Tiễn biệt một nhà lãnh đạo giản dị, thương dân

(PLO) - Hôm nay, 7/10, Lễ viếng, Lễ truy điệu nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười - người lãnh đạo mẫu mực, uy tín; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng diễn ra tại Nhà Tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội và Hội trường Thống Nhất TP Hồ Chí Minh. 13h cùng ngày, Lễ an táng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười diễn ra tại quê nhà, Khu Ma Vang, thôn 1, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. 
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười với các đại biểu dự Đại hội VII Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 6.1991)
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười với các đại biểu dự Đại hội VII Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 6.1991)

Trong tâm trí người dân, nguyên Tổng Bí Thư Đỗ Mười là một lãnh đạo sống rất giản dị và thanh bạch, khiêm tốn và độ lượng, một bộ óc sáng suốt đầy trí tuệ vì Đảng, vì dân. Đặc biệt, ông rất thông cảm với những hoàn cảnh éo le của nhân dân và đã tận tay nhận hàng trăm đơn thư khiếu nại để giải quyết các oan ức của người dân.

“Tôi cũng chỉ là người đày tớ của dân mà thôi!”

Từng có gần nửa thế kỷ giúp việc cho nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, ông Phan Trọng Kính đã được tháp tùng Tổng Bí thư đến nhiều cơ quan, công trường, nhà máy, nhiều địa phương trong và ngoài nước. Trong thời gian ấy, nhân cách lớn của một nhà lãnh đạo đã in đậm trong ký ức của ông Kính

Ông Kính cho biết, khi còn làm Thường trực Ban Bí thư, đồng chí Đỗ Mười hàng ngày đều dành 1 giờ đồng hồ đến Vụ Thư từ để đọc đơn thư của người dân, việc nào giải quyết ngay được thì giải quyết, việc nào chưa giải quyết được thì gọi lãnh đạo địa phương lên trực tiếp gặp gỡ bà con để giải quyết và sau đó phải báo cáo lại cho ông biết. 

Năm 1991, khi về thăm một số tỉnh ở miền Trung và miền Nam, đến đâu Tổng Bí thư Đỗ Mười cũng hỏi thăm các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với nước, thăm hỏi các bà mẹ có con hy sinh ở Tây Ninh, Bến Tre, Thừa Thiên - Huế. Cảm động nhất là có một bà mẹ ở Thừa Thiên - Huế có 5 con hy sinh, khi Tổng Bí thư đến thăm hỏi, cụ vừa lau nước mắt vừa nói: “Gia đình tôi đã mất hết, các con tôi đã mất hết, nhưng mà đất nước được độc lập và có được hòa bình như hôm nay, thế là tôi cũng toại nguyện rồi...”.

Sau chuyến thăm ấy, Tổng Bí thư Đỗ Mười về trao đổi với Chủ tịch nước Lê Đức Anh và báo cáo Bộ Chính trị nên có hình thức tôn vinh một cách xứng đáng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Một thời gian sau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua và Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký lệnh ban hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Cũng thời gian này, có việc nhân dân một số xã ở tỉnh Thái Bình đấu tranh trước tình trạng một số cán bộ, đảng viên tham ô, ức hiếp quần chúng nhiều năm liền. Trước tình hình đó, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã về thăm Thái Bình và gặp gỡ các bí thư xã và cán bộ lão thành. Sự việc xảy ra ở một số xã ở Thái Bình rất nghiêm trọng, ở đây đã có tình trạng cán bộ xã tham nhũng, lộng quyền, quan liêu, xa rời quần chúng, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân...

Khi trở về, một cuộc họp đã được Tổng Bí thư Đỗ Mười triệu tập với sự tham gia của các ngành có liên quan. Cùng với đó là nhiều cuộc kiểm tra thực tế tại các địa phương, các cơ quan, trường học, bệnh viện, các đơn vị sản xuất. Kết quả là sự ra đời của Chỉ thị số 30-CT/TW về Quy chế dân chủ ở cơ sở. Quy chế đó sau khi ban hành đã phát huy được hiệu quả tích cực về quyền làm chủ của nhân dân.

Trong cuốn sách “Đồng chí Đỗ Mười - Dấu ấn qua những chặng đường lịch sử”, ông Trần Quân Ngọc, nguyên Vụ trưởng, Thư ký chuyên trách về dầu khí và công nghiệp của nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười bồi hồi nhớ lại: Trước đây, khi thấy bà con mang đơn thư khiếu nại lên các cơ quan, chính quyền, anh em bảo vệ thường đề nghị bà con trở về quê quán, không nhận các đơn thư tố cáo, khiếu nại. Khi phát hiện ra điều này, ông (nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười - PV) yêu cầu Phủ Thủ tướng phải tổ chức một bộ phận tiếp dân, nhận các đơn khiếu nại của dân một cách chu đáo, ân cần. 

Tôi nhớ một trường hợp khác: Trước Đại hội VII, Bộ Chính trị giao cho ông đi giải quyết một số vấn đề mất đoàn kết, một số chuyện vướng mắc tại một số tỉnh…Tới Phú Khánh, sau mấy ngày làm việc căng thẳng, sáng sớm hôm đó chúng tôi rời nhà khách Ủy ban nhân dân tỉnh để ra sân bay Nha Trang… Khi chiếc xe của Thủ tướng vừa từ từ lăn bánh ra khỏi nhà khách Ủy ban thì một cụ già lao vào phía trước xe. Đồng chí lái xe phanh xe kịp thời…May quá, cụ không sao. Cụ lổm ngổm ngồi dậy và quỳ dâng lá đơn lên trán, nói lắp bắp: “Tôi xin dâng lá đơn khiếu nại này lên cụ Thủ tướng!”.

Ông Đỗ Mười lúc đó cũng đã xuống xe, ông lấy tay đỡ cụ đứng lên và nói: “Chết chửa, tôi có phải là vua chúa gì đâu mà cụ phải quỳ xuống như thế! Tôi cũng chỉ là người đầy tớ của dân mà thôi! Cụ đừng bao giờ làm thế nữa nhé! Cụ cứ đưa đơn cho tôi, tôi sẽ tự mình đọc đơn của cụ sớm, cụ cứ yên tâm!”. (…) Cứ một lần nghĩ tới sự kiện này, lòng tôi lại bồi hồi xúc động, nước mắt lại ứa ra! Suốt đời tôi không bao giờ quên được hình ảnh vị Thủ tướng cúi xuống nâng người dân đứng dậy, miệng nói: “Tôi cũng chỉ là người đày tớ của dân mà thôi!”.

Một đời thanh bạch

Trong trí nhớ của ông Trần Quân Ngọc thì nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười ăn mặc rất giản dị. Thời bao cấp thì đi đâu ông cũng chỉ mặc bộ đồ đại cán đã bạc màu. Ông rất ngại mặc comple, thắt cà vạt trong các buổi lễ long trọng hoặc phải tiếp khách. Sau này khi đã nhiều tuổi, ông thích mặc những bộ lụa màu xám hoặc trắng, mỡ gà, trông vẫn lịch sự, đẹp và giản dị. Bữa ăn hàng ngày rất đạm bạc, như cuộc sống của một cán bộ bình thường.

Khi ông làm Thủ tướng và Tổng Bí thư, khi đi nước ngoài công tác hoặc tiếp khách trong nước, ông được tặng một số quà nghệ thuật như tranh, tượng bằng gốm sứ thủy tinh..., trước đây được trang trí trong phòng. Sau này ông cũng đem tặng lại Nhà nước, tặng các viện bảo tàng, chỉ còn giữ lại vài thứ nhỏ. Ông để vào vị trí trang trọng nhất tấm chân dung Bác Hồ với bút tích của Bác Hồ: “Tặng chú Mười”. Ông bảo đó là món quà quý nhất của đời ông. Chính Bác Hồ là người đích thân chọn ông làm Phó Thủ tướng. Suốt đời ông đã không ngừng phấn đấu để xứng đáng với sự tin yêu của Bác!

Có thể nói, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, dù ở bất cứ cương vị công tác nào, từ lãnh đạo một tỉnh, một khu hay một bộ, ngành, một lĩnh vực rồi trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng và cả khi đã nghỉ hưu, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đều để lại dấu ấn rất quan trọng, những tình cảm trong sáng với đồng bào, đồng chí.

Nhớ lại kỷ niệm một lần được gặp nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trong cửa hàng mậu dịch, ông Nguyễn Hữu Thường, cựu chiến binh ở phường Tân Phong, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai ấn tượng với phong cách của một vị lãnh đạo gần dân. “Tôi rất xúc động khi nghe tin đồng chí Đỗ Mười từ trần, một người cán bộ ưu tú của Đảng và Nhà nước. Đồng chí sâu sát, quan tâm đến đời sống của nhân dân” - ông Thường chia sẻ và kể một lần đồng chí Đỗ Mười vào kiểm tra cửa hàng mậu dịch, giả làm người dân vào ăn phở, mua hàng để chỉnh đốn nhân viên của thời kỳ đó.

Những năm tháng sống cùng gia đình tại ngôi nhà số 11 phố Phạm Đình Hổ, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), với phong cách sống gần gũi và rất đời thường, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã giành được tình cảm của các cán bộ, lãnh đạo chính quyền và cả người dân nơi đây. 

  Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười - nhà lãnh đạo trọn tình trọn nghĩa

Xem cố Tổng Bí thư Đỗ Mười như người thân, ân nhân, ông Nguyễn Hữu Châu - con trai cả cố Luật sư, Quyền Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ chia sẻ những kỷ niệm giữa cha mình với cố Tổng Bí thư Đỗ Mười. Ông kể, khi Luật sư Nguyễn Hữu Thọ bị lưu đày tại Hải Phòng những năm 1954-1955, âm mưu thâm độc của địch là để Luật sư cùng 24 thành viên của Đoàn hòa bình ở lại Hải Phòng rồi “tống khứ” ra Hà Nội; trong khi nhiệm vụ của Luật sư và Đoàn hòa bình là trở về miền Nam, tiếp tục cuộc chiến đấu. Thời gian lưu lại ở Hải Phòng, địch thẳng thừng tuyên bố: “Không đảm bảo an ninh cho các ông”.

Không loại trừ thủ đoạn “cho vượt ngục” để thủ tiêu. Cơ sở cách mạng kịp thời báo cáo với đồng chí Đỗ Mười lúc bấy giờ là Bí thư Khu ủy Khu Tả ngạn sông Hồng được phân công trực tiếp chỉ đạo Hải Phòng. Và chính cố Tổng Bí thư Đỗ Mười truyền đạt chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng là phải bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng của Đoàn hòa bình. Cần thiết huy động quần chúng đấu tranh.

Bản thân Đoàn hòa bình, Luật sư kiên trì đấu tranh, vượt qua mọi sự hăm dọa. Trước sự can thiệp của Ủy hội quốc tế, Bộ Chỉ huy tối cao Lực lượng liên hiệp Pháp ở Đông Dương ngày 25/4/1955 buộc phải đưa Luật sư và Đoàn hòa bình về Sài Gòn. Nhờ sự chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của đồng chí Đỗ Mười, âm mưu đen tối của địch nhằm ngăn cản Đoàn hòa bình về Sài Gòn thất bại.

Sau này, ngày 18/12/1980 tại Phủ Chủ tịch, đồng chí Đỗ Mười cùng nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước dự lễ Quyền Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ công bố Hiến pháp năm 1980. Ngày 8/7/1999 tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư Đỗ Mười đến dự lễ trao tặng Luật sư Nguyễn Hữu Thọ Huân chương Sao vàng. Ngày 30/12/1996, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã dự Lễ Quốc tang nguyên Quyền Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ. Đặc biệt năm 2005, ở tuổi gần 90, dù tuổi cao sức yếu nhưng đồng chí Đỗ Mười từ Hà Nội vào TP HCM dự lễ khánh thành Nhà lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. 

Phạm Ngọc Vương 

Đọc thêm