Thủ tướng yêu cầu đưa lao động Việt bị hành hung tại Algeria về nước

(PLO) -Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa yêu cầu Bộ Ngoại giao phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan làm việc với cơ quan chức năng Algeria để có những biện pháp bảo vệ quyền lợi của người lao động và bảo hộ công dân Việt Nam.
 lao động Việt Nam tại Algeria đang trò chuyện với phóng viên TTXVN. Ảnh: Thanh Bình-Quang Hồng/TTXVN
lao động Việt Nam tại Algeria đang trò chuyện với phóng viên TTXVN. Ảnh: Thanh Bình-Quang Hồng/TTXVN

Đồng thời, Cục Quản lý lao động ngoài nước và Công ty Simco Sông Đà tiếp tục theo dõi vụ việc, trao đổi với đối tác Trung Quốc để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người lao động theo hợp đồng đã ký kết và khẩn trương giải quyết những trường hợp lao động có nguyện vọng về nước.

Các doanh nghiệp cử lao động phải có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra điều kiện của lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài, thường xuyên cập nhật, thông báo cho Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại Danh sách lao động Việt Nam ở địa bàn để phối hợp quản lý, kịp thời triển khai công tác bảo hộ công dân khi có vụ việc xảy ra.

Trước đó, ngày 16/9/2015, Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria nhận được yêu cầu của một số lao động Việt Nam đề nghị giúp đỡ đưa về nước do bị chủ sử dụng Trung Quốc chèn ép, đánh đập.

Bộ Ngoại giao cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc, Bộ Ngoại giao đã yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria cử đại diện đến làm việc với chủ sử dụng lao động, gặp gỡ công nhân Việt Nam nắm tình hình, đồng thời tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết.

Trong tháng 9/2015, Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria cũng đã nhiều lần cử cán bộ đến hiện trường để làm rõ các thông tin liên quan, thăm hỏi các lao động Việt Nam đang gặp khó khăn, cũng như phối hợp với đại diện công ty phái cử lao động là SIMCO Sông Đà làm việc cụ thể với đối tác sử dụng lao động yêu cầu phía đối tác giải quyết dứt điểm vụ việc, tôn trọng các cam kết giữa hai bên, đảm bảo đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam, đối xử nhân đạo với các lao động Việt Nam.

Cuộc sống khó khăn của lao động Việt Nam tại Algeria. Ảnh: Thanh Bình-Quang Hồng/TTXVN

Cuộc sống khó khăn của lao động Việt Nam tại Algeria. Ảnh: Thanh Bình-Quang Hồng/TTXVN

Đại sứ quán đang tiếp tục theo dõi sát vụ việc, lên các phương án can thiệp phù hợp để đảm bảo đầy đủ các quyền và lợi ích chính đáng của lao động Việt Nam.
Thông tấn xã Việt Nam đưa tin, nhóm lao động Việt Nam nói trên nằm trong số 55 người do Công ty Simco Sông Đà tuyển sang làm việc cho Công ty Đông Nhất Giang Tô tại tỉnh Khenchela (Khen-che-la), cách thủ đô Algier hơn 460 km về phía Đông.

Nhóm này đã bị tách ra và được đưa xuống một công trường khác cũng của nhà thầu Trung Quốc này tại Ain Defla, cách thủ đô Algiers gần 200 km về phía Nam, sau vụ hành hung 2 công nhân vào ngày 16/9

Theo các công nhân Việt Nam, hợp đồng lao động mà họ đã ký là làm theo công nhật được trả lương tháng nhưng lại bị chủ Trung Quốc ép chuyển sang làm khoán.

Các công nhân Việt Nam đã không đồng ý, phản đối và điều này đã dẫn đến việc họ bị phía nhà thầu Trung Quốc hành hung. 


Đọc thêm