Tiến tới Đại hội MTTQ các cấp: Phải gắn trách nhiệm với nhân dân

(PLO) - Chuẩn bị Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX nhiệm kỳ 2019-2024, PLVN xin giới thiệu ý kiến trao đổi của đồng chí Nguyễn Hữu Châu, nguyên ủy viên Đảng Đoàn ủy ban Mặt trận Tổ quốc TPHCM về vai trò, trách nhiệm và công tác xây dựng Mặt trận.
Tiến tới Đại hội MTTQ các cấp: Phải gắn trách nhiệm với nhân dân

Những ngày đầu tháng 7/2018, Hội nghị Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) 63 tỉnh, thành họp tại Nghệ An đã trao đổi sơ bộ về Đại hội UBMTTQ các cấp tiến tới Đại hội MTTQ Việt Nam (VN) lần thứ IX nhiệm kỳ 2019- 2024, nhất là về vai trò, trách nhiệm của Mặt trận trước nhân dân. Bên cạnh mặt thành quả là cơ bản, hội nghị còn trăn trở về chất lượng công tác tuyên truyền, nắm bắt dư luận xã hội, các phong trào thi đua yêu nước, nhất là về công tác tổ chức và cán bộ.

Để chuẩn bị tốt Dự thảo báo cáo Đại hội MTTQ VN các cấp theo Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư TƯ Đảng (sẽ đưa ra cho nhân dân góp ý kiến), xin có mấy kiến nghị với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:

1) Cần nghiêm túc xác định đúng và bảo đảm tính thực chất về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ VN: là liên minh chính trị, liên hiệp các tổ chức chính trị - xã hội và cá nhân tiêu biểu các giai cấp, tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, người VN định cư ở nước ngoài. Chức năng, nhiệm vụ hàng đầu của MTTQ VN là tập họp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.

2) Chức năng, nhiệm vụ của MTTQ VN và chương trình công tác nêu trong Hiến pháp 2013, Luật Mặt trận, Điều lệ Mặt trận cần gọn, thống nhất để MTTQ các cấp dễ thực hiện, không lẫn lộn.

3) Tình hình, dư luận xã hội, phải nói lên được những bức xúc của người dân không chỉ xung quanh vấn đề an sinh xã hội mà cần thẳng thắn đề cập đến các vấn đề được cho là “nhạy cảm”, vì thực tế đó phản ánh lòng dân, làm ảnh hưởng đến đoàn kết, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân.

4) Về công tác tuyên truyền giáo dục: Cần ghi nhận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về những chuyển biến của từng giới qua học tập ý nghĩa của các ngày truyền thống, học tập các nghị quyết của Đảng như Nghị quyết TƯ 4, 6,7 Khóa XII.

5) Về phong trào thi đua yêu nước: Đây là nội dung cần có trọng tâm, trọng điểm. Tập trung xây dựng cho được các mô hình do Mặt trận làm đầu mối phối hợp với các đoàn thể như xây dựng gia đình hạnh phúc, giảm nghèo bền vững... Nêu có mức độ các phong trào mà Mặt trận chỉ tham gia như an ninh, quốc phòng.

6) Về công tác tổ chức cán bộ:

a) Bảo đảm các cuộc họp định kỳ của UBMTTQ các cấp (có sự tham dự của đại diện các dân tộc, các tôn giáo) và có báo cáo lên Mặt trận cấp trên.

b) Bảo đảm phân công nhiệm vụ của các ủy viên không chuyên trách của Mặt trận các cấp nhất là các dân tộc, các tôn giáo, các vị tham gia công tác đối ngoại nhân dân và kết quả hoạt động của các vị, trong tình hình tinh gọn bộ máy.

c) UBMTTQ các cấp hướng về cơ sở, tổ chức giao ban với Ban CTMT khu phố, tổ CTMT ở địa bàn tổ dân phố.

d) UBMTTQ các cấp có trách nhiệm tổng kết hoạt động của các Ban CTMT Khu phố sau Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc (18/11) hàng năm.

e) Ở từng cấp, tổ chức thí điểm Đại hội Mặt trận; quan tâm vấn đề nhân sự đáp ứng yêu cầu: có năng lực, có đạo đức, có lăn lộn trong phong trào, am hiểu công tác Mặt trận, có uy tín trong các giới, trung thực, chủ động, dám làm dám chịu trách nhiệm.

f) Định kỳ đánh giá chất lượng hoạt động của các ban chuyên môn chuyên trách của UBMTTQ các cấp, hoạt động của Hội đồng tư vấn và Ban tư vấn của Mặt trận các cấp.

g) Để đảm bảo tính độc lập của Mặt trận, phát huy vị trí quan trọng của Mặt trận trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Chính quyền quản lý, nhân dân làm chủ” với việc phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể vận động, giám sát phản biện xã hội. Cần kiên quyết tổ chức hệ thống thi đua riêng độc lập của Mặt trận như đã làm thành công những năm 1980 (thời Nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh làm Bí thư Thành ủy TPHCM). Từ đó không thành lập Ban chỉ đạo chung giữa Mặt trận và chính quyền vừa phạm luật, vừa chồng chéo, trùng lắp, giẫm đạp lên công việc của nhau, giữa một bên là “vận động, giám sát, phản biện”, một bên là “quản lý nhà nước”, gây nên thực trạng bất cập: một thành tích mà tổ chức nào cũng “giành” của mình.

h) Rút bài học kinh nghiệm từ Quốc hội, UBMTTQ từng cấp họp với UBMTTQ cấp dưới để lắng nghe ý kiến của các đoàn viên, hội viên về sự hướng dẫn, chỉ đạo của mình, thậm chí có sự chất vấn để những người đứng đầu Mặt trận trả lời có làm tròn trách nhiệm là đại diện quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân hay không?

Đọc thêm