơ chế nào, cách làm nào chọn nhân tài? (Ảnh minh hoạ: baoquocte)

Chấm dứt "trò" đề bạt cán bộ bằng tiền

Góp ý vào các dự thảo văn kiện, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong thu hút nguồn lực thì nguồn lực con người rất quan trọng. Trong đó, đề cập đến chính sách thu hút người tài, nhất là cho các vị trí đứng đầu bộ máy, Thủ tướng khẳng định, chủ trương chống tham nhũng ở cấp Trung ương là đúng, song hiện nay phân cấp cho địa phương vô cùng lớn về nguồn lực, tài lực, nhân lực. “Vì thế, chính các tỉnh, thành phố phải trong sáng, chứ không phải đề bạt một cán bộ tốn bằng này tiền đâu, chấm dứt trò ấy đi”, Thủ tướng nói và đặt vấn đề cơ chế nào, cách làm nào chọn nhân tài?

Chỉ rõ việc quản trị không hề dễ đối với đất nước 100 triệu dân, Thủ tướng cho rằng, hệ thống thể chế, bộ máy là rất quan trọng. Đặc biệt, phải có cơ chế giám sát, đánh giá cán bộ sao cho xứng đáng với niềm tin của nhân dân. Cũng vì thế, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của Quốc hội - là cơ quan dân cử, bởi theo ông, người làm chính quyền không thể không thông qua cơ quan giám sát. “Một mình một ngựa không ổn đâu, đó là vì sao phải báo cáo định kỳ và lấy phiếu tín nhiệm trước Quốc hội”, Thủ tướng nói.

Việc “nêu gương” sẽ là trọng tâm then chốt

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (Đoàn TP HCM) cho rằng, việc Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng đề cập “xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh” và trong dự thảo lần này bổ sung “hệ thống chính trị” đã khẳng định Đảng ta rất coi trọng xây dựng “kiềng 3 chân” gồm xây dựng Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Cùng với đó, "trong dự thảo văn kiện lần này đưa việc “nêu gương” phải thực sự trở thành nội dung quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng, đây sẽ là đột phá, là trọng tâm then chốt" - đại biểu Tô Thị Bích Châu nhận định. Đại biểu cũng đề nghị tiếp tục hoàn thiện thể chế trong công tác cán bộ, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Trong đó, việc tổ chức thực hiện phải có cơ chế rõ ràng, bởi từng nơi, từng vùng và từng lĩnh vực có sự khác nhau.

Theo Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội), cần có những phân tích sâu sắc hơn về mục tiêu, nhiệm vụ, căn cứ, cơ sở phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới và giải pháp thực hiện; đồng thời xác định tính trọng tâm, trọng điểm trong các đột phá chiến lược; cụ thể hóa hơn các nội hàm về đổi mới thể chế trong từng lĩnh vực và rà soát lại tính bao quát, tính khả thi của một số chỉ tiêu, nhất là chỉ tiêu về tỷ lệ che phủ rừng để bảo đảm tính nhất quán trong các báo cáo.

Góp ý về vấn đề đổi mới sáng tạo trong dự thảo văn kiện, đại biểu Trần Thị Hiền (Đoàn Hà Nam) cho rằng, vấn đề đổi mới sáng tạo rất cần được nêu thành một yêu cầu ngay trong đột phá thứ nhất về hoàn thiện thể chế, vì đổi mới sáng tạo là yêu cầu bao trùm lên mọi lĩnh vực, mà trước hết là đổi mới sáng tạo về năng lực quản trị quốc gia bằng thể chế, bằng hệ thống pháp luật cởi mở, tạo bệ phóng cho các ý tưởng sản xuất, kinh doanh có tính vượt trội.

Đọc thêm