Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp

(PLO) - Chiều qua (15/12), tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp (CCTP) Trung ương đã họp phiên thứ tư để thảo luận, cho ý kiến về một số Dự thảo Báo cáo.  Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng ban Chỉ đạo CCTP Trung ương chủ trì phiên họp.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp
Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp

Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý

Trong năm 2017, Ban Chỉ đạo đã thực hiện nghiêm túc chủ trương “tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược CCTP” do Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng thông qua và các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị; lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai thực hiện Chiến lược CCTP theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan ở Trung ương đã chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được giao theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực chỉ đạo việc nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Luật sư, Luật Lý lịch tư pháp, Luật Tương trợ tư pháp. Đồng thời, chỉ đạo việc xây dựng các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng Hành chính, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam…

Khái quát kết quả triển khai nhiệm vụ công tác của Ban Chỉ đạo trong năm 2017, Chủ tịch nước chỉ ra một số điểm nổi bật là: Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, xây dựng các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động tư pháp, thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn các chủ trương, đường lối của Đảng về CCTP; lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy trong nội bộ các cơ quan được giao thực hiện các hoạt động tư pháp; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý, thực hiện quyền và nghĩa vụ theo đúng quy định pháp luật; chỉ đạo việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức luật sư, trợ giúp pháp lý, công chứng, giám định tư pháp, thừa phát lại; hoàn thiện các đề  án về vị trí việc làm, tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ có năng lực; chỉ đạo việc đổi mới phương thức hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND và tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến hoạt động tư pháp…

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng nêu lên một số hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo như công tác kiểm tra, nắm tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ CCTP chưa được tiến hành thường xuyên; công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh chưa được tiến hành đồng bộ. Việc triển khai thực hiện các đề án về phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp còn chậm; chưa kịp thời đề xuất với Bộ Chính trị cho ý kiến về cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp…  

Xây dựng Đề án về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính

Chủ tịch nước đề nghị, trong năm 2018, Ban Chỉ đạo và các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan trực thuộc Trung ương cần tiếp tục quán triệt thực hiện đúng đắn quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ CCTP nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và các nhiệm vụ cụ thể nêu trong Chương trình trọng tâm công tác CCTP nhiệm kỳ 2016 – 2021. Đồng thời, bảo đảm thực hiện nghiêm túc chủ trương “Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược CCTP” do Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã thông qua.

 Thông báo ý kiến về báo cáo, đề xuất của Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo đánh giá cao kết quả hợp tác giữa Hội Luật gia Việt Nam với Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam về khảo sát chỉ số công lý; cơ bản tán thành phương hướng xây dựng chỉ số tư pháp nêu trong báo cáo của Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam. 

Đối với báo cáo, đề xuất của Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân Tối cao, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo cơ bản đồng ý giao Tòa án nhân dân Tối cao triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính và tiến hành thí điểm hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng.

Đọc thêm