Tiền tham nhũng đi đâu?

(PLO) - Tại Cần Thơ, số tiền tham nhũng phải thu hồi là 1,7 tỷ đồng, thực tế chỉ thu được 800 nghìn đồng. 
Tiền tham nhũng đi đâu?

Tương tự, tại Hà Nội, tài sản của Dương Chí Dũng đã bán hết cũng chỉ thu được 1/5 số tiền mà tử tù này phải nộp trả Nhà nước. Hai dẫn chứng này thể hiện việc thu hồi tài sản tham nhũng khó khăn biết nhường nào và không thể thu hồi được số tiền mà bản án đã tuyên.

Những việc đã dẫn trên đây vẫn là sự kéo dài của tình trạng khó thi hành về tài sản của những án tham nhũng. Câu hỏi đặt ra là: Tiền tham nhũng  hàng tỷ đó đi đâu, đang ở đâu mà không thể tìm ra được? Có sự tẩu tán tài sản là lẽ đương nhiên nhưng tẩu tán bằng cách nào, ai “chống lưng” cho sự tẩu tán đó và cách ngăn chặn sự tẩu tán ra sao thì thực sự chưa có câu trả lời xác đáng.

Các vụ án tham nhũng ngày càng nhiều, càng lớn và nhiều vụ đã trở thành “đại án”, có vụ bị cáo nhận mức án tử hình. Song, điều mà dư luận quan tâm là tài sản do tham nhũng mà có ấy được xử lý thế nào, nếu không thu hồi được tài sản tham nhũng thì ý nghĩa răn đe sẽ không còn, tội phạm tham nhũng cứ tiếp tục vì chúng sẵn sàng đánh đổi cả mạng sống của mình khi biết chắc rằng số tiền kiếm được từ tham nhũng sẽ không bị thu hồi.

Trong những ngày này, Tòa án thành phố Hà Nội đang xét xử vụ trồng rừng khống ở Nghệ An với 11 bị cáo, trong đó có các cán bộ Argibank, chi nhánh Hồng Hà “tiếp tay” cho sự lừa đảo, “đánh mất” tiền Nhà nước hơn 600 tỷ đồng. Không phải đợi đến lúc thi hành án, hẳn mọi người đều biết rõ số tiền này sẽ chẳng bao giờ thu hồi lại được.

Tại TP HCM, một phiên tòa phúc thẩm cũng vừa khép lại và bị cáo, cũng là cán bộ Argibank, được hưởng lợi từ chính sách hình sự mới từ chung thân nay còn 20 năm tù giam. Bị cáo này đã lợi dụng nhiệm vụ được phân công, “rút ruột” các cây ATM 20 tỷ đồng. Vụ việc này xảy ra từ năm 2012, giờ mới xét xử xong, hẳn 20 tỷ đồng ăn cắp đó đã “bốc hơi” lâu rồi.

Các vụ án tham nhũng có đặc điểm chung là thời gian điều tra kéo dài, hành trình tố tụng cũng vậy, nhiều vụ phải “giục” mới đưa ra xét xử. Như vậy, những tội phạm tham nhũng có đủ thời gian xoay sở để tẩu tán tài sản một cách an toàn.

Tất nhiên là chúng ta có các biện pháp phong tỏa tài sản, ngăn chặn sự tẩu tán nhưng thực hiện thì chưa thực sự quyết liệt. Việc truy tìm các tài sản đã bị tẩu tán hầu như chưa ai làm, cái “điều kiện thi hành án” làm bó tay các Chấp hành viên. 

Thực trạng đó đặt ra cho các cơ quan thực thi pháp luật phải có những biện pháp cứng rắn, mạnh tay và kịp thời. Nếu cứ để tình trạng tài sản tham nhũng không thu hồi được tiếp diễn thì việc chống tham nhũng càng trở nên thiếu hiệu quả và niềm tin của nhân dân vào việc này cũng giảm sút rất nhiều!

Đọc thêm