“Thuận thiên” để phát triển bền vững và thịnh vượng cho vùng ĐBSCL

(PLVN) - Ngày 13/3, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và chủ trì Hội nghị lần thứ ba về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, với nhiều chủ trương, chính sách phát triển để phát huy tiềm năng, lợi thế tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng. 

Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH đánh dấu bước đột phá lớn trong tư duy, định hình chiến lược phát triển vì tương lai thịnh vượng, bền vững của ĐBSCL theo hướng tổng thể, tích hợp phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng với tầm nhìn dài hạn, tăng cường kết nối phát triển giữa các địa phương trong vùng, bảo đảm tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm thông qua cơ chế điều phối thống nhất.

“Chính phủ mong rằng, Hội nghị quan trọng này sẽ tiếp tục thúc đẩy hành động của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân vùng ĐBSCL cùng với sự hỗ trợ, hợp tác của cộng đồng quốc tế để các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết và Chương trình hành động tổng thể được triển khai hiệu quả, nhằm phát triển bền vững và thịnh vượng cho vùng ĐBSCL trong  thời gian tới”, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc Hội nghị (Ảnh: VGP)
 Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc Hội nghị (Ảnh: VGP)

Báo cáo tại Hội nghị, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, có thể khẳng định ĐBSCL có những thay đổi, chuyển mình mạnh mẽ theo hướng thuận thiên, bền vững; sinh kế, đời sống của nhân dân được từng bước cải thiện; bức tranh phát triển ĐBSCL ngày càng được điểm tô bằng nhiều gam màu tươi sáng.

Chủ trương "thuận thiên" từng bước phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, tư duy và hành động của các cấp, ngành, địa phương vùng ĐBSCL, được người dân và doanh nghiệp tích cực tham gia hưởng ứng, đồng thời huy động được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển. Dù thời gian triển khai thực hiện chưa dài, nhưng đến nay đã đạt được một số kết quả ban đầu rất quan trọng.

Chính phủ đã tập trung chỉ đạo xây dựng, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách cho phát triển bền vững vùng ĐBSCL theo 4 lĩnh vực chính: Năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng; Hạ tầng và kỹ thuật môi trường; Nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; Chế biến thực phẩm và các dịch vụ vận tải (logistics) liên quan.

Qua đó góp phần thu hút các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào nông nghiệp, tăng cường liên kết 4 nhà: nhà quản lý, nhà đầu tư, nhà khoa học và nhà nông để nâng cao chuỗi giá trị, tạo chỗ đứng cho các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường thế giới; sửa đổi chính sách đất đai gỡ các nút thắt nhằm tạo cơ chế thông thoáng thu hút đầu tư.

Chuyển đổi cơ cấu kinh tế đạt được một số kết quả tích cực, nhất là trong nông nghiệp đã khẳng định chủ trương đúng đắn thuận thiên, chúng ta chủ động thích ứng với tác động của BĐKH, sống chung và coi lũ, nước mặn, nước lợ là tài nguyên để phát triển kinh tế với phân vùng hợp lý trên cơ sở phân bổ tài nguyên nước của toàn vùng.

Chuyển đổi kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh theo thế mạnh của vùng và từng tiểu vùng; từng bước giải quyết xung đột giữa các mô hình kinh tế; tăng cường kết nối kinh tế, kết nối hạ tầng nội vùng và với TP HCM, vùng Đông Nam Bộ; hình thành mạng lưới sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nội địa và tạo nguồn xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cho TP HCM và vùng Đông Nam Bộ.

Theo thống kê sơ bộ, đã có 1.165 dự án khoảng 280.000 tỷ đồng được các doanh nghiệp TP HCM ký kết hợp tác với các địa phương vùng ĐBSCL để thực hiện liên kết kinh tế và kết nối hạ tầng giao thông thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP.

Nhiều mô hình kinh tế phù hợp với tự nhiên, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với BĐKH được các địa phương triển khai, phát triển, điển hình như mô hình nuôi tôm bền vững; chọn tạo, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản có tiềm năng, lợi thế của vùng; nâng cao chất lượng giống;

Mô hình “Sinh kế thích ứng với BĐKH”, “Nước sạch và môi trường” của tỉnh Sóc Trăng; mô hình tòa nhà công sở sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời tại tỉnh Vĩnh Long… 

Thực tiễn đó một lần nữa khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước về phát triển bền vững ĐBSCL, phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển trong nước và quốc tế, đặc biệt là trước những thách thức to lớn của biến đổi khí hậu. Việc triển khai Nghị quyết đã kế thừa, tích hợp kết quả của các chương trình khoa học công nghệ, các dự án đã và đang triển khai thực hiện trong những năm qua.

Đồng thời khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chính trị của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển bền vững ĐBSCL, góp phần ứng phó với BĐKH toàn cầu trên cơ sở kết hợp giữa sáng tạo, tri thức bản địa với các thành tựu khoa học và công nghệ thế giới; sự vươn lên mạnh mẽ và khát vọng phát triển của người dân cả nước và ĐBSCL để chuyển hóa các thách thức thành cơ hội phát triển mới.

Đọc thêm